Không cần phải mất thời gian vào siêu thị, người tiêu dùng Thủ đô có thể vừa tranh thủ đi chơi, đi tập thể dục vừa có thể mua được đặc sản, rau củ quả tươi ngon từ các địa phương ngay tại công viên.
Cứ vào ngày cuối tuần, chợ nông sản giữa Công viên Thống Nhất (Hà Nội) là điểm đến quen thuộc của ông Nguyễn Đình Khuê, ở quận Hai Bà Trưng. Ông cho biết, rất nhiều loại nông sản từ các vùng miền được bán trực tiếp từ người sản xuất là các hợp tác xã. Vì vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng và giá cả. “Ý tưởng mở chợ nông sản trong công viên rất ý nghĩa và hiệu quả đối với những người tiêu dùng như chúng tôi khi vừa được tập thể dục, ngắm cảnh vừa được mua sắm những sản phẩm thiết yếu cho gia đình” , ông Khuê nói.
Đa dạng thị trường cho nông sản
Không chỉ giới hạn ở những thị trường như ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mà các hợp tác xã nông nghiệp còn hướng tới những địa danh du lịch nơi mà dịp hè cao điểm. Đây mới chính là thị trường tiêu thụ nông sản khổng lồ.
Những năm trước, anh Dương Quang Huy, một nông dân Hải Dương đã từng rơi vào tình cảnh được mùa mất giá. Khi dưa hấu, thanh long không xuất khẩu được, nhiều nông dân như anh thậm chí phải đổ bỏ thành quả lao động của mình.
Năm nay, anh cùng nhiều nông dân khác đã mang sản phẩm của mình đến Hạ Long (Quảng Ninh) để bán cho khách du lịch tại đây. Không phụ lòng người nông dân, hàng hóa nông sản đã được người tiêu dùng ở Hạ Long đón nhận tích cực. Anh Huy chia sẻ, lượng tiêu thụ cứ tăng dần, đặc biệt giá cả rất tốt khi khách du lịch là những người rất mạnh tay chi tiền, đặc biệt đối với các mặt hàng đặc sản địa phương có chất lượng. Còn theo chị Nguyễn Thu Phương, khách du lịch tại địa phương này, nhiều khi rất khó tìm được hoa quả ngon, giá cả hợp lý tại các địa điểm du lịch. “Vì vậy, chúng tôi rất mong sẽ có nhiều điểm bán hàng nông sản địa phương tại các điểm du lịch. Rất thú vị khi đi du lịch một nơi có thể mua đặc sản của một địa phương khác tại đó”.
Thực tế địa phương nào nhạy bén trong việc chuyển hướng thị trường đã có được kết quả bước đầu. Nhiều nông dân lạc quan tin tưởng vào khả năng giảm áp lực tiêu thụ khi mùa vụ đến.
Ông Hoàng Anh Thư, Hợp tác xã Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, Hải Dương) chia sẻ, trước đây mỗi khi vào vụ thì áp lực, nông dân mà được mùa thì rớt giá. “Làm ra rồi không biết bán cho ai, bán được bao nhiêu, đấy là cái lo nhất. Giờ chúng tôi đến tận nơi giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng, yên tâm trong khâu tiêu thụ, bán được hàng” , ông Thư nói.
Thay đổi cách tiếp cận thị trường cũng là một phần trong lộ trình chuyển đổi nhận thức từ tư duy làm nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang nỗ lực thực hiện. Xuất khẩu đang là thế mạnh của nông sản, nhưng không vì thế mà bỏ quên các ưu thế khác.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, ngành nông nghiệp tích cực xuất khẩu nhưng cũng cần coi trọng thị trường nội địa với 100 triệu dân. Đặc biệt trong bối cảnh, nhiều quốc gia cũng rất muốn đưa nông sản vào Việt Nam thì những người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp càng cần tích cực khai thác thị trường nội địa để tránh thua ngay trên sân nhà.
Tăng cường liên kết địa phương
Để nông sản Việt có thể tiếp cận rộng rãi hơn tại thị trường nội địa thì nỗ lực của bản thân người nông dân hay các hợp tác xã là chưa đủ. Các địa phương cần chủ động liên kết, tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản.
Sơn La là địa phương miền núi có nhiều thế mạnh riêng về xuất khẩu các loại nông sản và thực phẩm chế biến. Có đặc thù vị trí địa lý xa, nên để tiêu thụ hàng hóa được thuận lợi, tỉnh đã liên kết chặt chẽ với các địa phương trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã tăng cường các hoạt động xúc tiến, lồng ghép các hoạt động xúc tiến để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch, để làm sao nâng cao giá trị cho sản phẩm. Bên cạnh các hoạt động truyền thống thì Sơn La đổi mới các hình thức, đặc biệt là mở rộng các thị trường xúc tiến. Trước đây chỉ tập trung ở thị trường miền bắc, nay chúng tôi đã mở rộng các thị trường ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Chúng tôi thu hút các nhà máy chế biến, làm sao để họ chế biến sâu các nông sản của Sơn La.
Tuy vậy, hoạt động liên kết vùng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản tại một số địa phương vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn do chính sách phát triển chưa đồng bộ, liên kết giữa các địa phương còn mang tính đơn lẻ, chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh mỗi địa phương.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương đánh giá, các địa phương phải có sự phối hợp và gắn kết với nhau trên quy mô vùng, phát huy lợi thế so sánh của mỗi địa phương, tránh chồng lấn. “Chỉ khi mỗi địa phương trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết nông sản thì việc xúc tiến thương mại mới phát huy hiệu quả. Với chuỗi liên kết, mỗi địa phương đều có thể mang đến địa phương khác nhưng sản phẩm lợi thế của riêng mình”.
Còn theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ NN&PTNN, đối với ngành nông nghiệp, liên kết vùng vô cùng quan trọng để hướng tới tạo ra một chuỗi giá trị có hiệu quả. “Quan trọng nhất của liên kết vùng một mặt là tập hợp được nguồn lực, một mặt là phối hợp để cho các tác nhân kinh tế trên địa bàn khai thác được hiệu quả của sản xuất hoặc nguồn lợi ở địa phương, lại vừa có thể cùng nhau thúc đẩy không chỉ cho địa phương này mà tất cả các địa phương đều được hưởng lợi”.
Thị trường Việt Nam không chỉ có ưu thế về số lượng. Qua nhiều năm đổi mới với tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập của người dân càng ngày càng cải thiện. Thay vì chỉ chú trọng xuất khẩu, người sản xuất nếu tập trung cho thị trường nội địa sẽ thu được nhưng lợi ích không nhỏ. Trong một ngày không xa, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng giá trị thị trường trong nước vượt lên hẳn so với giá trị của thị trường nông sản xuất khẩu.