30 tháng 4, giữa Sài Gòn 40 năm trước

|

Mùa xuân năm 1975, tôi đang là phóng viên quân sự thuộc Tổng cục Chính trị. Ra Tết tôi nhận được lệnh: - Chuẩn bị đi mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế.

Năm 1972, tôi đã lăn lộn nơi đây hàng mấy tháng trời với những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất. Nhắc đến Quảng Trị, tôi không thể nào quên kỷ niệm ở Thành cổ. Chính ngày 19-6, ngày quân lực Việt Nam cộng hòa (quân đội Thiệu), những trận đánh dữ dội nhất đã xảy ra với mưu toan tái chiếm Thành cổ. Súng phun lửa bắn trực tiếp vào từng ngách hào, từng hố cá nhân, nơi các chiến sĩ ta bám trụ. Ðây là thời điểm ngoan cường, quả cảm có một không hai của một thế hệ chiến sĩ anh hùng.

Ðến nay, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt lớp chiến sĩ đó. Tôi đã viết bài Dũng sĩ Thành Quảng Trị đăng trên Báo Nhân Dân và được Ðài Tiếng nói Việt Nam đọc lại suốt gần một tuần. Các đồng nghiệp mới ra trường chúng tôi, như Nguyễn Khánh Toàn, Ðức Thiện, Phí Văn Chiến, Mạnh Tuấn, Trung Ðạo, Hải Chinh, đều lăn lộn và viết không ít tin tức, bài vở từ mặt trận gửi về Hà Nội.

Năm ấy, mặt trận Quảng Trị chứng kiến sự hy sinh to lớn của bao cán bộ, chiến sĩ, như một nhà thơ đã viết: "Nếu các anh trở về đông đủ/Sư đoàn ta đã thành mấy sư đoàn". Có bao anh hùng, dũng sĩ như Vũ Trung Thưởng, Nguyễn Như Hoạt, Mai Ngọc Thoảng...

Trên các chiến hào, chúng tôi đã gặp những cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn còn trẻ măng, có người chưa đến tuổi 30. Lớp chiến sĩ từ học sinh vừa tốt nghiệp lớp 7, lớp 10, trong số họ không ít người là sinh viên đại học. Họ hoạt bát và vui nhộn, ít nghĩ đến gia đình, cái "tôi", cái riêng tư của mình. Họ sung sức và thông minh trong đánh giặc. Có người mới được luyện tập vài ba chục ngày đã ra trận. Trong môi trường như thế, viết về người chiến sĩ không đến nỗi phải trăn trở, cân nhắc nhiều. Bản thân cuộc đời mỗi người lính là một câu chuyện hấp dẫn với hậu phương. Lúc đó lợi ích của mỗi con người gắn với vận mệnh của dân tộc.

Những ngày đầu tháng ba tin tức chiến thắng từ chiến trường Tây Nguyên và trận đánh giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột làm nức lòng hậu phương. Giữa tháng ba, chúng tôi rời Hà Nội lên đường. Tôi và Hoàng Thiểm được phân công cùng đi một mũi vào Quảng Trị. Chúng tôi vốn cùng một tổ học tập trong trường, hiểu nhau như anh em. Vào Quân đội, tôi được phong quân hàm Thiếu úy, Hoàng Thiểm - Chuẩn úy. Anh Thiểm lớn tuổi hơn nên trong công việc, chúng tôi đều thảo luận với nhau tỉ mỉ từng vấn đề nhỏ như đi đâu, theo đơn vị nào? Phối hợp gửi tài liệu về Hà Nội như thế nào để bảo đảm nhanh nhất, an toàn nhất?

Rạng sáng ngày 26-3-1975, chúng tôi cùng một tốp phóng viên TTXVN tiến vào Huế. Tôi nhớ như in suốt đêm 25-3 vượt sông Mỹ Chánh chạy bộ vào Huế. Sau những ngày hành quân gian khổ, chúng tôi thở không ra hơi. May mà anh Lâm Hồng Long, nhà nhiếp ảnh lớn tuổi nhất đoàn còn ít sâm củ chia cho chúng tôi mỗi người một lát mỏng để ngậm nên còn sức để vào Huế. Những giờ phút đầu tiên Huế giải phóng, giờ đây còn lưu lại như những tấm ảnh lịch sử. Tôi vẫn tự hào khi nhìn thấy tấm ảnh các cô du kích và bộ đội giương cao lá cờ giải phóng trên chiếc xe tiến vào Ngọ Môn. Sau gần 4-5 giờ hoạt động, theo quy định, chúng tôi gặp nhau và cử người đưa tài liệu về Hà Nội. Xin cảm ơn anh Ðại Chiến vì đã chạy xe suốt hai ngày đêm không nghỉ, kịp đưa tài liệu về Hà Nội phát bài và ảnh kịp thời cho các báo.

