Chất "thép" người giữ biển

|

Mặc dù thực hiện nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng tình cảm hậu phương, tiền tuyến, tình đồng chí, đồng đội đã góp phần tạo nên chất "thép" để cán bộ, chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển (CSB) và cán bộ, nhân viên Kiểm ngư (KN) yên tâm ngày đêm bám trụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Hơi ấm đất liền

Ðón nhận quà Tết do đại diện Ðoàn công tác trao tặng, Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, xúc động: "Quà Tết của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị gửi tặng mang theo hơi ấm đất liền, là nguồn cổ vũ, động viên quân và dân trên đảo vui xuân mới không quên nhiệm vụ". Trung tá Dũng phấn khởi cho biết, quân và dân trên quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Sinh Tồn nói riêng đón Tết năm nay "tươi hơn" rất nhiều. Tết ở đảo chẳng khác gì ở đất liền, mâm cơm Tết cũng đầy đủ bánh chưng xanh, xôi vò, giò mỡ, thịt gà, nem rán... Trên các điểm đảo, xã đảo đều được sử dụng điện năng lượng sạch, có sóng điện thoại, mạng in-tơ-nét, được xem nhiều kênh của Ðài Truyền hình Việt Nam... Tuổi trẻ các đơn vị còn phối hợp địa phương giao lưu văn hóa, văn nghệ; thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, bóng bàn..., làm cho không khí vui xuân nơi đảo xa thêm rộn rã.

Bên ấm chè dã chiến trên sàn tàu, Ðại úy chuyên nghiệp Nguyễn Ðình Huyên, thủy thủ tàu HQ-996, quê Thanh Chương (Nghệ An), người có 26 năm công tác thì 17 năm đi tàu, chia sẻ: "Ði biển lo nhất là gặp giông bão. Nhưng sóng to, gió lớn thế nào, anh em luôn xác định, bình tĩnh xử lý mọi tình huống". Một kỷ niệm không quên là, tháng 4-2010, tàu HQ-996 đưa Ðoàn cán bộ của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài và các tỉnh: Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Bình, Phú Yên ra công tác Trường Sa. Ðến đảo An Bang, Trung úy chuyên nghiệp Lê Ngọc Tân, nhân viên thông tin-báo vụ, quê Hải Nhân, Tĩnh Gia (Thanh Hóa), được vợ là Mai Thị Luyến điện ra thông báo mẹ đã mất. Không kiềm chế được nỗi đau, Tân khóc òa như đứa trẻ. Anh em cán bộ, thủy thủ, nhân viên cùng cán bộ Ðoàn công tác kịp thời hỏi thăm, chia buồn và động viên... Trung úy Tân nén nỗi buồn riêng, cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyến đi.

Sau chuyến công tác, cấp ủy, chỉ huy tàu thống nhất đề nghị cấp trên cho Tân tranh thủ về thăm gia đình, thắp hương cho mẹ. Nhưng khi tàu vừa cập cảng Sài Gòn, đơn vị lại nhận nhiệm vụ đột xuất đưa đoàn đi công tác Trường Sa gấp. Không có người thay, chỉ huy đơn vị động viên Tân ở lại cùng anh em nhận chuyến công tác mới. Trở về đất liền, Trung úy Tân được đơn vị cho về quê tổ chức tuần 100 ngày cho mẹ.

Trung úy Tân xúc động kể: "Em không ngờ, đúng hôm tổ chức, chú Thương, Chủ tịch MTTQ tỉnh; cô Thìn, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh, cô Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh... đột ngột xuất hiện tại nhà em thắp hương cho mẹ. Họ hàng nội, ngoại, bà con trong thôn hôm ấy ai nấy đều ngỡ ngàng thấy hai xe ô-tô chở cán bộ tỉnh về dự tuần 100 ngày bà cụ. Bác Bí thư chi bộ thôn rất ngạc nhiên, tìm gặp em hỏi: "Nhà chú có ai "làm to" đâu mà có cán bộ "trên tỉnh" về dự tuần của cụ? Khi hiểu ra, họ hàng, gia đình cùng bà con trong thôn rất vinh dự, cảm động. Chính điều đó đã giúp em thêm nghị lực, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".

Mệnh lệnh từ trái tim

Tại vùng biển "nóng" Hoàng Sa, những ngày đầu tháng 6-2014, được "ba cùng" với cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 2016, CSB 4033 và cán bộ, nhân viên tàu KN 952 giữa đại dương mênh mông, tôi càng cảm phục chất "thép" của những cán bộ, chiến sĩ CSB và cán bộ, nhân viên KN Việt Nam, đa số thuộc thế hệ "8X", "9X", trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong đó, tàu CSB 4033 là một trong những tàu tham gia sớm nhất cùng các tàu CSB, KN Việt Nam làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa.

