Khi ông bầu “bẻ lái”

|

“Có ai như tôi không? Trong vòng một tháng gả tới ba con gái đi lấy chồng, mà toàn chồng Tây!”. Câu đùa của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB bóng đá Hoàng Anh - Gia Lai, về việc “xuất khẩu” Công Phượng cùng Tuấn Anh sang Nhật Bản và Xuân Trường sang Hàn Quốc, bộc lộ khá nhiều ý vị. Đó là một niềm tự hào, dĩ nhiên, nhưng cũng còn cả những khía cạnh khuất lấp khác khi nhìn lại chuyện cũ trong năm mới.

Cùng với câu nói ấy, “bầu Đức” còn cao hứng hôn “cô dâu” Công Phượng, trong cái ngày “cô dâu” được chính thức tuyên bố sẽ về “nhà chồng”. Tất cả những điều đó làm bật lên một cảm giác, rằng ông đang rất vui mừng, sung sướng, tự hào, “hả hê”… với những thành quả mà lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện bóng đá Hoàng Anh - Gia Lai JMG mang lại. Và trong tương lai, nếu những lứa cầu thủ khóa 2, khóa 3 cũng thi nhau được đưa sang Nhật Bản, Hàn Quốc, niềm vui của ông sẽ còn “vỡ òa” đến đâu?

Để trả lời một cách tương đối đầy đủ, chính xác câu hỏi này, có lẽ nên trở lại thời điểm những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường… chuẩn bị “tốt nghiệp”. Lúc ấy, ông Đoàn Nguyên Đức bảo mục tiêu của mình là bán cầu thủ sang châu Âu, và thực tế thì tất cả cũng đều được đưa sang châu Âu “chào hàng”. Nhưng, rất nhanh, ông chủ tịch giàu tham vọng ấy chợt nhận ra những sản phẩm theo “công nghệ đào tạo Arsenal” ở Việt Nam của mình chưa đủ điều kiện hiện thực hóa giấc mơ ấy.

Thế là bắt đầu có sự chuyển hướng. Những gương mặt không thể “bán được cho châu Âu” được “đánh bóng” trong đội hình đội tuyển U.19 Việt Nam, rồi đội U.22 Hoàng Anh Gia Lai. Và mới nhất, dư luận còn thấy “bầu Đức” mặc cả với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), rằng: “Nếu chọn lứa cầu thủ này làm nòng cốt dự SEA Games năm 2017, tôi sẽ mang về những bản hợp đồng tài trợ giá cao”. Đấy là về chuyên môn, còn nhìn ở góc độ thương mại, sau khi không thể “sang châu Âu”, những cầu thủ như Công Phượng cũng đã được chọn làm quảng cáo cho nhãn hiệu này, nhãn hiệu kia. Trong tương lai, có lẽ điều này không tức thì chấm dứt. Nhìn nhận như vậy sẽ thấy, từ mục tiêu “sang châu Âu” đến chỗ “đánh bóng” trong mầu áo của các ĐT trẻ quốc gia, và cuối cùng là sang Nhật Bản và Hàn Quốc là một chuỗi “bẻ lái” của một ông bầu. Đó chắc chắn là những phương án phát sinh, sau khi phương án ban đầu phá sản.

Không chỉ vậy, năm ngoái, ông Đoàn Nguyên Đức còn khăng khăng về việc “nếu đã dùng phải dùng cả bộ, chứ tuyệt đối không xé lẻ”. Thế mới có chuyện ông đồng ý thanh lý hợp đồng với gần 20 cầu thủ, để đôn cả một “bộ trẻ” lên đội 1 Hoàng Anh - Gia Lai, với niềm tin rằng đội ngũ ấy có thể bay cao. Nhưng thực tế thật nghiệt ngã: Không những không thể thăng hoa ở “cuộc chơi người lớn”, “đám trẻ” này còn suýt nữa phải đối diện với cảm giác gục đầu xuống hạng. Đến lúc này thì Công Phượng, Tuấn Anh đã được “xé” sang Nhật Bản, và mỗi người lại được “xé” sang một đội bóng Nhật khác nhau. Xuân Trường được “xé” sang Hàn Quốc, và nếu còn cơ hội, chắc chắn những cầu thủ A, B, C khác cũng bị “xé” một cách riêng rẽ, đơn lẻ như vậy.

Thực ra, ngay cả những bậc đại tài trong bất cứ lĩnh vực nào cũng không thể chắc chắn rằng mọi chiến lược ban đầu của mình đều sẽ hanh thông. Thế nên, chuyện ông Đoàn Nguyên Đức thất bại với những ý tưởng xuất phát, về lứa cầu thủ “trình làng” của Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG, cũng là điều bình thường. Cái giỏi và cái lạ của “bầu Đức” là ông rất mau bẻ lái xoay bài, và rất biết phát ngôn để “làng bóng đá” cứ tưởng cú bẻ lái, xoay bài này là những bước đi đúng theo lộ trình đã được lên kế hoạch từ đầu.

Cần phải rạch ròi. Những gì ông Đoàn Nguyên Đức đã làm được cho CLB Hoàng Anh - Gia Lai nói riêng, cũng như cho bóng đá Việt Nam nói chung, là không thể phủ nhận. Bài bản và đầy tâm huyết, ông đã tạo nên được một thế hệ cầu thủ “đẹp” về nhiều khía cạnh, gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người hâm mộ. Thế nhưng, cũng vì vậy, những tính toán sai về chiến lược phát triển cũng nên được thừa nhận một cách sòng phẳng và chuyên nghiệp. Điều ấy, thực ra, cũng sẽ chẳng làm thay đổi được gì đối với tình cảm của người hâm mộ.

Đội bóng của ông là một hình mẫu. Hình mẫu ấy đã gặp trắc trở khi cố gắng đốt cháy giai đoạn. Và chuyện dùng các “tiểu xảo” để che lấp những khiếm khuyết này thậm chí có thể sẽ ảnh hưởng đến chính tính “hình mẫu” ấy, đặc biệt là trong giai đoạn “tìm đường mà đi” hiện tại của bóng đá cũng như cả nền thể thao Việt Nam.