Sáng 29-3, chúng tôi đã có mặt ở Ðà Nẵng. Tôi, anh Lâm Hồng Long và Hoàng Thiểm vượt đèo Hải Vân bằng xe Honda. Dọc đường, thỉnh thoảng những loạt súng của tàn quân ngụy lại réo qua sườn núi. Chúng tôi vẫn bình tĩnh vì qua đài BBC, được biết từ ngày 23-3, thành phố Ðà Nẵng đã trở nên hỗn loạn. Ðịch buộc phải bỏ kế hoạch co cụm ở Ðà Nẵng và tranh nhau di tản. Buổi sáng 29-3, trời Ðà Nẵng lất phất mưa, khi chúng tôi có mặt thì bộ binh và xe tăng Quân đoàn 2 cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã có mặt ở thành phố, chiếm giữ sân bay Ðà Nẵng.

Gần một tháng sau đó, tôi và anh Hoàng Thiểm lại được lệnh chủ động tìm kiếm, liên hệ với Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn. Chiều 28-4, chúng tôi tìm được sở chỉ huy cánh quân hướng đông - bắc, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, lúc đó là Cục trưởng Văn hóa, đặc trách công tác chính trị chỉ dẫn cho chúng tôi tìm cách liên hệ với Quân đoàn 2.

Buổi chiều 29-4, đồng chí Lê Khả Phiêu, lúc đó là Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2 cho chiến sĩ liên lạc đưa chúng tôi đến mũi tiến công của Sư đoàn 304 đang phối hợp với Lữ đoàn xe tăng 203.

Rạng sáng ngày 30-4, sau khi đã vượt căn cứ Nước Trong, chúng tôi theo xe tăng của Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 bắt đầu theo đường 15, vượt cầu Xa lộ sông Ðồng Nai nhằm thẳng hướng nội thành.

Cuộc tiến quân vào Sài Gòn 40 năm trước đối với chúng tôi giờ đây vẫn còn in đậm trong trí nhớ. Hàng trăm nghìn người dân, trên tay cầm cờ giải phóng, ảnh Bác Hồ hò reo. Ngã ba Hàng Xanh bây giờ, lối rẽ về đường Hồng Thập Tự, nay là đường Lê Duẩn, qua cầu Thị Nghè, bà con đứng chật hai bên đường. Các chiến sĩ đặc công, biệt động với sắc quân phục riêng, nhảy lên xe tăng, xe bọc thép hòa vào đội hình tiến quân.

Mười một giờ 24 phút ngày 30-4, chúng tôi có mặt trước Dinh Ðộc Lập. Trong những giây phút lịch sử đầu tiên đó, tôi đã ghi lại được những tấm hình lịch sử: Nội các Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng đang bước xuống bậc tam cấp theo sự quản lý của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Lữ đoàn 203. Hình ảnh Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 Phạm Xuân Thệ; chân dung Ðại đội trưởng Bùi Quang Thận từ xe tăng 843 nhảy lên tầng thượng của Dinh Ðộc Lập treo lá cờ Tổ quốc...

Nhờ anh lái xe cảnh sát Võ Cự Long của chính quyền ngụy mà chúng tôi nhanh chóng đến Bộ Tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay tại sân bay, tôi chụp ảnh nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức cô Nhíp) dẫn đầu chiếc xe tăng đánh chiếm Tân Sơn Nhất.

Sau khi Sài Gòn giải phóng, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt, cánh nhà báo chúng tôi phải tìm cách chạy bộ, đi xe và tìm các phương tiện khác có được để đưa tài liệu "sống" về Hà Nội. Chiều hôm đó, chúng tôi quyết định dùng chiếc xe Zép sáu máy và động viên Võ Cự Long, một sĩ quan ngụy, trưởng một công xa dẫn đường cho các yếu nhân của chính quyền Sài Gòn lúc đó đưa tôi và anh Hoàng Thiểm về Ðà Nẵng. Một mình Long lái xe suốt tối 30 đến rạng sáng 2-5 (trên đường chỉ nghỉ vài giờ) đưa chúng tôi về Ðà Nẵng.

Ngay buổi chiều hôm đó, anh Thiểm theo máy bay, đưa tài liệu ra Hà Nội sớm nhất. Báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân, ngày 3-5 đã đăng những hình ảnh đầu tiên về giờ phút lịch sử, ngày 30-4.

40 năm đã trôi qua. Giờ đây mỗi lần vào thành phố, trong tôi dường như mỗi đoạn đường, mỗi góc phố, trên những dòng sông vẫn thấp thoáng hình ảnh người chiến sĩ mũ tai bèo thuở nào. Thành phố ồn ào, sôi động vẫn không làm mất đi tất cả những gì thuộc về quá khứ của một thời oanh liệt.