Bán sản phẩm ở đâu?
Là một trong những người băn khoăn trước chủ trương mở rộng diện tích trồng cây keo lai, tại kỳ họp thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 13, đồng chí Giàng Trùng Lầu, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), đã thẳng thắn nêu vấn đề chung quanh cây keo đã và đang diễn ra trên địa bàn Tuần Giáo.
Tựu trung: “Trồng keo sau này khai thác thế nào, bán ở đâu?” - đó là câu hỏi của đa số nông dân khiến người đứng đầu tổ chức Đảng của một huyện - ông Giàng Trùng Lầu - không biết trả lời thế nào để ít ra cũng... khả dĩ tàm tạm nghe thủng lỗ tai! Không riêng đồng chí Giàng Trùng Lầu mà nói chung các vị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tuần Giáo, thường xuyên được người trồng keo hỏi như thế và cũng... im lặng như thế (?).
Số là cách đây gần một thập kỷ, Tuần Giáo từng là huyện tiên phong trong phong trào trồng keo gây rừng và cũng là huyện có nhiều diện tích keo nhất tỉnh, với gần 1.500 ha. Ngày ấy lãnh đạo địa phương này từng được đánh giá là năng động, rằng biết phát huy thế mạnh vườn rừng, biết lo cho miếng cơm manh áo người dân và...
Ðể rồi đến nay, hơn 300 ha trồng từ năm 2010 đến kỳ thu hoạch đại trà và 500 ha trồng năm 2013 cho thu hoạch kiểu tỉa thưa. Vậy nhưng người trồng keo ở Tuần Giáo đang rất buồn vì không biết tiêu thụ sản phẩm ở đâu, thỉnh thị ý kiến cấp trên thì cấp trên “biết rồi, hỏi mãi, khổ lắm” và nói chung cứ như hỏi vào chỗ... không người...
Thôi đành cấp trên không thể giúp mình thì mình tự thân vận động vậy! Một số hộ trồng keo ở thị trấn Tuần Giáo rủ nhau “cơm đùm cơm nắm” về tận tỉnh Sơn La tìm người thu mua gỗ keo, song công cuộc “tiếp thị” của những nông dân thời “4.0” chả dễ dàng gì. Là Bí thư Đảng bộ thị trấn đồng thời cũng là một nông dân chuyên cần, ông Lường Văn Ngọc (bản Ðông, thị trấn Tuần Giáo) buồn bã cho biết: Tôi đã lên kế hoạch khai thác toàn bộ 5 ha keo rồi trồng lượt mới nhưng mỗi ngày chặt cây tôi lại tiếc bao công trồng, chăm sóc. Giá không chỉ rẻ mà người mua đặt yêu cầu rất khắt khe: gỗ loại một có giá 750 nghìn đồng/m3 với điều kiện đường kính từ 30 cm trở lên; gỗ loại hai giá 400 nghìn đồng/m3 mà phải là đoạn thẳng, không phải gốc cũng không phải ngọn. Bán hơn 150 m3 gỗ keo, tôi thu về 60 triệu đồng. Gần 10 năm ròng cả gia đình tôi đổ mồ hôi cho từng gốc keo, đấy là chưa kể các chi phí khác cho giống má, phân bón và công bảo vệ... mà nay thu nhập như thế, thử hỏi người trồng rừng chúng tôi sống thế nào bây giờ?
Không “kiên nhẫn” chờ đợi như người nông dân huyện Tuần Giáo, sau nhiều lần kiến nghị không được cấp trên cho phương án giải quyết, các gia đình trồng keo ở xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) đã “tự xử” rừng keo để lấy đất làm nương gieo trồng cây lương thực. Ông Lò Văn Dính, bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) cho biết: Toàn xã Nà Hỳ có gần 100 ha cây keo lai được trồng theo chương trình liên kết của Trường cao đẳng Nghề Điện Biên. Nay rừng keo đến kỳ khai thác nhưng đơn vị liên kết đã “một đi không trở lại”, gỗ keo bán rẻ cũng chẳng ai mua, người dân bảo nhau chặt cây keo lấy đất trồng lúa để đáp ứng cho cái bao tử của mình. Trong cái vòng luẩn quẩn, phát động dân trồng bằng được nhưng trồng rồi lại chặt hết loại cây này đến loại cây khác, đã bao năm qua chẳng loại cây nào đem lại giá trị thật sự cho người nông dân sống vì rừng mà khổ vì rừng.
Chẳng cách nào tiêu thụ được cây keo, mấy năm qua, đoàn cán bộ nào về kiểm tra, giám sát tại địa bàn huyện Tuần Giáo và huyện Nậm Pồ, người trồng keo cũng kiến nghị “cấp trên quan tâm tìm đầu ra cho cây keo lai” nhưng mãi vẫn chưa cấp nào, ngành nào hồi đáp…? Đem vấn đề cây keo về nghị trường, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, hai đồng chí Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo và Nậm Pồ đều chung kiến nghị, ngành chức năng quan tâm tìm đầu ra cho cây keo lai, để người dân có động lực và nhất là có niềm tin về công tác trồng rừng. Cứ loanh quanh trong cái vòng trồng rồi chặt bỏ, thì e là tới đây từ bài học “nhãn tiền” về cây keo, sẽ rất khó vận động nhân dân trồng rừng hay tham gia các chương trình, dự án trồng cây kinh tế khác.
