Nghe dân để chọn người cho Ðảng

|

Ất Mùi - 2015 có những ngày kỷ niệm quốc gia vào năm chẵn. Ðây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, tiếp bước công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, từng bước thực hiện lòng mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Năm 2015 còn có một sự kiện tuy không ghi là ngày lễ lớn nhưng là sự kiện rất quan trọng trên con đường tiến lên của đất nước; đó là năm tiến hành đại hội Ðảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội lần thứ XII của Ðảng. Ðảng ta là Ðảng cầm quyền, những quyết sách của Ðảng chủ yếu liên quan tới sự phát triển của đất nước, của dân tộc cho nên cũng là sự quan tâm sâu sắc của toàn quân, toàn dân.

Ðại hội nào cũng có hai việc quan trọng là xác định nhiệm vụ chính trị, ít nhất cho những năm trước mắt và lựa chọn những người có đủ tài đức để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị do Ðại hội quyết định.

Trong sự phát triển của mỗi quốc gia, người ta thường nói tới bốn nguồn là tài nguyên, điều kiện tự nhiên, vốn tài chính và con người. Các nguồn lực nêu trên ở mỗi quốc gia có thế mạnh, thế yếu khác nhau, nhưng trong bốn nguồn lực đó thì nước nào cũng coi nguồn lực con người có tầm quan trọng hàng đầu; có học giả định lượng nguồn nhân lực chiếm tới 60% tổng nguồn lực. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ðảng ta luôn coi nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định. Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI coi nâng cao chất lượng nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược trong nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững. Xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ðảng ta nêu rõ cần xây dựng và đặc biệt là nâng cao chất lượng của những nguồn lực quan trọng:

Ðó là những nhà lãnh đạo, quản lý một lòng vì nước, vì dân, có đạo đức trong sáng, có trí tuệ sáng suốt, có khả năng nắm vững thời cơ vượt qua thách thức để xác định những chủ trương, chính sách đúng đắn và năng lực tổ chức thực hiện thành công những chủ trương, chính sách.

Ðó là đội ngũ trí thức, nhất là lực lượng tinh hoa có kiến thức sâu rộng, sát thực tiễn, có khả năng sáng tạo thúc đẩy nền khoa học phát triển và xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đẫm tính nhân văn, dân chủ, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ðó là đội ngũ doanh nhân của các thành phần kinh tế có tâm huyết và tài năng phát triển nền kinh tế quốc gia và đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ðó là đội ngũ đông đảo những người lao động hoạt động trên các lĩnh vực, cần cù, sáng tạo, có tay nghề vững vàng, có khả năng nắm vững và vận hành các phương tiện hiện đại, có năng suất lao động cao.

Trên cơ sở của lòng yêu nước nồng nàn, sự phát triển đồng bộ của những nguồn nhân lực đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia để phát triển nhanh và bền vững. Trong các nguồn nhân lực đó, Ðảng, Nhà nước ta cũng như sự chứng minh của thực tiễn thì nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý là nguồn lực quan trọng nhất. Có những người lãnh đạo, quản lý tài năng, đức độ thì sẽ có khả năng đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp quy luật, sát thực tế và quan trọng là hợp lòng dân, sẽ giúp đội ngũ trí thức, doanh nhân và người lao động phát huy tài năng sáng tạo của mình để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Người lãnh đạo, quản lý là những người có phẩm chất, năng lực tốt nhưng có thể họ chưa phải là người tài giỏi nhất vì người tài còn đông đảo ngoài xã hội nhưng họ tôn trọng người tài, chọn đúng và mạnh dạn dùng người tài vì sự phát triển của đất nước.

Ðó là lý do mà toàn Ðảng, toàn dân rất quan tâm việc chọn lựa người tài đức trong nhân sự được lựa chọn trong các cấp Ðại hội Ðảng, nhất là người đứng đầu là những nhân sự trong đội ngũ những nhà lãnh đạo, quản lý.

