Phương án tối ưu hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

|

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 4, cả nước có gần 122.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tăng gần 39% so với trung bình của cả quý I. Đây là mức cao nhất trong nhiều năm qua và nếu không có giải pháp hiệu quả thì thời gian tới việc rút BHXH một lần sẽ còn tăng.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.

Với phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm để giải quyết rút BHXH một lần. Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Và nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

Với phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của số đông người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần.

“Đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

“Đều chưa phải là phương án tối ưu”

Đóng góp ý kiến về nội dung này, bà Trần Thị Hoa Ry, đại biểu QH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên lại tạo ra lát cắt, chia thành hai nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày luật này có hiệu lực. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.

Đối với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút BHXH một lần của người lao động. Bởi việc rút BHXH một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

“Cần giảm thời gian xem xét xuống từ 3 - 6 tháng để bảo đảm người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn”, đại biểu cũng đề xuất.

Ủng hộ phương án 2, bà Trương Thị Ngọc Ánh, đại biểu QH thành phố Cần Thơ cho rằng, phương án này vừa bảo đảm quyền lựa chọn cho người tham gia BHXH vừa giữ được an sinh tối thiểu. Tuy nhiên, phương án này lại chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động, bởi phần lớn những người tham gia BHXH tự nguyện đều có khó khăn trong cuộc sống. Do đó, họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt.

"Để giữ chân người tham gia BHXH và hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần, dự thảo luật cần thiết kế thêm chế độ để người tham gia bảo hiểm tự nguyện yên tâm hơn khi có khó khăn trong cuộc sống", đại biểu kiến nghị.

Phát biểu ý kiến tranh luận, ông Phan Thái Bình, đại biểu QH tỉnh Quảng Nam cho rằng, hai phương án đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án này là thời điểm tham gia đóng BHXH của người lao động trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 1/7/2025 thì được hưởng rút BHXH một lần, sau ngày này thì không được hưởng.

Trong khi đó, nhu cầu rút BHXH một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng BHXH trước hay sau khi luật này có hiệu lực. "Để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của 2 phương án, đại biểu đề xuất tích hợp hai phương án trên theo đề nghị của đại biểu Trần Thị Hoa Ry", đại biểu Bình nêu rõ.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ người lao động

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đại biểu QH Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề mấu chốt hiện nay là chưa có chính sách chăm lo cho người lao động khiến họ muốn rút BHXH một lần để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Khi bản thân hoặc gia đình ốm đau, nhiều người phải nhắm mắt vay tín dụng đen nên cần cân nhắc khi không cho người lao động được quyền lựa chọn rút BHXH một lần.

Nhằm hạn chế ồ ạt rút BHXH một lần, đại biểu đề xuất giao BHXH phối hợp với Ngân hàng Chính sách hỗ trợ cho người lao động được vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp. Mức vay cao nhất bằng số tiền họ được hưởng nếu rút BHXH một lần và đây sẽ như một sự bảo đảm cho khoản vay.

"Thủ tục vay vốn phải rất đơn giản, không cần chứng minh tài sản, thu nhập. Nếu người lao động không đồng ý vay thì nên cho họ được rút BHXH một lần để chi tiêu cho cuộc sống", bà Hạnh nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm này, bà Vương Thị Hương, đại biểu QH tỉnh Hà Giang cũng đề nghị có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn hỗ trợ người lao động để họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm, như tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động để giảm tình trạng người lao động chọn rút BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.

Theo đại biểu, người lao động rút BHXH một lần có nhiều lý do, như mức lương thấp, không bảo đảm được cuộc sống tối thiểu, hoàn cảnh khó khăn, chưa tin tưởng vào quyền lợi mà BHXH mang lại hay do áp lực về việc làm, lo lắng bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng sớm không thể đợi đến ngày về hưu.

“Do vậy, cần nghiên cứu, có các quy định và giải pháp tổng thể bảo vệ quyền lợi của người lao động để phù hợp với thực tiễn và nguyên lý của BHXH", bà Hương nhấn mạnh.