Nổi trội về chất lượng và học phí
Chương trình đào tạo chất lượng cao được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép triển khai từ năm 2014 (Thông tư 23/2014). Tuy nhiên, cuối năm 2023, Bộ GD& ĐT đã bãi bỏ Thông tư này vì trong quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại.
Theo TS Vũ Văn Ngọc, Viện trưởng Viện Đào tạo tiên tiến, chất lượng cao & POHE (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34) đã trao quyền tự chủ cho các trường. Do đó, cơ sở đào tạo sẽ tiếp tục phát huy, phát triển chương trình chất lượng cao. Việc đặt tên chương trình đào tạo cũng thuộc quyền tự chủ của các trường. “Trường ĐH Kinh tế quốc dân đào tạo 18 ngành chất lượng cao. Hiện, các chương trình chất lượng cao đều đạt kiểm định chất lượng. Năm 2024, trường dự kiến phát triển thêm chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao Bảo hiểm tích hợp chứng chỉ ANZIIF”, TS Vũ Văn Ngọc cho biết.
Điểm khác biệt của chương trình đào tạo chất lượng cao so với chương trình đại trà là điều kiện bảo đảm chất lượng và học phí. TS Vũ Văn Ngọc trao đổi, các cơ sở đào tạo sẽ không thu học phí liên quan đến chương trình này mà thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Theo đó, với những chương trình đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, hoặc của các tổ chức quốc tế sẽ được thu theo định mức kinh tế, kỹ thuật, chi phí đào tạo. Học phí chương trình chuẩn của trường năm học 2024 - 2025 từ 16 - 22 triệu đồng/năm/sinh viên, còn chương trình chất lượng cao tùy từng ngành có thông báo cụ thể.
Theo PGS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, việc bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng đến công tác đào tạo cũng như tuyển sinh, đào tạo của các chương trình chất lượng cao tại trường.
Các chương trình chất lượng cao của trường được xây dựng với chuẩn đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng cao hơn so với chương trình tiêu chuẩn và đáp ứng ở mức độ cao vượt trội so với các chuẩn quy định tại Thông tư 23. Nhà trường sẽ liên tục cải tiến, cập nhật các chương trình đào tạo chất lượng cao theo hướng tích hợp các chuẩn quốc tế vào các trụ cột chuyên môn của chương trình, tăng tính linh hoạt, lồng ghép các mô hình khai phá năng lực sáng tạo và kỹ năng làm việc thực chiến trong môi trường quốc tế của sinh viên. Trường cũng đã định vị rõ ràng các chương trình chất lượng cao và sẽ đẩy mạnh công nhận lẫn nhau với các trường ĐH/tổ chức nước ngoài có uy tín trên thế giới.
PGS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, các chương trình chất lượng cao của trường đã có sinh viên tốt nghiệp đều thực hiện kiểm định quốc tế và đáp ứng các yêu cầu của một chương trình đào tạo theo quy định. Vì thế, trong thời gian tới, nhà trường vẫn tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao và thực hiện cải tiến liên tục, kiểm định quốc tế định kỳ theo quy định.
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, trước khi có Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018, ĐH này cũng có chương trình chất lượng cao nhưng được gọi tên bằng khái niệm ELITECH (viết tắt của cụm từ Elite Technology Program). Đây là chương trình có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành lĩnh vực khoa học - công nghệ ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời trở thành hình mẫu trong hệ thống đào tạo của trường về nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến và ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại. ELITECH bao gồm các chương trình có bề dày lịch sử như chương trình tài năng, chương trình Việt - Pháp, chương trình tiên tiến.
“ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện chương trình ELITECH. ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị tự chủ, nên được tự chủ về xây dựng chương trình đào tạo kèm theo các mức học phí phù hợp với từng chương trình. Vì thế, việc Bộ bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng tới hoạt động tuyển sinh, đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội”, PGS Điền chia sẻ.
Gia tăng cơ hội
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, từ năm 2024 trở đi, nhà trường dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao. Thay vào đó, xây dựng và tuyển sinh 6 chương trình đào tạo tiên tiến, gồm các ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Anh; Công nghệ thông tin; Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành.
Việc mở mới các chương trình này nhằm tiếp tục duy trì chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp năng lực đào tạo của nhà trường; đồng thời gia tăng cơ hội cho thí sinh, hướng tới việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường lao động. “Các chương trình chất lượng cao đặt ra yêu cầu chuẩn đầu ra cao hơn, thì nay chúng tôi xây dựng các chương trình tiên tiến sẽ có cùng chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế chương trình, chúng tôi tăng cường đào tạo hướng tới thực tế, thực tiễn”, TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay. Theo đó, sinh viên sẽ có cơ hội được đào tạo, thực tập tại doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, chương trình có sự linh hoạt, cho phép liên thông ngang, dọc trong nội bộ nhà trường, giữa các chương trình với nhau. Các chương trình có điểm chung là: Chú trọng sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá. Việc này nhằm giúp sinh viên có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ như một công cụ làm việc, học tập. Chương trình cũng trang bị cho người học kỹ năng về học tập suốt đời; có thể phát huy năng lực và khả năng tự học, tự hoàn thiện bản thân, kể cả sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, sinh viên chương trình tiên tiến được ưu tiên trong việc tiếp nhận cơ hội học tập, trao đổi hoặc nhận học bổng ở nước ngoài. “Thí dụ: Sinh viên năm cuối của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có thể đi thực tập hưởng lương tại một số trường đại học ở Đài Loan (Trung Quốc). Sinh viên ngành Ngôn ngữ Italia có nhiều cơ hội đi học, trao đổi hoặc thực tập tại Italia, bởi Trường ĐH Hà Nội có mối quan hệ với hàng chục trường ĐH ở nước này”, TS Nguyễn Tiến Dũng viện dẫn.
Dư luận từng đặt vấn đề công bằng trong tiếp cận các ngành chất lượng cao vì mức học phí không phải phù hợp với số đông, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi, đây là nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo. Theo đó, các trường cần giải trình, minh bạch về chi phí vận hành để người học nhận thấy sự thỏa đáng với mức thu học phí. Việc thu học phí cũng phải tuân thủ các quy định của Chính phủ.
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cũng nhấn mạnh, đào tạo các chương trình chất lượng cao thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Các đơn vị có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình với bên liên quan cũng như toàn xã hội. Việc thiết kế, đặt tên chương trình, quy chế đào tạo do các trường quy định. Tuy nhiên, để có chương trình đào tạo, đòi hỏi phải tuân thủ theo tiêu chuẩn tối thiểu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Ngoài ra, còn có chuẩn tối thiểu dành riêng cho từng nhóm ngành.