Sức ép giải quyết ô nhiễm môi trường

|

Việc đầu tư mạnh vào lĩnh vực môi trường, trong đó có áp dụng công nghệ mới để xử lý rác thải, nước thải, kiểm soát ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Khởi động chậm, chất thải tăng nhanh

Việc kêu gọi đầu tư mạnh vào lĩnh vực bảo vệ môi trường được chính quyền TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ giúp thành phố có thêm giải pháp trong xử lý chất thải, tiến đến giảm dần xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh như hiện nay, mang lại lợi nhuận kinh tế và lợi ích môi trường. Năm 2001, thành phố đã nghĩ đến khía cạnh môi trường khi kêu gọi đầu tư mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, để phát triển kinh tế. Hiện nay, ước tính trung bình khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày khoảng 8.300 tấn nhưng công nghệ xử lý rác mới chủ yếu là chôn lấp, gây phát sinh ô nhiễm về mùi, nước rỉ rác. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài rác thải, thành phố còn phải chịu áp lực về nước thải với gần 1,8 triệu m3 nước thải mỗi ngày; khí thải từ 7,9 triệu phương tiện giao thông và 839 nguồn khí thải công nghiệp và rất nhiều nguồn thải khác.

Giai đoạn 2006 - 2007, bãi rác Đa Phước tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh hình thành. Bãi rác có diện tích khoảng 30,6 ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3, với công suất lên tới 10.000 tấn rác thải/ngày, hiện nhận xử lý 3.000 tấn /ngày cho cả TP Hồ Chí Minh và Long An (khoảng 20 tấn/ngày). Tại dự án xử lý chất thải này, năm 2016 đã có nhiều phản ánh của người dân về việc dự án gây mùi hôi cho khu nam TP Hồ Chí Minh gồm các quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh. Sau đó, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã phải tiến hành xác minh mùi hôi gây ô nhiễm. Trên thực tế, vấn đề phát sinh là có thật và nhiều lần lãnh đạo thành phố phải đau đầu tìm giải pháp tháo gỡ.

Biến rác thải thành năng lượng cũng là vấn đề được các cấp chính quyền quan tâm. Một dự án dài hơi vừa được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt là Nhà máy Điện - Rác Gò Cát đặt tại quận Bình Tân. Đây là đề án thực nghiệm xử lý rác thải thành điện năng do Công ty TNHH Thủy lực - Máy và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh phối hợp đầu tư xây dựng. Theo đó, nhà máy thực hiện thu khí mê-tan từ bãi rác Gò Cát để phát điện, nhằm hỗ trợ cho hoạt động xử lý rác thải thành điện năng.

Có nơi xử lý nhưng vẫn… mệt

Tại Nhà máy Điện - Rác Gò Cát, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, quá trình kiểm tra, khảo sát thực tiễn tại nhà máy cho thấy vẫn còn nhiều khu thực nghiệm gây mùi hôi, cần lắp đặt hệ thống khử mùi. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện để hỗ trợ nhà máy điện rác hòa vào lưới điện quốc gia, đồng thời đề xuất thành phố thực hiện Đề án thực nghiệm, với chức năng chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh tại khu xử lý chất thải rắn Gò Cát. Công nghệ điện rác có thể xử lý chất thải rắn mà không cần phân loại trước. Đây là yếu tố phù hợp đặc thù rác thải của Việt Nam và là điểm khác biệt so một số công nghệ được áp dụng hiện nay.

Nhằm bảo đảm an toàn cháy nổ, ông Phùng đề xuất, phía Công ty TNHH Thủy lực - Máy cần phải lấy mẫu thử trong quá trình thực nghiệm ngay tại khu xử lý chất thải rắn Gò Cát để phân tích các chỉ tiêu về môi trường. Đích thân Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng đã yêu cầu Công ty TNHH Thủy lực - Máy tiếp tục thử nghiệm đến hết tháng 8 năm nay, sau đó báo cáo kết quả để lãnh đạo thành phố có hướng thẩm định và đưa ra quyết định lựa chọn đơn vị triển khai thực hiện xử lý rác thành điện trên địa bàn thành phố.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, để bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường tại Nhà máy Điện - Rác Gò Cát, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành liên quan thành lập Hội đồng khoa học thành phố đánh giá hiệu quả công nghệ điện rác đang thực nghiệm.

Hiện nay, UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho phép lập đề án xử lý điện rác từ rác thải sinh hoạt với công suất chuyển hóa 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày thành 20 MW điện. Trong đó, công đoạn tiền xử lý, tách mô mềm, tạo viên nén từ rác thải sinh hoạt được thực hiện tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần thận trọng, không để phát sinh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân thành phố.

PGS, TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường cho hay: “Trước sức ép về nhu cầu chất thải mỗi ngày của TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng các công nghệ mới vào xử lý chất thải là xu hướng chung của các đô thị lớn trên thế giới hiện nay”.