Giải pháp tình thế

|

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sử dụng những “chính sách đòn bẩy” để đẩy nhanh việc hồi hương người nhập cảnh bất hợp pháp, trong bối cảnh vấn đề người di cư vào EU lại nóng lên.

Văn bản kết luận của Hội nghị cấp cao EU hồi tuần trước nêu rõ: Hội đồng châu Âu (EUC) kêu gọi hành động quyết liệt, ở mọi cấp độ, để đẩy nhanh việc hồi hương người nhập cư.

Tại hội nghị, các lãnh đạo EU đánh giá đường biên giới bên ngoài EU bị xâm phạm đã thúc đẩy sự trỗi dậy của các đảng cực hữu, tác động mạnh tới kết quả bầu cử trên khắp châu Âu, đẩy nhập cư thành vấn đề tâm điểm chính trị. Nhấn mạnh ưu tiên đẩy nhanh hồi hương người nhập cư trái phép, các nhà lãnh đạo yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) khẩn trương soạn thảo dự luật liên quan.

Theo thống kê, số người di cư bất hợp pháp đến châu Âu năm 2023 chỉ bằng một phần ba con số 1 triệu người lúc đỉnh điểm cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 và dự kiến còn giảm nữa trong năm nay. Tuy nhiên, nhập cư vẫn là vấn đề rất nhạy cảm ở hầu hết 27 nước thành viên EU. Nhiều nước gia tăng các kiểm soát nhập cư, như siết chặt biên giới, đình chỉ một phần quyền tị nạn đối với người nhập cư...

Đặc biệt, việc thành lập “trung tâm hồi hương” bên ngoài khối, nơi dành cho người không đủ điều kiện tị nạn tại EU chờ đợi trước khi bị trục xuất về quê hương là hướng đi mới được một số nước ủng hộ, đi đầu là Italy. Ngay trước thềm hội nghị, Italy đã chuyển nhóm người bị từ chối nhập cảnh đầu tiên tới Albania, theo một thỏa thuận riêng giữa hai nước. Hà Lan cũng đang xem xét gửi người không được tị nạn tới Uganda.

Các nước ủng hộ sáng kiến “trung tâm hồi hương” cho đây là giải pháp sáng tạo, giúp giảm áp lực cho đường biên giới của họ, qua đó giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp vào EU. Tuy nhiên, những ý kiến trái chiều lại lo ngại về các vấn đề chi phí và điều kiện lưu giữ người di cư tại cơ sở bên ngoài khối.

Trong khi chính sách chung chưa được thống nhất, sáng kiến “trung tâm hồi hương” đang được các lãnh đạo EU xem xét như một giải pháp tình thế. Chưa hoàn hảo và còn gây tranh cãi, song sáng kiến này có thể góp phần tạo thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận của EU về vấn đề di cư.