Di sản lớn của dân tộc Việt Nam

|

Mỗi khi mùa xuân tới, một năm mới bắt đầu, ở trong sâu thẳm những tâm hồn người Việt đều hướng về nguồn cội, tổ tiên, ông bà… cõi linh thiêng không có gì sánh được, để tự hào được là con Lạc cháu Hồng, mang trong mình dòng máu Hùng Vương, và hai tiếng Việt Nam thiêng liêng.

Việt Nam, nghìn năm trước đã hiên ngang ngẩng đầu xưng với thiên hạ là quốc gia Đại Cồ Việt. Đã khẳng định với bốn phương: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư…”. “Thiên thư” - sách Trời hay chính nét bút kỳ tài của ông cha nghìn xưa đã vẽ hình đất nước bằng cả máu, mồ hôi, nước mắt, làm nên một dải đất cong cong hình chữ “S” trải dài từ bắc đến nam.

Từ nét chấm đầu tiên ở Mũi Sa Vĩ, Trà Cổ, Quảng Ninh đến nét bút “mở” nơi Đất Mũi, Cà Mau hướng về phương nam, trải qua bao thăng trầm thuở khai thiên lập địa, cùng bao cuộc chinh chiến giữ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đất nước Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng kiên cường bên bờ sóng gió Biển Đông, vững chãi, không một thế lực to lớn, hùng mạnh nào có thể khuất phục, chia cắt, dời đổi.

Việt Nam có một địa thế địa lý chiến lược khu vực đặc biệt nên chính điều đó đã đưa dân tộc Việt vào guồng quay của lịch sử bao cuộc chinh chiến triền miên để bảo vệ đất nước kể từ khi lập quốc thời Hùng Vương. Ước mơ thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do của cả dân tộc như khát vọng cháy bỏng trải dài hàng nghìn năm đến tận ngày 30-4-1975 mới thực hiện được.

Còn nhớ vào ngày 7-5-1954, hình ảnh từng đoàn quân viễn chinh Pháp xếp hàng cầm cờ trắng đầu hàng Việt Minh ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để Việt Nam có một Hiệp định Genève lịch sử. Còn nhớ vào đúng ngày 27- 1-1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, ngay tại Thủ đô nước Pháp, ca khúc “Ta tự hào đi lên ơi Việt Nam” (Hoàng Trung Thông - Chu Minh), vang lên một cách hào hùng, khi Việt Nam vừa làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, bắt buộc đối phương phải vào bàn đàm phán ở thế thua…

Tất cả những chiến thắng quân xâm lược kể từ xa xưa thời các Vua Hùng dựng nước và giữ nước cho đến những cuộc kháng chiến thần thánh hết đánh giặc phương bắc của các triều Đinh, Lý, Trần, Lê… đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, nếu như không phải do sức mạnh tinh thần của cha ông xưa tích tụ, lưu truyền, và được hun đúc qua hàng nghìn thế hệ con cháu người Việt, thì không thể có một Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất như hôm nay.

Tinh thần đó là “tinh thần yêu nước nồng nàn” của con người Việt Nam được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử, được thử thách trước “thiên tai và địch họa”..., là sự chịu đựng vượt khó khăn gian khổ, là sự kiên cường dũng cảm không chịu khuất phục trước bất kỳ sự đe dọa nào, là tinh thần quyết chiến, quyết thắng không lùi bước trước bất cứ thử thách nào. Là tinh thần đại đoàn kết đồng lòng của cả dân tộc, là anh em một nhà, nghĩa tình đồng bào.

Khi có kẻ xâm lược thì tinh thần đó tạo nên sức mạnh để chiến thắng. “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” - lời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khi đất nước lâm nguy, lòng yêu nước như được nhân lên, kết thành khối vững chắc tạo nên sức mạnh vô song. Lòng yêu nước là di sản tinh thần thiêng liêng gắn với niềm tự hào, tự tôn dân tộc, là phẩm giá Việt Nam.

Khi đất nước hòa bình, tinh thần đó lại là nguồn lực để tất cả cùng chung tay đoàn kết xây dựng kiến thiết, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vững mạnh, trường tồn.

Nhưng đồng thời tinh thần đó lại tạo nên một nước Việt Nam có những tinh hoa văn hóa sánh ngang với các cường quốc, tạo nên diện mạo đa dạng của văn minh nhân loại. Không thể không tự hào khi là người Việt có một nền văn hiến truyền thống hàng nghìn năm lịch sử. Và chính nền văn hiến đó đã tạo nên sức mạnh cho dân tộc Việt Nam không để một thế lực hùng mạnh nào thay đổi, di dời, đồng hóa.

Sức mạnh đó còn là nền tảng để đời đời các thế hệ người Việt Nam kế tiếp mãi giữ gìn, bảo tồn và phát triển những tinh hoa tinh túy, như một di sản lớn nhất, quý giá nhất của quốc gia, đất nước, dân tộc.

Và để không hổ thẹn với di sản tinh thần do cha ông để lại, thiết nghĩ mỗi người Việt Nam, con cháu Lạc Hồng, dòng máu Hùng Vương, ngoài trách nhiệm công dân với quốc gia, còn phải là một người Việt Nam có tinh thần Việt, vì dân tộc Việt, vì đất nước Việt Nam mà sống, học tập và làm việc, để “Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Sang năm mới, đốt nén hương trầm, tâm vọng về tổ tiên nguồn cội, để tự hào, để nguyện tiếp nối ông cha, để Tổ quốc Việt Nam muôn đời trường tồn, vững mạnh.