Những dấu hiệu rõ nét từ thị trường
Niên vụ 2022-2023, trước điều kiện thời tiết bất lợi cùng các cuộc xung đột chính trị toàn cầu, giá đường thế giới ghi nhận đà tăng kỷ lục và kéo dài. Đỉnh điểm tháng 4/2023, giá đường thô thế giới ở mức 27,3 US Cent/pound, vượt đỉnh 10 năm. Diễn biến cùng chiều với giá đường thế giới, giá đường trong nước cũng tăng tỷ lệ thuận.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, xung đột chính trị kèm nhiều lý do vĩ mô khác đã đẩy giá lương thực, thực phẩm tại nhiều nước lên cao, xô đổ nhiều kỷ lục. Song song đó, liên tục các thông tin tiêu cực về lệnh cấm xuất khẩu từ các cường quốc mía đường, ngành đường nói chung và ngành sản xuất thực phẩm nói riêng đang đứng trước nhiều nguy cơ về thiếu hụt đường.
Hiện nay, các cường quốc sản xuất nông nghiệp tại châu Á đã hạn chế xuất khẩu bằng nhiều hình thức với lý do bảo vệ người tiêu dùng nội địa. Một trong số những hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của làn sóng bảo hộ lương thực, thực phẩm là đường với các quyết định hạn chế xuất khẩu từ các cường quốc sản xuất đường trên thế giới.
Tin liên quanBông, đường, cà phê đồng loạt tăng mạnh
Đầu tháng 8/2023, Chính phủ Ấn Độ ra thông báo dự kiến sẽ cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024, bắt đầu từ tháng 10/2023 - đây cũng là lệnh tạm dừng xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 7 năm qua tại Ấn Độ. Dự báo việc cường quốc mía đường là Ấn Độ cấm xuất khẩu đường sẽ khiến nguồn cung trên thế giới suy giảm đáng kể, từ đó đẩy thị trường vào một cú sốc cung mới, khiến giá hàng loạt loại lương thực, thực phẩm tăng lên theo.
Ghi nhận từ niên vụ 2022-2023, sản lượng đường trong nước chỉ đạt 871 nghìn tấn (theo số liệu VSSA). Trong khi đó, theo số liệu dự báo của USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - tháng 11/2022), ước tính sản lượng tiêu thụ đường Việt Nam năm 2023 đạt 2,389 triệu tấn, bình quân gần 200.000 tấn/tháng. Điều này có nghĩa sản lượng đường trong nước dự kiến sẽ chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023.
Dự báo sản lượng đường nhập khẩu chính ngạch trong năm 2023 dự kiến cũng chỉ đạt khoảng 319.070 tấn đường. Như vậy, tính tổng lượng đường sản xuất trong nước và lượng đường dự kiến nhập khẩu chính ngạch cũng chỉ đạt xấp xỉ 1,19 triệu tấn đường. Con số này chỉ đáp ứng 50% mức nhu cầu tiêu thụ năm 2023 là 2,389 triệu tấn. Dựa vào các số liệu phân tích nêu trên, trong năm 2023, Việt Nam cần phải nhập khẩu thêm gần 1.199.000 tấn đường thì mới đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trong quá khứ, hệ quả từ việc thiếu hụt đường từng gây ra những tác động nặng nề đến hoạt động doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh lương thực cũng như nền kinh tế quốc gia. Cụ thể năm 2022, Philippines từng đối mặt với khủng hoảng thiếu hụt đường trầm trọng khi hãng Coca-Cola Beverage phải tạm ngừng hoạt động tại 4 trong số 19 nhà máy, tương đương khoảng 30%-40% dây chuyền sản xuất của công ty tại quốc gia này do thiếu nguồn cung cấp đường tinh luyện để sản xuất nước giải khát.
Từ bài học khủng hoảng đường trên thế giới, tại Việt Nam dự báo trong Quý III và IV, sức ép thiếu hụt đường sẽ càng tăng khi ngành sản xuất thực phẩm chuẩn bị mùa cao điểm nhất trong năm nhằm phục vụ các lễ hội lớn như Tết Trung thu và Tết Nguyên đán, nhu cầu có thể tăng từ 20-30%.
Tuy không là quốc gia nhập khẩu đường thuộc top đầu thế giới, nhưng với sức ép ngày càng gia tăng về nhu cầu tiêu thụ đường, Việt Nam đang đứng trước những khó khăn nhất định khi lượng đường sản xuất trong nước không đủ đáp ứng đi kèm việc bổ sung nguồn cung từ nhập khẩu ngày càng khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giải pháp cấp bách dài hạn cho ngành mía đường
Văn phòng Chính phủ ngày 23/8/2023 có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét đề nghị của Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ nghiên cứu xem xét kiến nghị, bảo đảm nguồn cung đường cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo đó, các đơn vị sẽ báo cáo kết quả xử lý trong tháng 8.
Đây được xem là động thái mới nhất để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường nói riêng và ngành lương thực-thực phẩm Việt Nam nói chung.
Thực tế, nguồn đường thô nhập khẩu chỉ được sử dụng để bù đắp lượng thiếu hụt giữa cung cầu trong nước, không chiếm lĩnh thị phần hay gây thiệt hại cho các nhà sản xuất đường nội địa; đồng thời việc nhập khẩu đường thô còn giúp các nhà máy đường có đủ nguồn nguyên liệu tạo ra các sản phẩm chất lượng, đa dạng để phục vụ cho người tiêu dùng, tối ưu hóa hoạt động dây chuyền sản xuất trong khoảng thời gian thiếu hụt nguồn cung từ mía nguyên liệu.
Trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn đang đứng trước những lo ngại về lạm phát mạnh nhất trong hàng thập kỷ do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như mùa vụ, cung-cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, để tự chủ đảm bảo nguồn cung vững chắc cho thị trường, Việt Nam cần có những giải pháp dài hạn nhưng linh hoạt như phát triển vùng nguyên liệu, tăng cường sản xuất trong nước, đồng thời tận dụng nguồn cung đường từ các quốc gia khác để giảm bớt áp lực sản lượng đường sản xuất trong nước, giúp các các nhà máy có thêm nguồn đường luyện ngoài vụ, góp phần duy trì ổn định hoạt động sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.