Kỳ 5: Sớm hoàn thiện chính sách cho mô hình BT
(Tiếp theo & hết)
Thắc thỏm với BT
Tại hội nghị trực tuyến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, câu chuyện tắc tiến độ các DA BT lại được đặt ra. Theo đại diện nhiều địa phương, không ít DA BT đã được hoàn thiện về thủ tục pháp lý, NĐT đã bỏ ra số vốn lớn để thực hiện một số hạng mục nhưng đang bị tắc lại do cơ chế trả quyền lợi đối ứng đang gặp “khoảng trống” chính sách. Nỗi lo này của các địa phương xuất phát từ việc cuối tháng 7-2018, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho NĐT thực hiện DA BT. Đầu tháng 8-2018, cơ quan này có văn bản yêu cầu kể từ ngày 1-1-2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai để thanh toán cho NĐT khi thực hiện DA đầu tư theo hình thức BT cho đến khi Nghị định (NĐ) của Chính phủ quy định vấn đề này có hiệu lực thi hành.
Điều này gây nhiều băn khoăn cho không chỉ các NĐT, mà ngay cả với các địa phương đang hợp tác triển khai các DA BT, bởi nếu việc này được triển khai nghiêm túc thì các DA đã tiến hành từ đầu năm đến nay sẽ bị dừng bàn giao quỹ đất đối ứng cho NĐT. Trong khi đó, để triển khai các DA hạ tầng, NĐT đã phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để thực hiện các hạng mục như: đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công… trong đó nhiều hạng mục của DA thậm chí phải chi tiền triển khai trước khi các hợp đồng được ký kết.
Không chỉ NĐT, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng lúng túng, gặp khó khăn trong phương án tài chính hoàn vốn DA vì các hợp đồng BT đã được ký kết, thực hiện trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng TSC và công văn chỉ thị của Bộ Tài chính có hiệu lực.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Sử Ngọc Anh cho rằng: NĐ 15/2015 về các hình thức đối tác công - tư (PPP) ra đời ba năm nay. PPP có bảy hình thức nhưng BT là làm nhiều nhất. Nếu không sớm có hướng dẫn cụ thể thì TP Hồ Chí Minh không thể hoàn thành kế hoạch huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa vào PTKCHT. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã bố trí vốn đầu tư công 135.000 tỷ đồng và thông qua kế hoạch huy động thêm 171.000 tỷ đồng…
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Theo Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội Nguyễn Thanh Bình, trong PTKCHT, đặc biệt là hạ tầng giao thông, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN) dưới các hình thức như: BOT, BT được coi là giải pháp mạnh để huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp (DN) lớn. Và thực tế ở nước ta, nhiều công trình giao thông lớn đã và đang được thực hiện từ các nguồn vốn này. Cần khuyến khích DN tư nhân và đầu tư nước ngoài khai thác tối đa các cơ hội đầu tư vào hệ thống hạ tầng. Đổi mới hình thức PPP trong thu hút đầu tư.
Cùng quan điểm cho rằng phương thức PPP vẫn là “con đường” để PTKCHT trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ: Mặt được của DA BT là huy động được nguồn vốn xã hội hóa, tư nhân. Do đó, rất nên tạo khung pháp chế sớm để thực hiện BT, BOT nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, có giám sát độc lập.
Còn về quyết định tạm đình chỉ chuyển giao quyền lợi đối ứng cho DA BT, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, không thể bắt các hoạt động KT-XH đang cấp tập phải “ngừng lại” chờ đợi. Bởi như vậy sẽ tốn kém tiền bạc, công sức của tất cả các bên. Tiếp đó, khi các hợp đồng BT đã được đề xuất, hình thành, quyết định và ký hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành thì không thể dừng lại. Tôi cho rằng, các địa phương cứ thực hiện những DA BT đang triển khai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là theo NĐ số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP. Những vấn đề có liên quan đất đai thanh toán cho NĐT hạ tầng được giải quyết theo các quy định của Luật Đất đai 2013.
Theo Thứ trưởng KH&ĐT Vũ Đại Thắng, đối với DA BT, NĐ 63/2018 yêu cầu xác định rõ quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng dự kiến thanh toán cho NĐT được xác định và phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để tổ chức lựa chọn NĐT. Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có) của quỹ đất dự kiến thanh toán cho NĐT phải được lập và phê duyệt theo quy định của pháp luật trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Quy định này sẽ giúp công trình BT khi đưa ra đấu thầu được tính toán gần với thị trường, tránh đội giá. Quỹ đất đối ứng cũng đã có quy hoạch, rõ mục đích sử dụng, vì thế giá đất cũng gần thị trường, tránh việc định giá quỹ đất đối ứng thấp. Đặc biệt, việc đã xác định được quỹ đất ngay khi đấu thầu sẽ giúp giảm rủi ro cho NĐT. NĐ 63/2018 được kỳ vọng nếu thực hiện nghiêm túc sẽ giảm bớt tình trạng chỉ định thầu một cách “đúng quy trình” như thời gian qua, tạo niềm tin cho cộng đồng các NĐT về một môi trường đầu tư công khai, minh bạch, các DA khi đưa ra đấu thầu được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản.
Kỳ vọng vào những động thái tích cực của Chính phủ
Giữa tháng 10-2018, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc xử lý khoảng trống pháp lý khi Chính phủ chưa ban hành NĐ quy định về sử dụng TSC để thanh toán cho NĐT khi thực hiện DA BT kể từ ngày 1-1-2018, ngày Luật Quản lý, sử dụng TSC có hiệu lực thi hành. Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo NQ và Tờ trình Chính phủ, lưu ý về nguyên tắc áp dụng pháp luật, trong đó có nguyên tắc hồi tố phải thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư, Luật DN...
Văn phòng Chính phủ tiếp tục có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ xem xét dự thảo NQ của Chính phủ về sử dụng TSC để thanh toán cho NĐT thực hiện DA BT. Theo đó, để sớm khắc phục khoảng trống pháp lý trong đầu tư theo hình thức BT, Thường trực Chính phủ chỉ đạo, đối với dự thảo NQ, Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp các Bộ Tư pháp, KH&ĐT rà soát, hoàn chỉnh lại dự thảo NQ theo hướng tập trung xử lý chuyển tiếp đối với các DA đã ký Hợp đồng BT trước ngày 1-1-2018, không hồi tố, nhưng bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, không gây khó khăn, vướng mắc cho NĐT, nhất là NĐT nhỏ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chỉ đạo của Chính phủ để hợp thức hóa sai phạm trong đầu tư DA BT. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với DA BT và NĐT các DA BT chịu trách nhiệm rà soát lại các hợp đồng DA, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm; không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát TSC, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản Nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm thì phải tự hủy hợp đồng DA, thu hồi ngay tài sản Nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Mới đây, ngày 28-12-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP về việc sử dụng TSC để thanh toán cho NĐT thực hiện DA BT. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính có trách nhiệm hoàn thành dự thảo NĐ về sử dụng TSC để thanh toán cho các NĐT thực hiện DA BT theo đúng Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 9-9-2018.
Động thái này của Chính phủ được nhận định là tín hiệu vui cho các địa phương và NĐT liên quan DA BT trong thời gian tới.