Nụ cười trở lại
Một tuần sau cơn lũ, mỗi ngày, cuộc sống vẫn đang dần trở về nhịp độ của nó. Ngay cả người trong cuộc, giữa ngổn ngang mọi thứ, đã lau nước mắt. Bình tĩnh với thiên nhiên, như cái cách người ta vẫn đối mặt với núi đá triệu năm ở vùng cao nguyên này.
Điểm trường thôn Tùng Nùn (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ) đang có hai hộ dân tạm tá túc vì đã bị cuốn trôi sạch nhà cửa, của cải. Thế nhưng số người túc trực ở đây luôn đông đúc. Chị Đào Thị Hà ở đây đến ngày thứ ba, cô con gái gọi điện hỏi mẹ có về ăn cơm còn không kịp nói nhiều. Chị là phiên dịch giúp các đoàn từ thiện, chạy qua lại giữa xã và các điểm bản. Hàng xóm các nơi cũng đổ về hỏi thăm nhau. Bọn trẻ thì bỗng dưng có thêm bạn. Những dòng chảy mới hình thành giờ thành nơi vui đùa của trẻ con. Không ai tưởng tượng chỉ vài hôm trước, con lạch bé xíu đấy là nơi mà sáng chủ nhật trước, cơn lũ dâng cao quá đầu người, cuốn theo cả mấy chục tỷ đồng và hai mạng người. Sau một ngày bị cô lập, Lùng Tám đã có điện trở lại.
Anh Lù Hạnh Váng (thôn Lùng Tám thấp) đã bắt đầu tìm lại số sách vở còn sót, dù chỉ là vài trang. 40 tuổi, người cựu chiến binh này vẫn đang cày cục theo học chuyên ngành luật kinh tế tại ĐH Thái Nguyên. Cơn lũ xảy đến chỉ vài ngày sau khi anh nghỉ hè. Anh tự động viên là đúng đợt hè, nên có thời gian để tính đến việc dựng cái nhà mới.
Ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, những người phụ nữ Gia Tuyến, chân dận ủng vượt quãng đường bùn đất mới ra được tới xã vẫn cười bởi “May mà ban ngày nên không ai chết - như lời chị Đặng Thị Dung. Theo chồng về Gia Tuyến hơn 10 năm, chị Dung chưa từng thấy lũ to thế. Nhà chị từ hộ khá, giờ mất trắng. “Thôi thì làm nốt đám ruộng còn, để tính xem làm cái gì bù vào”, cô gái Dao xòe tay và cười. Gia Tuyến vẫn chưa thông xong đường vào, người dân vẫn phải đi bộ hơn hai tiếng mới ra đến xã để mua nhu yếu phẩm. Trong khi đó, đường từ Gia Tuyến về phía TP Hà Giang dù đã thông thì với khoảng cách hơn 20 cây, xe cộ đa phần đã trôi sạch, việc đi lại không khá hơn là bao.
Bàn Thị Phạn, cả nhà đang ở Gia Tuyến và nhà bố mẹ đẻ ở Tham Còn đều hư hại nặng. 8 giờ sáng, lúc lũ mạnh nhất, nhà Phạn nằm ngay giữa hai dòng thác đổ về. Phạn ôm đứa con hơn một tuổi chết trân ở mái hiên, chung quanh là nước bao vây, chỉ cầu giời nước đừng ào vào mình. Bây giờ Phạn ngồi tính vậy là nhà mất hơn 500 gốc quế mới trồng gần hai năm, hồi mua giống cũng 900 nghìn một cây, đám ruộng coi như bỏ đi vì toàn đá hộc phủ kín, nghĩa là vụ này hết thóc ăn: “Nhà em chưa xuống giống, thôi cũng khỏi tiếc tiền mua thóc giống”, Phạn tìm ra được một điều an ủi. Nghe Phạn kể về nỗi sợ lúc đứng mấy tiếng giữa dòng lũ, nhìn gia sản quanh mình ào ào đi, cứ như từ lúc nào xa lắm.
Đa phần những người phụ nữ ra xã lo thủ tục và nhận đồ cứu trợ. Đàn ông trong nhà còn đang tất bật tìm đất mới để dựng lại nhà. Như ở Tham Còn, sẽ là một điểm thôn mới hoàn toàn xa vị trí cũ.
Thiếu người, thiếu đường, chứ không thiếu mì tôm
Ông Lý Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ, quần xắn móng lợn chở gạo và sữa của mấy đoàn từ thiện qua đoạn sạt lở vì đường vẫn chưa thông hẳn, bảo: “Giờ Cao Bồ cần đường đi, cần người dọn dẹp, chứ mì tôm hay lương khô chỉ giải quyết được trước mắt”. Ở Cao Bồ, Chủ tịch xã lẫn Phó Chủ tịch đều xắn quần móng lợn đi bê sữa, gạo qua đoạn đường sạt lở, trưởng công an xã cũng xắn tay ra dọn đường… Người trong xã mấy hôm nay được huy động tối đa.