Mường Nhé lại... hăng hái trồng!
Khác hẳn suy nghĩ của cán bộ và nhân dân các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên, Nậm Pồ về cây keo lai, chính quyền huyện Mường Nhé lại khuyến khích người dân tiếp tục trồng, mở rộng diện tích cây keo. Để thể hiện quyết tâm cao, Huyện ủy Mường Nhé còn ban hành hẳn một Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020; theo đó, nghị quyết đề ra mục tiêu cả giai đoạn phấn đấu trồng từ 8.000 - 10.000 ha, bình quân mỗi năm trồng gần 2.000 ha. Suốt từ năm 2016 đến nay, năm nào Mường Nhé cũng đặt mục tiêu trồng mới từ 1.800 - 2.000 ha keo lai. Không những thế, huyện còn giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng cây keo lai.
Lý giải cho sự cần thiết trồng cây keo lai ở huyện Mường Nhé, ông Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho rằng, chu kỳ sinh trưởng của cây keo ngắn (từ khi trồng đến thu hoạch khoảng năm đến bảy năm); trong thời gian này, người trồng keo được hỗ trợ cây giống, được hỗ trợ gạo suốt bảy năm chăm sóc, bảo vệ tiếp theo. Khi người dân hết thời gian được hỗ trợ gạo thì rừng keo cũng đến kỳ khai thác, như vậy nhân dân được hưởng lợi và địa phương cũng có vùng nguyên liệu tập trung. Vấn đề đầu ra cho cây keo thì không khó, bởi huyện đã tính sẽ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đa mục đích trên địa bàn, như: chế biến ván sàn; ván dăm, gỗ ép và phần ngọn dùng để chế biến phên gỗ…
Trái ngược với cách tính của ông Nguyễn Quang Sáng, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Phát triển lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên), cho rằng, Mường Nhé không nên mở rộng diện tích trồng keo. Và ông Hồng đặt giả thiết, ngay cả khi Mường Nhé thành công trong xây dựng vùng nguyên liệu thì chắc gì đã kêu gọi được nhà đầu tư về xây nhà máy như lãnh đạo huyện tính toán. Thực tế các huyện có điều kiện thuận lợi về giao thông, thị trường, như Điện Biên, Tuần Giáo còn chẳng đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ, thì nói gì huyện xa vài trăm cây số như Mường Nhé? Không ít người cho rằng, ý tưởng đầu tư nhà máy chế biến gỗ ở Mường Nhé là cách “tính cua trong lỗ”, họa chỉ có đầu tư kiểu Nhà máy giấy Chăn Nưa (tỉnh Lai Châu cũ) chỉ sản xuất thử xong rồi “nghỉ” luôn một mạch đến tận giờ. Máy móc tứ tán, tiền vốn tiêu tan, nhà xưởng cho huyện Phong Thổ dỡ về làm rạp chiếu phim. Rồi thì, Nhà máy bột sắn Tuần Giáo, Nhà máy tinh dầu mắc ten Mường Ảng, Nhà máy mía đường Chăn Nưa, Nhà máy cà-phê Điện Biên... lần lượt chỉ là những “tia chớp lóe sáng” rồi bị “xóa sổ” vĩnh viễn vì làm ăn không hiệu quả.
Nhà máy xây xong rồi dẹp bỏ
Ông Hà Lương Hồng (Chi cục trưởng Phát triển lâm nghiệp) thừa nhận một thực tế là những năm qua tại Điện Biên, việc trồng keo mang tính tự phát, kiểu mạnh huyện nào huyện ấy trồng và mạnh ngành nào ngành ấy triển khai, chứ không theo quy hoạch vùng nguyên liệu. Vì diện tích keo không tập trung, nên không thể thu hút doanh nghiệp hay nhà đầu tư tổ chức thu mua.
Đến giờ, hàng nghìn ha keo ở Điện Biên xanh tốt bời bời nhưng giá trị kinh tế của cây keo chẳng đáng gì so với những cây trồng khác. Thực trạng này khiến người trồng keo vô cùng nản chí; còn ngành chức năng lại loay hoay với vấn đề nên khuyến khích nhân dân trồng vùng nguyên liệu rồi kêu gọi đầu tư hay kêu gọi đầu tư rồi mới trồng thành vùng nguyên liệu?!
Mới đây nhất (năm 2016) trên địa bàn huyện Tuần Giáo, nhà máy chế biến gỗ của Công ty rừng Việt Tây Bắc lúc khánh thành thì trống giong cờ mở, các hợp đồng kinh tế về trồng rừng nguyên liệu từng làm nức lòng nông dân mấy xã nghèo của huyện Mường Ẳng. Nhưng nhà máy xây xong rồi dẹp bỏ, người trồng rừng ngơ ngác vì không biết lỗi tại ai hay chỉ tại nông dân mình vì quá nhẹ dạ mà tin lời… cấp trên khi phát động trồng rừng (?)...
Trong khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì ở Tuần Giáo, hàng trăm gia đình đang ngổn ngang nỗi buồn của người trồng cây mà bán chẳng ai mua. Trước là cây quế, cây trẩu, mắc ten, sau đến mía, cà-phê và chè, còn bây giờ là số phận cây keo trước nguy cơ trồng cho tốt rồi lại phá. Và rằng, niềm tin người trồng keo đang lụi dần bên những gốc keo…