1/ Bà Phan Thị Hạnh ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến (Yên Thế, Bắc Giang), nơi được coi là “thủ phủ” của gà ở miền bắc cho biết: “Chăn nuôi năm nay ảm đạm lắm!”. Theo bà Hạnh, nếu trước đây giá thịt lợn ngoài chợ 80.000 đồng/kg thì giờ chỉ còn 35- 40.000 đồng nên nhiều người chuyển sang ăn thịt lợn, làm cho gà cũng “ế”. Giá gà đồi Yên Thế bây giờ xuất chuồng chỉ còn 40 - 44.000 đồng/kg, chỉ hòa vốn, chưa có lãi cho người nuôi.
Tại miền nam cũng gặp khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Thanh Sơn có trang trại gà hơn 30.000 con ở xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, từ Tết đến nay chỉ riêng gà tam hoàng đã bị lỗ tới hơn 700 triệu đồng. Hiện nay, giá gà tam hoàng lông mầu được bán tại các trang trại khu vực Đồng Nai khoảng 32.000 đồng/kg, còn gà thả vườn giá 46.000 đồng/kg. Ngoài ra, trứng cũng giảm mạnh từ cuối năm ngoái, đến hiện tại giá giao cho các thương lái chỉ còn 1.400 đồng/quả, giảm gần 800 đồng/quả. Có những hộ nuôi nhiều gà đẻ, mỗi ngày tính tiền thức ăn cũng lỗ đến 20 triệu đồng.
2/ Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước tính tổng số gia cầm của cả nước hiện tại tăng khoảng 3,1% so cùng kỳ năm 2016. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Chăn nuôi Việt Nam phân tích, nuôi gia cầm nói chung và gà nói riêng quay vòng còn nhanh hơn nuôi lợn nên nếu người dân tăng đàn nhanh, sản lượng cũng sẽ tăng rất nhanh. Những năm gần đây, chăn nuôi gà có sự bùng nổ về số lượng và sản lượng, tăng trưởng bình quân năm 2016 về sản lượng là 9,9%, trong khi bình quân của thế giới chỉ là 3,7%. Chính tăng trưởng nóng đã tạo ra tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm gà và trứng nên giá đang có xu hướng giảm.
Nói về nguyên nhân giá gà và trứng gà giảm, nhiều chuyên gia kinh tế giải thích, có phần tác động bởi khủng hoảng thừa của lợn. Ngoài ra, thông tin trên thị trường thế giới cũng cho thấy, tại nhiều nước cũng đang dư thừa thịt lợn, gà nên giá cũng giảm. Đặc biệt là việc Việt Nam vẫn cho nhập khẩu một lượng lớn gà công nghiệp, chủ yếu là phụ phẩm như đùi, cánh, chân, nội tạng… với giá rất rẻ, cũng tác động làm cho giá gà trong nước giảm.
3/ Trước thực trạng nông sản cứ “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”, từ dưa hấu, thanh long, khoai lang, thịt lợn và có thể phải “giải cứu” thêm cả gia cầm, trứng gà…, thời gian qua các chuyên gia kinh tế đặt ra câu hỏi, việc “giải cứu” nông sản phải kéo dài tới bao giờ? Việt Nam có nền kinh tế thị trường, tại sao cứ phải can thiệp vào kinh tế theo kiểu “giải cứu”. Thực chất “giải cứu” có hiệu quả hay không thì tới nay cũng chưa có một cơ quan chức năng hay đơn vị nào nghiên cứu để có những công bố. Thí dụ, “giải cứu” dưa hấu, khoai lang, vải thiều, lợn… khi phát động thì giá tăng lên bao nhiêu, tiêu thụ được thêm bao nhiêu cho nông dân… hay chỉ là kiểu làm kinh tế theo “phong trào”.
Liệu tới đây bộ này có lại tiếp tục vào cuộc hô hào “giải cứu” gà, trứng gà cho người dân tiếp không? Câu hỏi của các chuyên gia kinh tế đưa ra cho các cơ quan chức năng là “giải cứu” lợn, gà… nông sản tới bao giờ, đang cần sớm được giải đáp!