Dấu ấn điều hành của Chính phủ

|

Năm 2015, theo đánh giá của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là “ánh sáng hiếm hoi” trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi và là một trong ba nền kinh tế hứa hẹn về tăng trưởng ở châu Á. Việt Nam đã có một năm thành công từ những nỗ lực điều hành của Chính phủ với tăng trưởng đạt 6,68%; lạm phát ở mức thấp; thị trường tiền tệ ổn định; môi trường kinh doanh được cải thiện, các hiệp định thương mại mới được ký kết giúp hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường thế giới...

Năm 2015, GDP tăng 6,68%. Đây là mức tăng cao nhất và lần đầu trong tám năm qua, vượt mức kế hoạch đặt ra là 6,2%. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là hơn 5.600 USD). Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP chiếm 82,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn 45%. Đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015, đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.

Điều cần nhấn mạnh, so bốn năm qua, tốc độ tăng GDP nhanh hơn tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội hằng năm, tức chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) và hiệu quả đầu tư xã hội chung đang được cải thiện tích cực. Cụ thể: Năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 31,2% GDP, trong khi tốc độ tăng GDP là 6,68%, so con số tương ứng năm 2014 là bằng 31% GDP và 5,98% GDP; năm 2013 là 30,4% GDP và 5,42% GDP; năm 2012 là 33,5% GDP và 5,03% GDP...

Để đạt được những kết quả trên, Chính phủ đã có nhiều quyết định kịp thời, hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhằm kích thích đầu tư, điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Mặt bằng lãi suất giảm nhưng huy động vốn vẫn tăng (đến ngày 21-12-2015, huy động vốn tăng 13,59% so cuối năm trước) tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các biện pháp giảm, giãn, miễn thuế, mở rộng thị trường nội địa; triển khai sâu rộng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… tạo ra cú huých quan trọng giúp các doanh nghiệp và nhân dân gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động và tạo thêm việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động.

Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo kích cầu đầu tư, tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, nông nghiệp, nông thôn, các công trình y tế, giáo dục, an sinh xã hội; tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài và vốn viện trợ phát triển.

Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thường xuyên làm việc với các tập đoàn, tổng công ty lớn; thực hiện giao ban trực tuyến với các địa phương về các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, ngăn chặn suy giảm, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại kỳ họp Chính phủ tháng 9-2015, quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn: Không được thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được, phải quyết liệt hơn nữa với các việc làm cụ thể, không chỉ trên giấy tờ mà trên cả thực tiễn, như ngành tài chính tập trung hơn nữa vào lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm; ngành tài nguyên và môi trường tập trung vào lĩnh vực đất đai…

Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 11-2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cam kết, Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2015, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt hơn 6,5%; và sẽ khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2016.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2015 chỉ tăng 0,02% so tháng trước. Và như vậy, cả năm CPI chỉ tăng 0,6%, mức thấp nhất trong 14 năm trở lại đây. Phó Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Đỗ Thị Ngọc cho biết, lạm phát chung và lạm phát cơ bản có xu hướng giảm dần và tiến tới ổn định, qua đó có thể nhìn rõ điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã linh hoạt và chủ động trong kiểm soát lạm phát. Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đã phù hợp hơn. Lạm phát cơ bản trong hai năm gần đây ở mức khoảng 2-3% là cân bằng để ổn định kinh tế.

Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động… nền kinh tế Việt Nam đang hình thành nên các yếu tố cơ bản của việc kiềm chế lạm phát một cách bền vững.

Kiểm soát nợ xấu tín dụng ở Việt Nam có cải thiện tích cực theo hướng cơ cấu và quy mô nợ xấu được nhận diện chính xác và đầy đủ hơn, giảm về tỷ lệ và gia tăng các biện pháp xử lý quyết liệt, toàn diện và mang tính thị trường hơn.

Trong tám tháng đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN mua lại ba ngân hàng với giá 0 đồng. Đó là Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại Dương; ba ngân hàng khác đã bị sáp nhập. Giải pháp này đã được các chuyên gia đánh giá là độc đáo và phù hợp thực tế, giúp “đánh chuột mà không vỡ bình” (thay được HĐQT yếu kém mà giữ được ngân hàng), góp phần ổn định toàn hệ thống.

Đặc biệt, việc Thủ tướng lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015” và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” được đánh giá là động thái tích cực để giải tỏa những vấn đề nóng của nợ xấu. Nhờ đó, dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011. Nợ xấu ngân hàng giảm còn khoảng 2,9% tổng dư nợ toàn ngành so mức hơn 17% năm 2011. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings, tháng 11-2015, công bố đánh giá tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ (IDRs) của Việt Nam ở mức BB- với triển vọng ổn định. Tổ chức này cũng đưa ra dự báo, thâm hụt ngân sách trong năm 2016 của Việt Nam sẽ là 5,4% GDP.

Năm 2015, môi trường và cơ hội kinh doanh ở Việt Nam có sự cải thiện đáng kể nhờ sự ấm trở lại của thị trường bất động sản, sức mua thị trường trong nước tăng và chi phí kinh doanh giảm nhẹ. Đặc biệt, hai nghị quyết cùng mang số 19, Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 đã được ban hành. Môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt. Tính riêng trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tiến hành nhiều giải pháp về cải cách hành chính thuế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ thuế điện tử. Thời gian nộp thuế giảm 370 giờ trong năm 2014 và 50 giờ trong năm 2015. Như vậy, tổng thời gian giảm đến nay là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế).

Nhiều tổ chức quốc tế đã ghi nhận những tiến triển này. Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng ba bậc cho Việt Nam về môi trường kinh doanh. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng xếp Việt Nam tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, có thể nói năm 2014 - 2015 là những năm có tính chất quan trọng, khởi động cho giai đoạn đột phá mới về thể chế. Nghị quyết 19 của Chính phủ được ban hành, Nghị quyết 32a về Chính phủ điện tử, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo tinh thần của Hiến pháp mới… là những điểm đột phá quan trọng, thể hiện tư duy mới, chương trình hành động tích cực trong cải cách thể chế của Chính phủ để tạo ra động lực mới cho nền kinh tế. Và có thể thấy rằng, cải cách thể chế và mở cửa thị trường đang trở thành hai động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế và khu vực kinh tế tư nhân.