Bàn Văn Thắng, thôn Tham Còn, nhẩm tính từ hôm lũ đến giờ, mỗi ngày đi đi về về quãng đường từ bản ra đường bê-tông liên xã phải bốn - năm bận. Đường vào Tham Còn chỉ chừng vài cây số nhưng chưa được bê-tông hóa, đa phần là vượt qua đất đá. Ngay cả khi chưa có lũ, về Tham Còn cũng không phải chuyện đơn giản. Nhưng Thắng cùng lứa thanh niên trong thôn chỉ cần gọi là có mặt. Mấy ngày này mọi người tập trung đầy đủ ở khu vực sạt lở để hò nhau chuyển đồ, giúp nhau di dời. Cửa hàng duy nhất của thôn, nhà ông Hoàng Văn Dầu đã bị lũ cuốn trôi sạch sẽ, kéo theo cả người duy nhất trong căn nhà lúc đó là anh Trương Văn Luyện. Bản Tham Còn hơn 20 nóc nhà có tới 17 nóc nhà cần di dời toàn bộ. Không ai đứng ngoài cuộc trong cơn lũ, dù có bị mất mát hay không. Thắng không phải hộ dân được ủng hộ nhiều nhất, dù cả nhà cũng mất gần một nửa diện tích ruộng. Nhưng Thắng không hề phàn nàn khi mang đồ cứu trợ qua mấy cây số gập ghềnh vào cho những người mất mát nhiều hơn. Anh Lý Văn Hậu từng là nạn nhân trong đợt lũ năm 2008. Năm đó nhà anh ở chính vị trí của gần 15 nóc nhà Tham Còn bây giờ, vẫn nhớ cảnh nửa đêm nghe tiếng ồ ồ chạy ra, thấy nước tràn về, chỉ kịp hô mọi người chạy. Năm đó anh còn nhà, nhưng đồ đạc theo dòng lũ cuốn đi. Đợt lũ năm nay nhà anh Hậu chỉ mất ba bãi chè, một ít ruộng, so với các nhà khác là may mắn. Nhưng anh vẫn đang có mặt ở trung tâm thôn: “Mọi người ở đây hỗ trợ nhau chạy thôi”.
Ngày 30-6, hơn 100 đoàn viên, thanh niên ở huyện Vị Xuyên đã được huy động cào cát ở các thửa ruộng thôn Bản Dâng đang bị lấp trắng sau trận lũ. Trời xẩm tối tất cả mới vượt núi về nhà. Nhưng con số 100 người ấy, huy động rất nhanh. Cường - Bí thư Đoàn xã Ninh Hồ bảo gần như đã dọn dẹp xong những diện tích ruộng còn cứu vãn, bớt đi thiệt hại. Một con số nhân lực tương tự từ chính người dân Cao Bồ, đi hỗ trợ chuyển nhà, dọn dẹp vớt vát từ đống đổ nát. Một công ty ở huyện hỗ trợ một máy xúc đến dọn đường liên xã.
Cuộc sống bên những ngọn núi lừng lừng, giống như một cuộc đánh cược. Thí dụ như Quản Bạ, trong cả cuộc đời 60 năm của mình, bà Thào Thị Mỷ đâu bao giờ chứng kiến cơn giận dữ nào của thiên nhiên lớn như thế. Vị trí nặng nhất, nơi có bốn căn nhà bị cuốn trôi hoàn toàn vốn là nơi an toàn nhất, xưa nay chưa từng ngập, chưa từng lung lay. Vậy mà chỉ trong hai tiếng, nơi này biến thành một bãi đá trắng. Thí dụ như Cao Bồ, những Tham Còn, Gia Tuyến, Bản Dâng mọi mùa mưa lũ đều không phải vùng “trọng điểm”. Nhưng mỗi năm, thiên nhiên lại càng trở nên khó đoán. Hoặc giả bây giờ, mỗi một hành động thiếu tính toán của con người, đều có thể kéo theo những hệ lụy khôn lường. Và theo một cách nào đó, người ta chờ đợi những may rủi của đời như một hệ quả của những năm tháng “ăn rừng”, “ăn núi”.
Có điều, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chỉ là sau đó, sẽ sống như thế nào để bớt những nỗi hoảng loạn vì thiên nhiên nổi giận bất ngờ.
Ở Hà Giang, mưa đã tạnh rồi.