Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều phải trải qua quá trình gian khổ để hình thành gương mặt của mình với thế giới hôm nay. Trong quá trình dài lâu đó, có những thời kỳ sáng tối khác nhau song đều để lại những bài học vô giá. Ðó là tài sản của dân tộc, của quốc gia. Và trong những giai đoạn đó, đều sinh ra những người anh hùng dân tộc. Những người đã tìm ra và giương cao ngọn cờ dân tộc, ngọn cờ thời đại. Ðó là những di sản bằng vàng của đất nước. Giữa thời đại và những anh hùng dân tộc là mối quan hệ giữa lịch sử và việc xây dựng những hình tượng lịch sử. Ðó là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào.
Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta mở cuộc thi viết kịch bản phim theo chủ đề (đề tài) này. Nhưng chủ đề quá rộng và một thời gian quá dài khiến người viết kịch bản khó chọn hướng đi đúng cho mình. Người viết về Lý Công Uẩn, người viết về Trần Thủ Ðộ, người viết về huyền thoại Rồng Tiên, v.v. Thực tế ấy khiến cho Ban tổ chức lâm vào tình trạng khó xử. Trong khi đó, ở một nước khác, cũng mở cuộc thi viết về lịch sử, nhưng mở rộng đến dã sử, huyền thoại. Ðề tài đưa ra là: Hãy viết về một nhân vật là phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc của đất nước các bạn. Ðiều đó cho thấy sự khác biệt giữa hai cách làm. Một cách thì mông lung. Một cách thì cụ thể. Một cách thì chú trọng đến sự kiện. Một cách thì quan tâm đến con người. Mà đối với khán giả, đi xem phim chủ yếu là xem nhân vật, xem diễn viên thể hiện vai có đạt hay không chứ sự kiện thì tự họ đã có phần nào trong máu thịt của mình rồi.
Viết đến đây, tôi nhớ một câu chuyện trong sách giáo khoa thời nhỏ. Thời kỳ sắp Tổng khởi nghĩa, Bác Hồ đang ở Tân Trào thì bị ốm. Người dân trong bản nấu cho Bác bát cháo trứng. Mặc dù còn mệt, Bác vẫn mang bát cháo đó đến đưa một cụ già. Hay câu chuyện về Tổng thống Mỹ A. Lin-côn. Ông trở về nhà rất muộn sau một ngày làm việc mệt mỏi đấu tranh với bao nhân vật chống lại việc xóa bỏ chế độ nô lệ, bà giúp việc vẫn đợi ông. Ông đã xin lỗi bà vì về muộn. Khi bà ra về, ngoài trời tuyết rơi nhiều, ông đã lấy cái áo khoác của mình đưa cho bà... Mỗi sự kiện lịch sử luôn có hai câu chuyện, hai vấn đề. Một câu chuyện dành cho những nhà nghiên cứu. Một câu chuyện dành cho những nhà sáng tạo. Không ai có thể phủ nhận vai trò của ai mà họ chỉ có thể có chung mục đích là tôn vinh vẻ đẹp của đất nước, của dân tộc.
Trong làm phim lịch sử, sáng tạo của nghệ sĩ đóng vai trò quyết định làm nên tâm hồn tác phẩm. Thiên tài A. Anh-xtanh , người truyền cảm hứng sáng tạo cho cả thế giới đã nói: "Nhiều khi, trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức". Người làm phim lịch sử có thể lấy những chi tiết thời đại này đặt vào thời đại khác nhằm đạt được mục đích nghệ thuật và, miễn sao, vẫn bảo đảm tính trung thực của chi tiết trong bối cảnh. Lấy thí dụ, trong cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ, có một bức thư của Tổng thống Lin-côn gửi một viên tướng, nói rằng, hãy tìm được anh lính Ri-an, cho giải ngũ vì bố và anh của Ri-an đã hy sinh. Anh ta phải về với người mẹ. Các nhà làm phim Mỹ đã chộp lấy chi tiết này, chuyển ngay bối cảnh sang Ðại chiến thế giới II với câu chuyện một đơn vị lính Mỹ đổ bộ vào Nooc-man-đi (Pháp), hy sinh hết cả, chỉ còn đại đội trưởng. Và người chỉ huy này được nhận thêm sáu người lính nữa, chỉ có một nhiệm vụ, luồn sâu vào hậu phương nước Pháp, nơi quân Ðức đóng dày đặc, chỉ để tìm ra anh binh nhì Ri-an, đưa anh ta trở về. Bộ phim Giải cứu binh nhì Ri-an đã gây chấn động toàn châu Âu và nước Mỹ khiến cho hàng triệu người xem bị tuyên truyền rằng, chính nước Mỹ, chứ không phải Nga, có công trong việc giải phóng châu Âu!
