Tăng cường bảo vệ an ninh cáp ngầm

|

Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vừa thành lập một cơ quan mới để tăng cường bảo vệ các tuyến cáp ngầm dưới biển, nhằm mục đích giải quyết những rủi ro liên quan và đẩy nhanh quá trình sửa chữa trong trường hợp xảy ra sự cố. Hệ thống cáp ngầm ngày càng giữ vai trò quan trọng, đòi hỏi cần được bảo vệ chặt chẽ hơn.

Trụ cột của kinh tế số

Theo AP, ITU phối hợp Ủy ban Bảo vệ cáp quốc tế (ICPC) thành lập Cơ quan Tư vấn quốc tế về khả năng phục hồi của cáp ngầm, nhằm triển khai những nỗ lực liên quan việc vận hành và xử lý rủi ro. Các tuyến cáp quang dưới biển đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải gần như phần lớn lưu lượng dữ liệu internet toàn cầu. Đây là trụ cột của nền kinh tế số, bảo đảm sự ổn định cũng như an toàn cho kết nối kỹ thuật số.

Ông Doreen Bogdan Martin, Tổng Thư ký ITU cho biết: “Cáp ngầm truyền tải hơn 99% dữ liệu trao đổi quốc tế nên khả năng phục hồi của chúng trở thành một yêu cầu cấp thiết toàn cầu. Cơ quan tư vấn sẽ huy động chuyên môn từ khắp nơi trên thế giới để bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng này vẫn có khả năng phục hồi trước thảm họa, tai nạn và các rủi ro khác”.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã thông qua thỏa thuận tài trợ trị giá 142 triệu euro (hơn 150 triệu USD) cho 21 dự án nhằm hiện đại hóa và triển khai các tuyến cáp quang biển mới. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã nhiều lần khẳng định và nêu bật tầm quan trọng của các cơ sở hạ tầng quan trọng này, theo đó tất cả dự án được tài trợ đều phải bảo đảm tuân thủ những tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt của EU, bao gồm việc sử dụng công nghệ bảo mật tiên tiến và hệ thống giám sát để phát hiện cũng như ngăn chặn các mối đe dọa.

Phó Chủ tịch EC phụ trách về chủ quyền công nghệ, an ninh và dân chủ Henna Virkkunen nhấn mạnh: “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối thiết yếu đồng nghĩa với việc đầu tư vào sự ổn định và tương lai của EU”. Với tổng số tiền tài trợ lên tới 420 triệu euro cho các dự án cáp quang biển trong giai đoạn 2021-2023, EU đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả. Chương trình tài trợ giai đoạn 2024-2027 đã dành thêm 542 triệu euro để cung cấp cho các dự án kết nối, nâng tổng số tiền đầu tư của EU cho lĩnh vực này lên gần 1 tỷ euro.

Ông Graham Evans, Chủ tịch ICPC nêu rõ, cáp ngầm là cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và hệ thống truyền thông kết nối các khu vực khác nhau. Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Nghị viện (CRS), cáp viễn thông ngầm thương mại truyền tải khoảng 99% thông tin liên lạc kỹ thuật số xuyên đại dương như điện thoại, dữ liệu, internet và bao gồm các giao dịch tài chính. Có hơn 500 cáp ngầm thương mại do các công ty tư nhân riêng lẻ cũng như các tập đoàn sở hữu, vận hành và những loại cáp này đã trở thành trụ cột của internet toàn cầu.

“Tầm quan trọng của những tuyến cáp này, vốn bao phủ hơn 1,4 triệu km kết nối mọi quốc gia trên thế giới, là không thể phủ nhận”, ông Evans khẳng định. Với nhiều công ty lớn tham gia vào cuộc đua kết nối, con số này có thể sẽ tăng lên trong những năm tới. Các công ty toàn cầu lớn như Amazon, Google, Meta và Microsoft đã thống trị thị trường, sở hữu hoặc thuê khoảng một nửa tổng băng thông dưới biển. Nhưng sự phụ thuộc lớn như vậy cũng có nghĩa là mạng lưới cáp ngầm dưới biển đứng trước nguy cơ “dễ bị tổn thương” và ngược lại đòi hỏi cần được bảo vệ chặt chẽ hơn.

