Tái cơ cấu để nâng cao sức cạnh tranh

|

Năm 2016 vừa qua, được coi là năm đột phá của ngành điện thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Bảo đảm nguồn, lưới điện, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với đồng chí DƯƠNG QUANG THÀNH, Đại biểu Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ảnh bên).

PV: Thưa đồng chí, một năm nỗ lực của toàn Tập đoàn để giành những kết quả hết sức ấn tượng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - ngành điện đã đáp ứng mọi yêu cầu của nền kinh tế và xã hội. Đồng chí tâm đắc nhất thành tích gì mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đạt được trong năm 2016?

Đồng chí Dương Quang Thành: Có được thành công trong năm 2016 là sự đóng góp của đội ngũ CB-CNV toàn Tập đoàn. Trong thành tích chung đó, công tác tái cơ cấu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng tôi đã xác định rất rõ tái cơ cấu không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà là sự sống còn của Tập đoàn, EVN đã hoàn thành toàn bộ các nội dung của Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm của giai đoạn này là thoái vốn toàn bộ các lĩnh vực không phải ngành nghề sản xuất chính và giảm vốn tại 07/07 công ty cổ phần theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. EVN đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất chính và có thặng dư. Trên thực tế, EVN đã và đang bắt đầu phải cạnh tranh rất mạnh với những đối tác của mình. Thí dụ sản lượng điện của EVN hiện chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 46% trong tổng sản lượng sản xuất và mua. Tức hơn một nửa nhu cầu điện đã được các nhà đầu tư khác cung ứng. Tới đây, trong khâu phát điện, theo đề án tái cơ cấu, các Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 sẽ cổ phần hóa và sẽ cạnh tranh lẫn nhau.

Đối với các đơn vị thành viên, Tập đoàn đã kiên quyết chỉ đạo các Tổng công ty thoái vốn để giảm sở hữu chéo, thoái vốn tại tám công ty cổ phần (CTCP) mà các Tổng công ty không cần nắm giữ cổ phần, giá trị mệnh giá là 236,6 tỷ đồng, thu về 418,4 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực miền Bắc hoàn thành thoái vốn tại hai CTCP; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội hoàn thành thoái vốn tại CTCP Thủy điện miền Trung; Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh hoàn thành thoái vốn tại bốn CTCP; Tổng Công ty phát điện 1 hoàn thành thoái vốn tại CTCP Thủy điện miền Trung. Vì vậy, nếu không cải cách, tái cơ cấu, giảm giá thành, EVN sẽ phải đối diện thách thức rất lớn trong tương lai.

PV: EVN đã có nhiều giải pháp tái cơ cấu, nhưng cơ bản vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ như thoái vốn, cổ phần hóa. Đồng chí cho biết EVN có giải pháp nào trong tái cơ cấu?

Đồng chí Dương Quang Thành: EVN xác định việc tái cơ cấu sẽ tập trung trọng tâm về tổ chức và sở hữu và coi đây là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động và công khai minh bạch hơn nữa.

EVN đã lập các Trung tâm chăm sóc khách hàng tại các Tổng Công ty Điện lực và đến hết tháng 11-2016 đã tiếp nhận trên 2,2 triệu yêu cầu. Hơn 900 phòng giao dịch khách hàng đã được mở trên toàn quốc. EVN nghiêm túc nhìn nhận chất lượng điện cung cấp cho khách hàng ở nhiều nơi chưa thật sự tốt nên đã áp đặt cứng tiêu chí phải nâng cao chất lượng điện tới các đơn vị thành viên. Tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) trong năm 2016 còn 1.579 phút (khoảng 26,3 giờ), giảm 25,1% so với năm 2015. Tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 10,23 lần/khách hàng, giảm 23%. Tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 1,94 lần/khách hàng, giảm 4,35%... Trong điều kiện ở nước ta, mưa bão, lũ lụt thường xuyên cũng đã ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số SAIDI. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiên quyết kéo giảm thời gian mất điện xuống. Nhiều điện lực thậm chí đã triển khai sửa chữa sự cố không cắt điện...

PV: So với các nước trong khu vực, công nhân ngành điện quá đông nên năng suất lao động không cao. EVN đã làm gì để tăng năng suất lao động, góp phần giảm áp lực tăng giá điện, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Quang Thành: Đội ngũ công nhân ngành điện hiện nay phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc, từ vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng lưới phân phối cho đến ghi chỉ số công-tơ và chăm sóc khách hàng. Tiến tới, EVN sẽ tách bạch thực hiện khâu phân phối (như sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện...) và bộ phận làm chức năng bán lẻ (như đi ghi chỉ số công-tơ, thu tiền điện...). Điều này sẽ làm công khai minh bạch về chi phí và tiếp cận dần với thị trường bán buôn và bán lẻ cạnh tranh. Bên cạnh đó, các Tổng công ty điện lực đang triển khai đa dạng hóa các hình thức thu tiền điện theo phương châm cung cấp dịch vụ thu tiền mọi lúc, mọi nơi như: thu tại quầy, tại điểm thu tập trung, thu hộ giữa các điện lực, thu qua ngân hàng, bưu điện, thẻ ATM, Internet, SMS... Giải pháp này sẽ giảm dần hình thức thu tại nhà sử dụng nhân viên ngành điện, nhằm tăng năng suất lao động ngành điện.

Đối với khâu phát điện EVN cũng đã thí điểm thành lập các công ty cổ phần dịch vụ sửa chữa điện để sửa chữa, bảo dưỡng cho các nhà máy điện thay vì mỗi nhà máy có một bộ phận riêng. Tiến tới sẽ chuyển bộ phận từ các nhà máy thành một số đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng độc lập. Điều này sẽ giúp giảm nhân lực, bộ máy, giảm giá thành, tăng hiệu quả... Kết quả là đến hết năm 2016, năng suất lao động sản xuất, kinh doanh điện toàn EVN tăng 10,4% so với năm 2015 (đạt 1,74 triệu kW giờ/người), v.v.

Chúng tôi luôn xác định tái cơ cấu là một quá trình không thể không làm nhưng không thể chủ quan, duy ý chí. Nguyên tắc trong tái cơ cấu là vẫn phải bảo đảm cung cấp đủ điện, không ảnh hưởng xấu, không tăng thêm chi phí của dân và giảm phát sinh các đầu mối trung gian, chỉ có tái cơ cấu mới mang lại sức cạnh tranh cho Tập đoàn.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!