Nhiều bất cập
TCĐTTM phát triển hơn 10 năm qua đã góp phần phục vụ giải trí lành mạnh, phát triển ngành công nghiệp nội dung số, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Theo thống kê có hơn 120 TCĐTTM được phép phát hành tại Việt Nam, phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng vẫn có hàng trăm TCĐTTM đang phát hành không phép. Phần lớn do các công ty nước ngoài phát hành xuyên biên giới hoặc trò chơi do các công ty thành lập với mục đích chỉ phát hành không phép, không xin cấp phép và thẩm định nội dung theo quy định. Ước tính, doanh thu của các doanh nghiệp (DN) có game được cấp phép phát hành chỉ bằng 70% so doanh thu thực tế của toàn ngành cung cấp dịch vụ TCĐTTM. Như vậy, 30% còn lại rơi vào các DN cung cấp TCĐTTM lậu, dẫn tới nhà nước thất thu tiền thuế khá lớn.
Đáng báo động là rất nhiều DN tập trung phát hành game sử dụng quân bài, mô phỏng các trò chơi trong casino không phép (game cờ bạc), trong đó cho người chơi chuyển đổi điểm thưởng, tài sản ảo trong trò chơi thành các hiện vật, tài sản có giá trị. Từ năm 2010, game cờ bạc bắt đầu nở rộ, hàng loạt cổng game liên tục xuất hiện, thường lấy tên miền .com, .net nhằm tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng. Số lượng phát hành game bài qua các kho ứng dụng di động như Apple Store hay Google Play cũng tăng chóng mặt.
Nhức nhối không kém là tình trạng các DN nước ngoài thao túng, ép giá, bán các sản phẩm game online đối với các DN Việt Nam dưới hình thức như đẩy giá bán lên cao, phi thị trường, ép mua một sản phẩm chất lượng phải kèm một sản phẩm kém chất lượng... Nguy hiểm hơn, các DN nước ngoài thường buộc phía Việt Nam phải mua bản quyền của cả khu vực Đông - Nam Á (trước đây chỉ trong phạm vi Việt Nam) để buộc các DN trong nước phải chịu thuế nhà thầu (trong khi nguyên tắc bên bán phải chịu), đẩy nhiều nhà phát hành game Việt Nam phá sản hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội.
Cần giám sát chặt và cải thiện quy định pháp luật
Chơi TCĐTTM là nhu cầu giải trí có thật và do được cung cấp trên môi trường mạng (không biên giới) nên việc chơi khá dễ dàng, nhưng quản lý lại không đơn giản. Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành nhiều quy định cụ thể về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ TCĐTTM, khuyến khích cấp phép những trò chơi có nội dung kịch bản tuyên truyền lịch sử, văn hóa, giáo dục nhằm hạn chế tác động tiêu cực của TCĐTTM đối với xã hội.
Hai năm qua, Thanh tra Bộ TT&TT cùng Thanh tra chuyên ngành Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xử phạt vi phạm hành chính 20 DN cung cấp dịch vụ TCĐTTM tổng số tiền 1,36 tỷ đồng. Cơ quan Công an khởi tố, bắt giữ một số cá nhân là lãnh đạo các công ty kinh doanh game trái phép. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý còn nhiều hạn chế do lực lượng thanh tra còn quá mỏng, ít người am hiểu chuyên sâu, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động ứng dụng chuyên ngành trên internet chưa đồng bộ và còn bất cập.
Sửa đổi, ban hành chính sách quản lý hoạt động dịch vụ TCĐTTM cho phù hợp thực tiễn quản lý là đòi hỏi đặt ra. Các DN cung cấp game lậu muốn kinh doanh tại Việt Nam hầu hết đều phụ thuộc kênh thanh toán ở ngân hàng, cổng thanh toán trực tuyến và DN cung cấp dịch vụ internet (các đơn vị cho thuê máy chủ, hạ tầng, hỗ trợ về mặt kỹ thuật để DN nước ngoài phát hành game lậu ở Việt Nam). Do đó, cần có quy định các cổng thanh toán và DN không được cung cấp hỗ trợ cho game lậu của nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động cấp phép, phát hành, sử dụng thẻ trong mua hàng hóa, dịch vụ; đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN Việt Nam sản xuất TCĐTTM tại Việt Nam có nội dung kết hợp giải trí với giáo dục, rèn luyện kỹ năng, quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và góp phần giới thiệu đất nước, con người Việt Nam. Cùng với ngăn chặn, xử lý, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về quản lý TCĐTTM cho người chơi (nhất là thanh thiếu niên, học sinh).