Doanh nghiệp nhà nước tối ưu hóa hoạt động

|

Từng là “điểm nóng” về khó khăn, thua lỗ, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang chuyển mình nhờ nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại đà tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhắc lại việc năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từng là “điểm nóng” trong các cuộc họp của Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước để nhấn mạnh rằng, tình hình năm 2024 đã hoàn toàn thay đổi.

Chuyển biến tích cực

Báo cáo của hai doanh nghiệp này đã làm rõ hơn nhận định của lãnh đạo Ủy ban, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, các dự án lớn của ACV hiện nay đều được đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng thi công. Đối với dự án cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành, công trình nhà ga hành khách dự kiến tháng 8/2024 bắt đầu thi công kết cấu mái thép và về đích sớm vào cuối năm 2026. Hệ thống đường băng khu bay cũng có kế hoạch về đích sớm 2 tháng, khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (30/4/2025).

Tương tự, dự án nhà ga hành khách T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cũng phấn đấu về đích trước 3 tháng, đúng dịp 30/4/2025. Từ tháng 8/2024, công trình này sẽ hoàn thành thi công phần mái để chuyển sang giai đoạn hoàn thiện, lắp đặt trang thiết bị.

Về kết quả sản xuất, kinh doanh, ông Lại Xuân Thanh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 48% kế hoạch năm, giảm 3,8% so cùng kỳ 2023. Trong đó khách quốc tế tăng 38,5%, khách trong nước giảm 18,5%. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 11.061 tỷ đồng, bằng 54,42% kế hoạch năm, tăng 21,68% so cùng kỳ 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 5.983 tỷ đồng, bằng 63,8% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 1.847 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả giảm sản lượng hành khách thông qua cảng nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng, ông Lại Xuân Thanh cho biết, nguyên nhân vì sản lượng khách quốc tế thông qua các cảng hàng không tăng cao. Đây là nguồn thu đáng kể vì mức thu phí dịch vụ của khách quốc tế cao hơn so mức thu của khách nội địa.

Đối với EVN, điểm tích cực nhất là 6 tháng đầu năm không để xảy ra thiếu điện, không phải sa thải phụ tải như cùng kỳ năm 2023. Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm, EVN đã bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong bối cảnh thời tiết có nhiều thời điểm rất khắc nghiệt, nhu cầu điện liên tục tăng cao.

Cụ thể, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 151,74 tỷ kWh, tăng 12,4% so cùng kỳ, vượt kịch bản được Bộ Công thương phê duyệt; sản lượng điện tiêu thụ ngày lớn nhất đã đạt mức 1,02 tỷ kWh. Nhờ áp dụng công nghệ mới và chuyển đổi số, EVN đã điều hành, huy động hợp lý các nguồn điện vừa bảo đảm cung ứng điện vừa tối ưu hóa chi phí cho hệ thống, giảm được 2.000 tỷ đồng chi phí mua điện.

Tuy nhiên, đặc thù của EVN là vận hành theo cơ chế rất đặc biệt, đầu vào theo giá thị trường nhưng giá đầu ra Nhà nước quản lý nên rất khó cân đối tài chính. Sau 2 năm lỗ liên tiếp, 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình tốt lên nhưng EVN vẫn lỗ 13 nghìn tỷ đồng. Dự kiến cuối năm, việc tăng vận hành các nhà máy thủy điện và giảm chi phí mua điện sẽ giúp EVN có lợi nhuận dương, giảm được số lỗ nhưng EVN vẫn có thể bị lỗ năm thứ 3 liên tiếp.

Đầu tư phát triển khởi sắc

Về kết quả hoạt động chung của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, Ủy ban cho biết các doanh nghiệp cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. Đáng lưu ý, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn Nhà nước.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch năm và bằng 113% so cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và bằng 127% so cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 86 nghìn tỷ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm và bằng 91% so cùng kỳ.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ước lãi hợp nhất 4.600 tỷ đồng, tiến tới cân bằng tài chính từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia cần có thêm thời gian và cơ chế đặc thù của các cấp có thẩm quyền để xử lý số lỗ lũy kế rất lớn do tác động của đại dịch Covid-19.

Đáng lưu ý, hoạt động đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty có bước khởi sắc khi tổng giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt gần 67 nghìn tỷ đồng, bằng 120% cùng kỳ. Một số dự án lớn, trọng điểm có giá trị thực hiện đầu tư cao so kế hoạch năm, như dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng; dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án thành phần 3-dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1… Tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, về cơ bản, Ủy ban đã trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt các Chiến lược, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm, Đề án cơ cấu lại của các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, các Vụ chức năng sẽ tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp triển khai thực hiện hiệu quả, hướng đến mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.