Cuối tháng 4-2014, tàu CSB 4033 đang làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ tàu khảo sát, thăm dò dầu khí. Vừa về tới cảng Ðà Nẵng để chuẩn bị cho chuyến đi mới, chiều ngày 1-5 nhận lệnh trên ra công tác gấp tại Hoàng Sa. Ðại úy Lê Trung Thành, Thuyền trưởng tàu, quê ở huyện Ðức Phổ (Quảng Ngãi), có mẹ ốm nặng đang cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Trung úy Phạm Khả Ðăng, Phó thuyền trưởng, quê Thạch Trị, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), cả bố và mẹ bị mắc bệnh hiểm nghèo. Trung úy Ðăng có bốn anh em, thì ba anh em đều là bộ đội công tác xa nhà, mọi việc trong gia đình và chăm sóc bố, mẹ đều dồn lên vai người vợ, đã tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo T.Ư 3, nhưng chưa xin được việc làm. Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Thành, nhân viên ra-đa, bố mẹ đẻ đã mất, vợ chồng và các con đang ở cùng ông bà ngoại, việc gia đình đều trông cậy vào vợ, trong đó cô con gái một tuổi đang bị bệnh xuất huyết màng não, cứ một, hai tháng lại phải đưa ra Hà Nội điều trị...

"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", nhưng chúng tôi luôn ý thức, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim mình. Bởi vậy, ai nấy đều tranh thủ thu xếp chuyện riêng tư của gia đình ổn thỏa, để kịp lên đường..."- Trung úy Thành, bộc bạch.

Nhiều năm qua, tàu CSB 4033 còn tham gia bảo vệ các tàu khảo sát, thăm dò dầu khí và làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển Việt Nam. Do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều chuyến đi kéo dài thời gian hoạt động trên biển, dự trữ lương thực, thực phẩm tươi có hạn, anh em nhiều ngày liền phải ăn mì tôm, muối vừng, cá khô... Có chuyến đi gặp thời tiết xấu, sóng to, gió lớn, có lúc giật cấp bảy, cấp tám, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết, giúp nhau khắc phục mọi khó khăn. Kỷ niệm đáng nhớ là, cuối năm 2012, tàu CSB 4033 vừa trở về đất liền, cập cảng sớm 27 Tết, cán bộ, thủy thủ, nhân viên ai cũng phấn khởi chờ phút sum họp gia đình... Nhưng 10 giờ sáng hôm đó, chỉ huy nhận điện khẩn của trên, sau 30 phút tàu phải cơ động ra khu vực đông bắc đảo Cồn Cỏ hơn 50 hải lý làm nhiệm vụ... Không có thời gian nghỉ, cán bộ, chỉ huy tàu hội ý chớp nhoáng, phân công các bộ phận làm công tác chuẩn bị. Ngoài lương thực, thực phẩm, rau xanh từ bảy đến 10 ngày, anh em còn mua thêm hai cặp bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo để đón xuân trên biển. Gần 11 giờ trưa hôm ấy, tàu rời bến đi cũng là lúc gió mùa đông bắc tràn về, kèm theo gió mạnh cấp sáu, cấp bảy; ra khỏi cửa vịnh Ðà Nẵng, đã gặp ngay những con sóng cao lừng lững như những mái nhà táp mạnh vào thân tàu, làm tàu tròng trành, chao đảo, anh em điều khiển tàu chạy theo mép sóng, có lúc tàu nghiêng 45 độ, rung lắc mạnh, khiến nhiều người choáng váng, mệt mỏi, nhưng cán bộ, thủy thủ, nhân viên trên tàu không ai rời vị trí. Gần 22 giờ đêm hôm ấy, tàu CSB 4033 có mặt tại thực địa, phát hiện gần 20 tàu cá nước ngoài đang tập trung ở khu vực gần đó. Mặc dù ai nấy thấm mệt, nhưng cán bộ, thủy thủ, nhân viên trên tàu mỗi người mỗi việc, thức thâu đêm, suốt sáng mở loa tuyên truyền, xua đuổi tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam...

Rời vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc trở về đất liền, phía sau tôi vẫn lặng lẽ những công việc thường ngày của những người giữ biển là Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam... Dẫu bão táp phong ba, hiểm nguy luôn rình rập, song tôi tin họ luôn vững vàng chất "thép" vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim người chiến sĩ.