Chiến lược cán bộ chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý để đảm đương nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ mới được thông qua tại Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 3, khóa VIII đã nêu những tiêu chuẩn chung và từng lĩnh vực cụ thể với những nhà lãnh đạo quản lý trong kinh tế, lực lượng vũ trang, khoa học, văn hóa... Những tiêu chuẩn đó về cơ bản vẫn là tiêu chuẩn lựa chọn những người lãnh đạo và quản lý ngày nay. Tuy nhiên sự vận dụng đúng đắn những quan điểm đó còn do bản lĩnh, đạo đức, trí tuệ của những người có trách nhiệm cầm lá phiếu ủy nhiệm của Ðảng bộ, cũng là của nhân dân.

Ðể lựa chọn đúng, trước hết phải đánh giá đúng và sự đánh giá chỉ đúng qua hiệu quả hoạt động thực tiễn. Vượt qua bệnh thổi phồng thành tích, che lấp những việc chưa làm được, những khuyết điểm, thiếu sót đang là căn bệnh khá phổ biến hiện nay, do đó cần sâu sát và công tâm trong việc đánh giá. Ðảng và Nhà nước đã xây dựng những cơ chế đánh giá cán bộ nhưng thực hiện các cơ chế đó lại qua những con người, cho nên đòi hỏi ý thức trách nhiệm và sự công tâm để bảo đảm sự chính xác cho lá phiếu ủy nhiệm của Ðảng bộ và nhân dân. Có người nói, lá phiếu là khách quan nhưng hiện nay lá phiếu đó còn "dính" nhiều thứ: Có những lá phiếu "tri ân", lá phiếu "trả oán", lá phiếu vì lợi ích nhóm... làm sai lệch sự chọn lựa. Ðánh giá cán bộ để chọn lựa nhân sự trong các tổ chức Ðảng cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của dư luận xã hội, của nhân dân, như Bác Hồ đã từng nói: "nhân dân biết nhiều việc" mà không phải tổ chức nào cũng biết.

Trong nhiều tiêu chuẩn về cán bộ lãnh đạo, quản lý mà chiến lược cán bộ nêu lên, từ bản lĩnh chính trị, kiến thức văn hóa, khoa học và thực hiện, tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm và khả năng tổ chức thực hiện thì trong tình hình hiện nay, đông đảo cán bộ, đảng viên quan tâm tiêu chuẩn "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm". Tuy là chọn lựa nhân sự của Ðảng và Nhà nước, cũng là sự đo lường tổng hợp tài năng và đạo đức của cán bộ đó.

Trong việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo, hiện nay có dư luận "Thứ nhất tiền tệ, thứ hai hậu duệ, thứ ba quan hệ, và thứ tư mới tới trí tuệ". Tôi nghĩ không phải các nơi, mọi chỗ đều như thế nhưng cũng đã xảy ra những trường hợp như thế ở một số nơi mà đảng viên và nhân dân quan sát rồi tổng hợp thành nhận xét đầy sự lo lắng đó. Nơi nào, bộ phận nào để tình trạng đó xảy ra thì người tài, đức độ không có chỗ chen chân; nếu chọn lựa theo cách đó thì sẽ thu hút những kẻ cơ hội vào tổ chức và sẽ hình thành phe nhóm trong cơ quan lãnh đạo, rất đáng lo ngại.

Mùa xuân, đất nước mong muốn chọn được người tài đức, nhưng chọn lựa đúng người lãnh đạo trong các đại hội thì có khả năng chọn được người tài cho đất nước. "Người tài" được hiểu là người vừa có đức, vừa có tài. Có thể người lãnh đạo, ngay cả người đứng đầu chưa phải là những người tài nhất, nhưng phải là những người có đủ đức độ và tài năng, với ý thức trách nhiệm cao trước nhân dân và sự công tâm để chọn lựa đúng và mạnh dạn dùng người tài, họ phải là những người "có tài dùng người tài", một phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo và quản lý.

Một trong những phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo, quản lý là "có tài dùng người tài".