Hậu quả thấy trước

|

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, chính sách áp thuế trả đũa lẫn nhau giữa các nền kinh tế lớn sẽ làm suy yếu triển vọng tăng trưởng kinh tế, làm tăng chi phí và gián đoạn chuỗi cung ứng tại châu Á, khu vực hiện là động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới.

IMF dự báo, kinh tế châu Á tăng trưởng 4,6% năm nay và 4,4% năm tới, cao hơn so mức 3,2% của kinh tế thế giới trong cả hai năm 2024 và 2025. Nếu thuế nhập khẩu tăng cao, GDP toàn cầu sẽ sụt giảm, trong dài hạn có thể giảm 7%, bằng cả quy mô nền kinh tế của Đức và Nhật Bản cộng lại.

Tại diễn đàn tài chính diễn ra ở Philippines hôm đầu tuần, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Krishna Srinivasan nêu rõ: Việc các nước áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu để đáp trả lẫn nhau có nguy cơ phá vỡ triển vọng tăng trưởng trong toàn bộ châu Á, khiến chuỗi cung ứng phức tạp và kém hiệu quả hơn, thậm chí bị đứt gãy.

Cảnh báo của IMF được đưa ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng liên quan kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump áp thuế suất 10% với toàn bộ hàng nhập vào Mỹ và mức 60% với riêng hàng hóa Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Mỹ cũng từng áp thuế suất 25% với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 350 tỷ USD, dẫn tới màn áp thuế trả đũa từ Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc còn chưa “hạ nhiệt”, sau khi tháng trước EU tăng thuế với xe điện Trung Quốc lên 45,3%, khiến Trung Quốc trả đũa bằng áp thuế lên các sản phẩm từ EU, trong đó rượu mạnh chịu mức thuế từ 30,6% đến 39,0%.

Theo IMF, thuế nhập khẩu có thể kìm hãm thương mại toàn cầu, làm sụt giảm kinh tế tại các nước xuất khẩu và thổi bùng lạm phát trở lại Mỹ, dẫn tới chính sách thắt chặt tiền tệ bất chấp tăng trưởng kinh tế còn mong manh. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính, nếu được thực hiện, kế hoạch áp thuế nhập khẩu sẽ khiến GPD của những nước xuất khẩu nhiều hàng hóa vào Mỹ giảm ít nhất 1% so với dự báo hiện tại.

Châu Á đang trong “giai đoạn chuyển dịch quan trọng”, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. IMF chỉ rõ “hậu quả nhãn tiền”, khi căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn tác động tiêu cực tới các quyết định tiền tệ tại châu Á, ảnh hưởng tới dòng vốn, tỷ giá và thị trường tài chính toàn cầu.