Trở lại với vấn đề phim lịch sử của ta. Ðến nay, chúng ta vẫn tranh luận chưa có hồi kết về trang phục, về chi tiết này, chi tiết kia, về lời ăn tiếng nói, v.v. Nhưng những người phê phán cũng không có tư liệu nào xác thực để bảo vệ ý kiến của mình. Những người làm Ngọn nến hoàng cung thì chê Ðêm hội Long Trì không chuẩn xác về thiết kế bối cảnh, trang phục; người làm Thái sư Trần Thủ Ðộ bị giới truyền thông chê ngôn ngữ đối thoại không hợp thời đại; người làm Thiên mệnh anh hùng bị chê là giống phim Hồng Công, v.v. Thiết nghĩ, chúng ta nên tôn trọng ý đồ sáng tạo của các nghệ sĩ. Những gì còn lại, để thời gian và công chúng thẩm định. Chẳng hạn, ngay tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của L.Tôn-xtôi cũng có một số nước làm thành phim như Mỹ, Nga (phim điện ảnh) và I-ta-li-a (phim truyền hình). Mỗi nước lại khai thác một góc nhìn khác nhau, tùy theo quan điểm và thẩm mỹ của mình. Cũng tương tự như vậy, chúng ta đã làm ít nhất ba phim truyện về đề tài Ðiện Biên, nhưng ba phim là những cái nhìn khác nhau về sự kiện lịch sử này. Hoa ban đỏ là câu chuyện tình nơi chiến trận. Ký ức Ðiện Biên là thái độ của nhân dân ta đối với tù binh Pháp. Còn Sống cùng lịch sử là cái nhìn của thế hệ trẻ Việt và Pháp hôm nay đối với quá khứ. Sự kiện lịch sử là khởi nguồn cho những dòng sông sáng tạo chảy đến vô cùng vô tận.
Và cuối cùng, còn một vấn đề hết sức quan trọng. Ðó là việc phát hành phim lịch sử như thế nào cho hiệu quả? Ðây là một câu chuyện cực kỳ gian nan đối với cơ cấu của ngành điện ảnh Việt Nam lúc này. Chúng ta có hãng phim, hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng lại không chú trọng đến khâu tiếp thị, truyền thông. Giống như người nông dân, thu hoạch xong không biết đưa hàng đi đâu để đến tay người tiêu dùng. Trông chờ vào Bộ Tài chính? Bộ này chỉ duyệt kinh phí làm phim chứ không cấp kinh phí quảng cáo. Trông chờ vào các rạp? Hầu hết các rạp đều nằm trong tay tư nhân, họ chỉ chiếu những phim ăn khách, nằm trong kế hoạch kinh doanh của họ. Thời buổi kinh tế thị trường, không ai giúp không cho ai cái gì. Trong dòng chảy cơ chế thị trường, chính các hãng phim đã tự làm sản phẩm của mình mắc kẹt trong cơ chế vận hành lạc hậu (cũng của chính mình)! Hãy nhìn các nhà làm phim Việt kiều. Họ có kế hoạch tiếp thị phim với các đối tác trong và ngoài nước từ khi câu chuyện còn manh nha. Họ có ý đồ chọn các ngôi sao thế nào? Áp-phích họ chọn hình ảnh nào, kích cỡ bao nhiêu để gây ấn tượng? Dự định phim này sẽ tham gia liên hoan phim quốc tế nào? v.v. Trong khi các phim đặt hàng của ta thì cứ làm từ từ, đến đâu hay đến đó.
Ðã đến lúc, những người làm phim do Nhà nước đặt hàng cần phải có cách suy nghĩ mới và tìm ra những phương thức hành động mới. Các công cụ truyền thông như tạo facebook, lập website cho phim, tổ chức các kỳ họp báo, quảng bá trên truyền hình... cần được tính đến như những khâu quan trọng của quá trình tìm đầu ra cho phim, nghĩa là phải có kinh phí thích đáng. Làm được như vậy, những phim do Nhà nước đặt hàng, đặc biệt là phim lịch sử, mới tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng người xem.
Ðã đến lúc, những người làm phim do Nhà nước đặt hàng cần phải có cách suy nghĩ mới và tìm ra những phương thức hành động mới. |