Ùn tắc hằng ngày, hằng giờ
Ngã ba Văn Điển - nơi giao nhau giữa tuyến đường 70 và quốc lộ 1A (cũ) từ lâu đã là một điểm nóng về ùn tắc giao thông. Đây là nút giao thông quan trọng, lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, phần nhiều là xe có trọng tải lớn tạo ra áp lực giao thông nặng nề, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.
Tại đây có bốn tuyến đường ray cắt qua, cách đó chỉ hơn 100 m là ga Văn Điển. Theo quan sát của chúng tôi và qua phản ánh của người dân sống trong khu vực thì hiện tượng ùn tắc ở đây xảy ra thường xuyên, không kể ngày giờ vì cứ khoảng 30 phút lại có tàu qua. Mỗi lần chắn tàu như vậy, nếu nhanh thì cũng mất 5-10 phút. Nhưng cũng không ít khi tàu… dừng lại ngay giữa ngã ba để xếp, dỡ hàng hóa, hoặc để tách, ghép toa, có thể mất đến 30 phút. Mỗi lần như vậy, xe cộ lại kẹt cứng, dòng xe đứng chờ kéo dài hàng cây số đến tận khu vực Nhà máy Phân lân Văn Điển. Khi tàu đã đi qua, cũng phải mất hàng giờ đường mới giải tỏa được, để rồi chỉ một lúc sau ngã ba lại… tiếp tục ùn tắc.
Thêm vào đó, ngã ba Văn Điển còn nằm trên lộ trình dẫn đến Nghĩa trang Văn Điển, vì vậy hằng ngày có liên tiếp những đoàn xe tang nối nhau qua làm gia tăng sức ép cho tuyến đường vốn không mấy rộng rãi và đã xuống cấp này. Cũng không thể không kể tới nguyên nhân đến từ ý thức của người tham gia giao thông. Theo quan sát của chúng tôi, trong thời điểm chắn tàu, không chỉ có xe máy cố luồn lách, mà cả những xe ô-tô, xe tải cỡ nhỏ đến vừa cũng đi tràn sang làn đường bên cạnh khiến cho công tác giải tỏa sau khi tàu qua càng gặp nhiều khó khăn.
Nỗi khổ sống chung cùng ùn tắc
Hiện trạng ùn tắc thường xuyên và kéo dài đã gây không ít phiền toái cho những người dân sống hai bên đường. Trước hết là việc lãng phí thời gian. Chị Lê Thị Phượng (30 tuổi), nhà ở ngay cạnh đường tàu cho biết: Đoạn đường chị đưa con từ trường học về đến nhà chỉ có 500 m, nhưng nếu gặp phải lúc tắc đường thì phải mất tới gần một tiếng để di chuyển. Cũng có lúc chị gặp tình huống dở khóc, dở cười khi mà chỉ cần vượt qua đường tàu thôi là về đến nhà, nhưng do tàu dừng để dỡ hàng nên cứ phải đứng nhìn… nhà mình gần nửa tiếng. Nhà có con nhỏ, chị lúc nào cũng phải để mắt, không dám để con ra đường chơi vì sợ xe cộ. Mặt khác, nhiều vụ va chạm, cãi vã, thậm chí gây gổ đánh nhau đã xảy ra giữa những người tham gia giao thông khi chen lấn giành đường là một thực trạng gây náo loạn khu vực, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.
Nhưng trên hết, bụi, khói mới là vấn nạn hàng đầu đối với người dân khu vực này. Mật độ xe vận tải siêu trọng, siêu trường dày đặc, cuốn theo những luồng khói bụi mù mịt. Thêm vào đó, diện tích vỉa hè quá hẹp, khoảng cách giữa nhà ở và lòng đường không đáng kể khiến cho những luồng gió bụi dễ dàng ập vào nhà. Sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cổ họng khô rát, khó thở, cơ thể lúc nào cũng khó chịu vì dính dáp bụi bặm, da bị mẩn ngứa… là những triệu chứng không của riêng người nào. Đặc biệt, vào những ngày hè nắng nóng, khói bụi cộng thêm hơi nóng, mùi xăng xe, dầu máy bốc lên từ dòng xe làm cho người dân càng mệt mỏi, khổ sở hơn.
