Cần hỗ trợ để nền kinh tế phục hồi

|

Trong bối cảnh nền kinh tế đã có khởi sắc, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra đề xuất dừng hỗ trợ chính sách tài khoá từ năm 2025. Tuy vậy, trước diễn biến tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, phát sinh nhiều khó khăn, thách thức lớn, một số chuyên gia cho rằng, nền kinh tế vẫn cần được "tiếp sức" bằng các chính sách tài khóa về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất...

Doanh nghiệp vẫn cần "tiếp sức"

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần có cái nhìn chia sẻ và có nhận thức chung rằng, chính sách tài khóa mở rộng hết năm 2024 thì cần kết thúc để có một chu kỳ mới.

Thực tế, trong 4 năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn.

Vì thế, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đã đến lúc phải thôi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế vẫn cần được "tiếp sức" bằng các chính sách tài khóa về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), kinh tế Việt Nam đang phải "mặt đối mặt" với các rủi ro liên quan đến bất ổn kinh tế toàn cầu khiến tình hình phục hồi kinh tế chậm. Như tình hình xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn tới tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới bị đình trệ. Bên cạnh đó là tác động của thuế tối thiểu toàn cầu; cạnh tranh thu hút FDI các quốc gia lân cận.

Trong khi đó, ngành công nghiệp phục hồi nhưng chưa ổn định. Dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ đã giảm nhưng nợ trong nước tăng cao. Đặc biệt, áp lực tỷ giá và giá vàng liên tục đạt đỉnh đầu năm 2024 có thể dẫn tới việc gia tăng lạm phát.

Ngoài các yếu tố bong bóng giá tài sản và tỷ giá có thể dẫn đến thay đổi mặt bằng lãi suất thì lạm phát chi phí đẩy là yếu tố đáng quan tâm trong giai đoạn nửa cuối 2024.

Còn kinh tế Việt Nam, dù đã có khởi sắc, động lực tăng trưởng chính là sản xuất và xuất khẩu đã có tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, xu thế chưa thật sự bền vững và còn nhiều rủi ro phía trước.

Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân phân tích, nếu quan sát cụ thể hơn, có thể thấy tăng trưởng GDP chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - nhập khẩu tăng cao và xuất khẩu cũng tăng đáng kể, chiếm tới hơn 70% giá trị xuất nhập khẩu. Thế nhưng, khu vực này hình thành được các chuỗi cung ứng có tính khép kín cao, còn các doanh nghiệp trong nước chủ yếu gia công các công đoạn có giá trị gia tăng không cao, cho nên mức độ ảnh hưởng lan tỏa của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đến kinh tế trong nước hạn chế.

Trong khi đó, hiện sức mua của cả doanh nghiệp và dân cư chưa được cải thiện đáng kể do tốc độ phục hồi chưa như mong đợi, các biện pháp kích tổng cầu chưa phát huy triệt để tác động, vòng tuần hoàn kinh tế chuyển động còn chậm...

"Đây là những vấn đề chính cho thấy nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi. Vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để vừa duy trì hoạt động của các doanh nghiệp hiện có, vừa thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới để đạt mục tiêu thành lập 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2025", ông Lạng nói.

Lấy đâu tiền hỗ trợ?

Nguyên nhân không tiếp tục hỗ trợ, theo lý giải của lãnh đạo Bộ Tài chính, nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Về điều này, ông Lạng cho rằng, ngân sách vẫn đáp ứng được việc hỗ trợ, bởi trong 7 tháng đầu năm, thu ngân sách tăng đáng kể, các số liệu thống kê cũng cho thấy tiềm lực ngân sách vẫn còn dư địa để hỗ trợ. Hơn nữa, chúng ta cũng đang có xu hướng quản lý tốt thuế từ thương mại điện tử. Đây là nguồn thu lớn. Chưa kể, khi tháo gỡ, nguồn tiền từ bất động sản sẽ thu được nhiều hơn khi Luật Đất đai đã có hiệu lực…

"Nếu hỗ trợ hiệu quả, doanh nghiệp lớn mạnh, chắc chắn sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trong giai đoạn tiếp theo", ông Lạng khẳng định.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê cũng đồng quan điểm. Theo ông, để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, ngoài 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu ra trong Nghị quyết 93, cần tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần thực hiện các chính sách tài khóa như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất…

Đồng thời, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo sự an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống; các giải pháp là kích cầu thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch; tăng cường các đợt khuyến mãi với mục tiêu ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần nhìn thẳng vào đúng thực trạng của nền kinh tế, "bắt đúng mạch" để có những giải pháp đủ sức nặng tạo ra động lực tăng trưởng mới.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR, cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, cần các giải pháp cụ thể và thiết thực. Trong đó, Chính phủ có thể xem xét các chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Việt cũng đề xuất kích cầu tiêu dùng trong nước bằng việc tiếp tục cắt giảm thuế VAT 2% cho tới cuối năm 2024 và có thể mở rộng các đối tượng được cắt giảm thuế này. Đặc biệt, ông nhấn mạnh quan điểm muốn phục hồi tiêu dùng trong nước thì phải nói không với việc tăng thêm thuế, phí trong năm. Ngoài ra, ông cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với những lĩnh vực tiêu dùng tạo giá trị gia tăng cao, tiêu dùng xanh.

Mặc dù dư địa về mặt tài khóa đang khá hạn hẹp những năm gần đây, tuy nhiên, ông Việt cho rằng, chúng ta có thể dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể có cơ chế linh hoạt để vừa duy trì được mặt bằng lãi suất phù hợp với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đang rất khó khăn, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho sự phát triển…