PV: Nhiều người đang thắc mắc, cơ duyên nào đưa anh đến với nghề diễn?
Nghệ sĩ Dương Khánh: Gia đình cũng không có ai theo nghệ thuật nhưng tôi lại mê mẩn với những vai diễn ngay từ tấm bé. Tốt nghiệp THPT, tôi đã theo học diễn viên tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, dưới sự dìu dắt, dạy bảo của các thầy cô, như NSND Hoàng Dũng, đạo diễn Vạn Nguyễn. Sau này khi về Nhà hát Kịch nói quân đội, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà hát và các anh chị thế hệ trước, tôi đã dần trưởng thành.
PV: Dường như khả năng “biến hình” mà khán giả cảm nhận rõ nhất là khi anh tham gia phim “Đội điều tra số 7”?
Nghệ sĩ Dương Khánh: Trong phim “Đội điều tra số 7”, tôi vào vai trái ngược với tính cách ngoài đời và cũng trái với chất diễn của tôi từ trước đến nay. Khi đến casting, tôi vẫn nghĩ là sẽ nhận được một vai công an nào đó trong phim, nhưng rất bất ngờ là tôi nhận được vai có thể coi là “trùm cuối” trong một vụ án. Để ra dáng một ông “trùm cuối” thì khuôn mặt của tôi cũng phải thật bí ẩn, khó đoán, mưu mô. Nói chung đây là thử thách lớn. Nhưng rồi, khi bộ phim kết thúc, nhiều bạn bè, đồng nghiệp và khán giả đã dành những lời khen ngợi. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được tham gia vai diễn này.
PV: Dù quen mặt với nhiều khán giả truyền hình nhưng công việc chính của anh vẫn là một diễn viên kịch nói?
Nghệ sĩ Dương Khánh: Tôi luôn hết trách nhiệm trong vai trò một nghệ sĩ, chiến sĩ tại Nhà hát rồi mới nhận thêm những công việc bên ngoài, như diễn viên, MC truyền hình. Thật may mắn là những nỗ lực của tôi đã được ghi nhận khi giành được Huy chương bạc Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018, Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 và mới đây nhất là Giải nhất Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu kịch nói toàn quốc 2023.
PV: Làm nhiều việc một lúc có khi nào anh bị lẫn giữa vai diễn kịch nói và điện ảnh?
Nghệ sĩ Dương Khánh: Trước kia đôi lúc tôi bị sân khấu hóa trong khi diễn truyền hình vì mọi thứ hơi quá lên một chút từ cơ mặt, cách thể hiện, biểu đạt cảm xúc. Tuy nhiên, đó chỉ là những lúc mới vào nghề, còn bây giờ tôi luôn cân đối được. Kịch và điện ảnh luôn hỗ trợ nhau trong cách làm việc, từ phân tích, nghiên cứu, tìm hiểu và tính cách, tâm lý nhân vật. Đôi khi có thể áp dụng những cách phân tích đó dành cho mỗi nhân vật, vai diễn mình đảm nhiệm.
PV: Hơn 10 năm là nghệ sĩ, chiến sĩ tại Nhà hát Kịch nói quân đội, anh tâm niệm thế nào về nghệ thuật?
Nghệ sĩ Dương Khánh: Là nghệ sĩ, chiến sĩ, tôi luôn tâm niệm phải diễn ra chất của một người lính. Điều tôi hướng đến trong diễn xuất là sự chân thật, gần gũi, làm sao để truyền tải cảm xúc chân thật nhất đến với người xem. Khi quyết định thi hay vào một vai diễn nào, tôi luôn tỉ mẩn trong việc đọc kịch bản và hình dung lối diễn để phù hợp và dễ hiểu cho khán giả nhất.
PV: Bước ra từ Cuộc thi Tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc và nhất là được bổ nhiệm là Đội trưởng Đội diễn viên, anh đã có dự định gì trong thời gian tới?
Nghệ sĩ Dương Khánh: Sau khi có thành công nhỏ, tôi luôn nhắc nhở bản thân một điều là mọi vai diễn đều phải hướng đến những điều nhỏ nhất. Đó là những tiểu tiết trong diễn xuất. Và mỗi bước đi, cử chỉ phải có ý đồ của nó để nhân vật của mình luôn có độ sâu.
Trên cương vị mới - Đội trưởng Đội diễn viên, trách nhiệm nặng nề hơn, đòi hỏi tôi không chỉ diễn giỏi mà phải khơi gợi, tập hợp được tài năng, trí tuệ của các nghệ sĩ trong Đội. Tập thể nghệ sĩ phải nỗ lực luyện tập, tư duy trong những vở diễn để khắc họa được hình ảnh cao đẹp của người lính Cụ Hồ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn hiện lên đầy gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!