An ninh cáp viễn thông dưới biển

Theo Tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, nghiên cứu viên cao cấp Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) ở Canberra (Australia), cáp ngầm ngày càng trở nên thiết yếu đối với hoạt động của thế giới kết nối, nhưng chúng phải đối mặt những rủi ro và đòi hỏi phải có hành động phối hợp chủ động hơn. “Những sự kiện như đứt cáp ở Biển Đỏ đã làm nổi bật một lỗ hổng an ninh khác, đó là an ninh của cáp viễn thông dưới biển”, ông Rajagopalan cho hay.

Hồi tháng 3, ba tuyến cáp kết nối internet và viễn thông cho nhiều khu vực khác nhau chạy qua Biển Đỏ đã bị đứt, làm gián đoạn mạng viễn thông và buộc các nhà cung cấp phải định tuyến lại. Theo báo cáo, sự cố đứt cáp quang đã ảnh hưởng đến 25% các thông tin liên lạc từ châu Á đến châu Âu qua Biển Đỏ. Nhiều công ty đã phải thực hiện các bước khắc phục lập tức để hạn chế tác động. Biển Đỏ từ lâu đã được coi là điểm nghẽn vận chuyển hàng hải nhưng cũng là “điểm nghẽn về internet và viễn thông”, theo các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Với khoảng 90% thông tin liên lạc giữa châu Âu và châu Á, cũng như 17% lưu lượng internet toàn cầu đi qua các tuyến cáp dưới eo biển Bab al-Mandab, đây là điểm nghẽn lớn đối với lĩnh vực truyền thông.

Nhiều báo cáo ghi nhận đã có những cuộc tấn công cố ý và vô ý vào cơ sở hạ tầng cáp ngầm. Cuộc tấn công đường ống Nord Stream vào tháng 9/2022 đã làm nổi bật lỗ hổng an ninh đối với cáp ngầm dưới biển khiến việc tăng cường biện pháp bảo vệ cáp viễn thông ngầm càng phải chặt chẽ hơn. Hai sự cố đáng chú ý vào tháng 4 và tháng 10/2022 khi nhiều cáp bị cắt ở miền nam nước Pháp, bị nghi ngờ là cuộc tấn công cố ý có phối hợp và có mục tiêu.

Cũng có nhiều sự cố tự nhiên dẫn đến đứt hoặc làm hỏng cáp, dẫn đến nhiễu và gián đoạn liên lạc. Thiệt hại cáp ngầm ở Tonga, một quốc gia quần đảo nam Thái Bình Dương, sau vụ phun trào núi lửa vào tháng 1/2022, khiến các chuyên gia phải mất tới 38 ngày mới khôi phục được kết nối internet, sau khi sửa chữa xong tuyến cáp ngầm. “Một điều quan trọng không kém cần lưu ý là việc sửa chữa cáp cực kỳ khó khăn và tốn kém. Trong trường hợp ở Tonga, ước tính chi phí hằng ngày cho con tàu làm nhiệm vụ sửa chữa cáp là từ 35.000 đến 50.000 USD”, ông Graham Evans cho biết.

Theo dữ liệu của ITU, có khoảng 200 sự cố về cáp được báo cáo trong năm 2023. Nguyên nhân chính gây ra sự cố cáp ngầm bao gồm hoạt động vô tình của con người, chẳng hạn như đánh bắt cá và neo đậu, cùng với các mối nguy hiểm tự nhiên, mài mòn và hỏng hóc thiết bị. Tuy nhiên, việc xác định xem thiệt hại đối với cáp ngầm là cố ý hay là kết quả của các hiện tượng hoặc tai nạn tự nhiên đang ngày càng trở nên thách thức. Các nhà phân tích đã bổ sung nguyên nhân gây thiệt hại có thể do lưới đánh cá, thời tiết, mỏ neo tàu, cá mập hoặc thậm chí là tàu chở hàng bị chìm.

Cùng với an ninh mạng, cáp ngầm dưới biển dần đóng vai trò là cơ sở hạ tầng quan trọng. Hiện nay, ngoài nỗ lực bảo vệ riêng của từng quốc gia, việc bảo vệ cáp ngầm có thể được thực hiện thông qua các nhóm đa phương hoặc một cơ quan quốc tế để triển khai những giải pháp chung.