Toàn diện, quyết liệt hơn trong thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

|

Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH), dù còn không ít thách thức “chờ đón” ở phía trước, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định các mục tiêu tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đề ra về cơ bản đã đạt được.

Bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD)

Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn tất với những kết quả khá khả quan. Sau 5 năm triển khai Đề án, số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM) đến nay đã giảm từ con số 42 NH (năm 2011) xuống còn 34 NH. Tính cả hệ thống các TCTD, cả nước hiện có 34 NHTM, 5 NH liên doanh và 9 NH 100% vốn nước ngoài. Sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD đã được duy trì và cải thiện cơ bản. Các NHTM yếu kém đã được kiểm soát, giảm dần và cơ cấu lại toàn diện.

Nợ xấu được xử lý một bước quan trọng và giữ ổn định ở mức dưới 3% theo đúng các giải pháp và mục tiêu tại Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31-5-2013. Tính đến cuối năm 2015, hệ thống các TCTD nói chung đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật. Lãi suất cho vay trung bình giảm từ 17,9%/năm trong năm 2011 xuống còn 9,08% năm 2015.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định. Tuy cuối năm 2016 có một số thời điểm thị trường tài chính quốc tế biến động, tác động tâm lý khiến tỷ giá trong nước tăng. Nhưng với việc từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, tức là cho phép tỷ giá biến động hằng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế, về cơ bản cung cầu ngoại tệ trong nước không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được các TCTD đáp ứng kịp thời và đầy đủ...

Quyết liệt xử lý dứt điểm nợ xấu

Nỗ lực tái cơ cấu của toàn hệ thống, đã đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức khoảng 17,2% tổng dư nợ vào tháng 9-2012 giảm về còn 2,62% tổng dư nợ (tính đến cuối tháng 9-2016). Cụ thể, báo cáo của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho thấy, từ năm 2013 đến hết tháng 9-2016, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua về 262 nghìn tỷ đồng nợ xấu (giá mua bằng 87% giá sổ sách; đã thu hồi được khoảng 35 nghìn tỷ đồng, khoảng 14% nợ mua về), tương đương khoảng 42,8% tổng nợ xấu. Các TCTD tự xử lý hơn 313 nghìn tỷ đồng (tương đương 57,2% tổng nợ xấu) bằng sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, bán tài sản bảo đảm, thu nợ và cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780.

Đến nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang trình Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020 gắn với việc xử lý nợ xấu và các văn bản liên quan. Theo đó, tập trung vào một số nội dung chính: Tiếp tục thực hiện toàn diện và quyết liệt hơn Đề án tái cơ cấu các TCTD, Đề án xử lý nợ xấu. Triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các TCTD theo mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống các TCTD đến năm 2020. Chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn trong xử lý dứt điểm nợ xấu theo lộ trình đề án mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội để có quyết sách toàn diện, hữu hiệu trong xử lý lượng nợ xấu đang tồn đọng, giải phóng nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh xử lý nợ xấu, công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng cũng được tăng cường, sớm có những cảnh báo, phát hiện kịp thời các sai phạm, đánh giá kết quả tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của từng ngân hàng,… để từ đó đưa ra các chỉ đạo, xử lý kịp thời và phù hợp.

Những kết quả đạt được của quá trình cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững, đi vào chiều sâu hơn của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo. Với sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của toàn hệ thống, kết quả cơ cấu lại các TCTD không những đạt được mục tiêu bảo vệ tốt nhất tiền, tài sản của Nhà nước, nhân dân, bảo đảm sự an toàn của hệ thống; mà còn có tác dụng hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường tài chính và đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô bền vững.