Phục hồi sản xuất nông nghiệp

|

Siêu bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực nông nghiệp với con số ước tính ban đầu lên tới 31.600 tỷ đồng. Nhiều nông dân “trắng tay” sau bão.

Có diện tích hoa màu khá lớn tại khu vực xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) bà Nguyễn Thị Hằng đứng nhìn ruộng rau bị dập nát sau bão Yagi mà chưa biết tính sao. Bà cùng nhiều hộ dân có ruộng trồng thêm tuyệt vọng khi nước lũ sau bão dâng cao làm ngập úng gần như toàn bộ hoa màu còn sót lại...

Thiệt hại nặng nề do bão chồng lũ

Theo Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, vùng trồng rau trên địa bàn huyện chủ yếu là cung cấp cho Thủ đô. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa đã gây thiệt hại khoảng 450 ha rau màu. Điều này sẽ khiến giá rau xanh tại địa phương có thể tăng lên trong những ngày tới. Bão số 3 cộng với nước sông dâng nhanh từ tối ngày 8/9 cũng khiến gần 200 ha chuối của người dân các xã ven sông Hồng thuộc hai huyện Mê Linh và Đan Phượng mất trắng. Chứng kiến toàn bộ diện tích chuối đổ la liệt, ngập giữa mênh mông biển nước, những người nông dân không khỏi xót xa.

Ông Nguyễn Văn Đức, một nông dân tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) cho biết, bão khiến 100% cây chuối của gia đình ông bị gãy không thể khắc phục được.

Không chỉ hoa màu, hàng chục nghìn ha lúa cũng chìm trong biển nước. Đáng nói, thời điểm sau bão nhiều nơi thoát lũ chậm khiến không còn khả năng khôi phục lại sản xuất đối với diện tích mất trắng.

Ông Nguyễn Văn Thơ, nông dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, những ao cá, ruộng dưa sắp thu hoạch, ruộng lúa vừa được bà con bón phân chuẩn bị làm đòng đều ngập trắng dưới hồ nước mênh mông. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bão lũ đã làm lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng với 312.000 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng 200.000 ha; rau màu 51.000 ha (riêng cây ngô 36.000 ha); 61.000 ha cây ăn quả, cây công nghiệp…

Bão Yagi cũng đã tấn công trực tiếp vào các khu vực ven biển Hải Phòng và Quảng Ninh, vùng nuôi cá lồng bè lớn nhất khu vực miền bắc. Hơn một tuần trôi qua kể từ thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta, nhưng thiệt hại do cơn bão gây ra đang khiến nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp điêu đứng, gần như mất trắng thành quả lao động, nguồn nguyên liệu cũng bị nước lũ cuốn trôi, khó khăn chồng chất khó khăn.

Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 19.956 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 4.246 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất và sản lượng.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng lớn với hơn 21.700 con gia súc, hơn 2.000.600 con gia cầm bị chết. Do thiệt hại quá lớn, nhiều hộ chăn nuôi đang gặp khó khăn về vốn để xây dựng lại chuồng trại, mua con giống và thức ăn chăn nuôi.

Cần có nghị quyết chuyên đề để phục hồi sản xuất

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng tổ chức họp để chỉ đạo phục hồi sản xuất ngay sau bão, lũ trên các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp với những hướng dẫn về kỹ thuật để sớm khôi phục những diện tích có thể cứu lại được.

Theo Cục Trồng trọt, nhu cầu giống lúa khoảng 15.000 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng hơn 4.100 tấn); rau các loại 112,5 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 0,25 tấn); giống ngô khoảng 1.080 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 275,4 tấn).

Trước nhu cầu cây giống nêu trên, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng và học viện, viện, trường đại học về việc chuẩn bị giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất ở các tỉnh phía bắc. Các đơn vị xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa bão.

Cục Trồng trọt cũng đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không nâng giá bán giống cây trồng trong dịp này nhằm góp phần giúp bà con nông dân vùng mưa bão giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất để sớm ổn định đời sống.

Cập nhật đến ngày 18/9, đã có 18 doanh nghiệp, hiệp hội… ủng hộ cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… cùng tiền mặt trị giá 15,2 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị các địa phương đề xuất các giải pháp, có chính sách hỗ trợ các gia đình nông, ngư dân khắc phục khó khăn, khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống thời gian tới. Để khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng sau bão, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đối tác logistics để khôi phục hoạt động vận chuyển hàng hóa. Chính quyền cần ưu tiên sửa chữa hạ tầng giao thông, cảng biển và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiện nay ở quy mô hàng hóa lớn, nên nhiều hộ gia đình vay vốn với quy mô lớn nuôi với phương thức hiện đại, nhất là nuôi biển. Có những hộ gia đình mất cả trăm tỷ đồng, vài chục tỷ đồng, để giải quyết trước hết cần có nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ giao cho các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực của ngành họp với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật về con giống, vật tư và thức ăn chăn nuôi. Tiếp nữa là đề nghị Chính phủ đình, hoãn, giãn nợ và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình. Đặc biệt là tiếp nhận giải quyết vấn đề bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi một cách bền vững hơn. Bộ sẽ có văn bản kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên cơ sở xác nhận của địa phương về thiệt hại để: đình, hoãn, giãn và khoanh nợ; giảm lãi suất, thậm chí có những hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong thời gian ngắn nhất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Chính phủ có nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ để phục hồi sản xuất sau bão số 3. Đây là điều rất quan trọng để phục hồi sản xuất đối với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.