Khói bụi còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của những hộ hai bên mặt đường. Theo chị Đoàn Thị My (30 tuổi), bán hàng ăn kiêm giải khát, người dân ở đây phải sống chung với bụi. Bếp nấu của chị phải dùng những tấm gỗ lớn che chắn để hạn chế bụi bay vào thức ăn. Tuy đã làm vậy, nhiều khách hàng vẫn lo lắng về vấn đề vệ sinh nên không ăn ở cửa hàng của chị mà đi vào trong ngõ sâu hơn, nơi ít bụi bặm hơn. Bà Nguyễn Thị Thảo (60 tuổi) bán hàng tạp hóa chỉ cho chúng tôi xem những kệ hàng bám một lớp bụi dày đặc. Khi được hỏi về cách khắc phục, bà cho biết không có cách nào khác ngoài việc phải thường xuyên lau chùi cả, dù rằng chỉ một lúc sau thôi bụi lại bám đầy. Cũng không thể dùng vải, bạt để che chắn được vì sợ rằng khách sẽ không vào mua. Với sinh hoạt gia đình thì quần áo giặt xong không được đưa ra ngoài phơi mà phải xây sân phơi trong nhà bằng các mái tôn, thanh xà inox tự chế. Ở một số hộ, những chiếc máy phun sương ngoài trời được lắp đặt nhằm hạ nhiệt và giảm khói bụi nhưng hiệu quả không cao.
Chưa hết, vấn nạn tiếng ồn cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Tiếng xe hạng nặng qua lại ngày đêm, tiếng còi xe, còi tàu ở tần số lớn làm nhiều người phải lâm vào tình trạng mất ngủ, suy nhược thần kinh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Bà Thảo kể lại: Ngày đầu bà và cháu trai mới chuyển đến đây thường xuyên bị mất ngủ, mệt mỏi vì tiếng ồn kéo dài. Gia đình bà cũng như các hộ khác phải tự bỏ tiền ra để lắp hệ thống cửa kính chống ồn, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào.
Bất lực…?
Bất cập là thế, thế nhưng khi được hỏi, những người dân sống ở khu vực ngã ba này đều tỏ ra khá thản nhiên trước hiện trạng trên. Bụi bẩn, tiếng ồn và hàng trăm vấn đề không tên khác dường như đã trở thành một phần trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ. Mọi người đều chấp nhận cho sự việc đến đâu giải quyết đến đó, có bụi thì lau, ồn thì đóng cửa…
Khi được hỏi rằng người dân có kiến nghị vấn đề này đến chính quyền địa phương không, bà Thảo cho rằng có kiến nghị cũng không giải quyết được vấn đề gì cả và cho rằng tình trạng này vốn không có cách giải quyết. Cùng quan điểm, chị Hoàng Thu Nhung (30 tuổi), một dân địa phương, nói: “Mình cũng chỉ biết tự tìm cách mà hạn chế chứ giờ phản ánh với chính quyền thì cũng có tác dụng gì”.
Có thể thấy, ùn tắc giao thông ở khu vực ngã ba Văn Điển nói riêng, trong bối cảnh ùn tắc đô thị nói chung là một vấn đề đã cũ nhưng cho đến tận bây giờ vẫn chưa có cách khắc phục thỏa đáng. Điều rất cần thiết cho người dân lúc này có lẽ không phải là một phương án có thể chấm dứt ngay hiện trạng ùn tắc này, mà là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để hạn chế thấp nhất những hệ lụy do nó mang lại.
Có lẽ chỉ dịch vụ xe ôm là có lợi. Anh Lê Văn Duẩn (45 tuổi) hành nghề xe ôm cho biết: Do tắc đường, xe buýt không đến được nên những người dân ở đây muốn đi nhanh đều phải chấp nhận đi xe ôm với giá cao hơn bình thường, vì vậy anh thu nhập được nhiều hơn.