Chủ động ứng dụng công nghệ theo dõi diễn biến và phòng cháy, chữa cháy rừng

|

Sử dụng công nghệ viễn thám; hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm và tổ chức cài đặt ứng dụng FRMS mobile 4.0 trên thiết bị cá nhân của kiểm lâm địa bàn… là những giải pháp được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên tăng cường sử dụng, nhờ đó kịp thời ngăn chặn nhiều vụ cháy rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết: Ðiện Biên có gần 700 nghìn hec-ta đất được quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 72,8% diện tích đất tự nhiên). Trong đó, diện tích có rừng là hơn 415 nghìn ha. Diện tích rừng lớn trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, là một trong những khó khăn không nhỏ với mỗi cán bộ, công chức kiểm lâm. Trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn phải phụ trách gần 3.500ha rừng, cá biệt tại những địa bàn như Mường Nhé, Nậm Pồ có kiểm lâm địa bàn phải phụ trách trên 10.000ha.

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nâng cao công tác quản, lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện và mỗi cán bộ, công chức, kiểm lâm địa bàn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.

Ông Hà Lương Hồng, cho biết: Từ năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã sử dụng công nghệ viễn thám GIS giải đoán các nguồn ảnh vệ tinh để phát hiện các vị trí có thể có biến động rừng để cung cấp cho cán bộ kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác minh ngoài thực địa. Qua sáu năm thực hiện, chúng tôi thấy rằng sử dụng công nghệ viễn thám GIS cho kết quả giải đoán chính xác các nguồn ảnh đạt trên 80%. Từ đó, giúp phát hiện nhanh chóng, kịp thời và chính xác các vị trí có biến động rừng, hỗ trợ việc thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã ứng dụng các phần mềm di động hỗ trợ như: FRMS Mobile, Vtools Suvey, iGeoTrans X… kết hợp với sử dụng thiết bị bay không người lái, bộ đàm cầm tay trong tuần tra, kiểm tra rừng. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đã cài đặt phần mềm di động cho 100% công chức kiểm lâm; trang bị máy flycam, bộ đàm cầm tay cho 10/10 Hạt Kiểm lâm và phòng chuyên môn. Hiện nay, 100% công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn tại 128/128 đơn vị cấp xã có rừng để phục vụ công tác khảo sát các vị trí có biến động tăng, giảm rừng ngoài thực địa.

Kiểm lâm tỉnh Điện Biên kiểm tra trên hệ thống các điểm có nguy cơ cháy để chủ động thông tin đến địa bàn.

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm sử dụng Hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm để theo dõi các vị trí cảnh báo cháy hàng ngày (tại địa chỉ https://watch.pcccr.vn/DiemChay), qua đó kịp thời phát hiện, chỉ đạo kiểm tra các vị trí nguy cơ cháy rừng. Ðồng thời, đầu tư lắp đặt 3 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động tại các Hạt Kiểm lâm: Nậm Pồ, Mường Nhé và Ðiện Biên. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm đã tạo lập và sử dụng 12 hệ thống biểu báo cáo trên Google Drive để tổng hợp báo cáo từ các đơn vị, giúp giảm thời gian, công sức cho cán bộ tổng hợp; số liệu báo cáo được kịp thời, chính xác và có thể tra cứu tại bất cứ nơi đâu.

Sử dụng có hiệu quả Hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm của Cục Kiểm lâm tại tỉnh tại trang thông tin https://watch.pcccr.vn/DiemChay, lực lượng kiểm lâm trong tỉnh Điện Biên chủ động kiểm tra, phát hiện hàng chục nghìn vị trí có nguy cơ cháy rừng từ đó chủ động các biện pháp phòng chống. Ông Hà Lương Hồng, cho biết: Tính từ 1/1/2023 đến hết ngày 31/5/2023, Chi cục Kiểm lâm Điện Biên đã xác định và cung cấp 149 điểm cháy nghi vào rừng để Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Cán bộ Kiểm lâm Điện Biên cùng nhân dân tuần tra, bảo vệ rừng.

Chủ động rà soát các điểm nghi ngờ mất rừng qua ảnh vệ tinh Planet trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã gửi Hạt Kiểm lâm các huyện tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời; kết hợp sử dụng thiết bị bay Flyam, Hạt Kiểm lâm các huyện: Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Chà đã kịp thời kiểm tra, xác minh hàng chục vị trí nghi mất, nghi cháy, từ đó kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng trên địa bàn.

Nhờ sử dụng hiệu quả công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng đến cán bộ, nhân dân đến nay ý thức bảo vệ rừng của nhân dân trên địa bàn chuyển biến mạnh mẽ; cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã thấy rõ được vai trò, giá trị đặc biệt quan trọng của rừng. Nhờ đó, diện tích rừng được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đã đạt 42,54% (tăng 0,04% so với kế hoạch giao). Công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, rừng ngoài quy hoạch được chặt chẽ, nghiêm túc…