Làm gì để phát triển Cảng Đà Nẵng?

|

Làm gì để phát triển Cảng Đà Nẵng?

Là tổ hợp cảng biển lớn nhất khu vực miền trung, Tây Nguyên; một cửa mở quan trọng hướng ra đại dương, nằm cuối tuyến đường Xuyên Á, càng ngày, Cảng Đà Nẵng càng có vai trò đặc biệt.

Trước hết là, về mặt kinh tế hệ thống cảng này không chỉ là một cảng tổng hợp, mà quan trọng hơn sẽ trở thành một trong số ít những cảng trung tâm, phục vụ  Chiến lược phát triển kinh tế biển, có tính chất chuyên dùng, để những loại tàu cỡ lớn chở container chở khách quốc tế xuất, nhập cảnh. Hệ thống cảng còn góp phần quá cảnh và trung chuyển hàng hóa cho các nước Lào, Thái-lan, Myanmar.

Với lợi thế cùng lúc có thể đón tàu sức chở lớn ở 10 bến;  Cảng Đà Nẵng đang hoạt động với công suất bình quân gần ba triệu tấn hàng hóa thông qua mỗi năm, doanh thu hằng năm hơn 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 người và khai thác được hệ thống cảng quanh năm...

Tuy nhiên, so với tiềm năng, nhu cầu phát triển và những yêu cầu mới đặt ra, thì lượng hàng chủ yếu vẫn là nhập khẩu. Trong khi đó, lẽ ra, với tốc độ, nhịp độ tăng trưởng kinh tế khu vực miền trung, Tây Nguyên, lượng hàng xuất khẩu thông qua Cảng Đà Nẵng phải lớn hơn nhiều. Điều này cho thấy ba điểm đáng lưu tâm.

Một là, sức sản xuất, lưu thông, khả năng kinh tế đối ngoại của khu vực này chưa phát triển nhanh.

Hai là, các cảng nước sâu khác, như Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Kỳ Hà (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) nằm gần Cảng Đà Nẵng, nên đang có sự cạnh tranh thị trường quyết liệt.

Ba là, khi lượng hàng hóa không đủ nhiều, phí vận tải vào Cảng Đà Nẵng sẽ tăng dần. Vì, phí này tính trên cơ sở đoạn đường phải đi trên biển, cộng với sức chở vốn có của tàu. Tàu lớn chở hàng đầy ắp cập cảng, nhưng khi ra đi, chỉ chở được từ 30 đến 50% tải trọng, thì phí vận tải tăng là điều dễ hiểu.

Như vậy, để khai thác lợi thế, tiềm năng của hệ thống Cảng Đà Nẵng, cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề.

Trước hết, có cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh; các doanh nghiệp khu vực miền trung nên chuyển mạnh sang hướng tập trung cho xuất khẩu và tự thân Cảng Đà Nẵng cũng cần tìm nhiều cách chủ động giảm chi phí kho, bãi...

Mặt khác, Cảng Đà Nẵng phải đổi mới chính mình, để kịp thích ứng với thời kỳ đẩy nhanh CNH, HĐH đất nước. Mô hình hoạt động kinh tế hiện nay của Cảng Đà Nẵng bắt đầu cho thấy dấu hiệu cồng kềnh, ít kích thích tính chủ động trong các đơn vị trực thuộc. Lãnh đạo Cảng Đà Nẵng, đang xây dựng phương án mới, để tổ chức lại bộ máy sản xuất - kinh doanh theo hướng Công ty TNHH một thành viên, dạng "Công ty mẹ - Công ty con". Trong đó, các công ty "con" từng bước được cổ phần hóa. Theo chúng tôi, đây là một phương án phù hợp, có trách nhiệm. 

Cảng Đà Nẵng cần giải quyết tốt hơn các mối quan hệ với các đơn vị liên quan, như Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Hoa tiêu, Cảnh sát biển... Bởi lẽ, tất cả các mối quan hệ ấy đều ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của Cảng Đà Nẵng.

Ngoài ra, cần có nguồn vốn để Cảng Đà Nẵng khoảng 2 năm phải được nạo vét luồng lạch một lần. Sớm tìm thêm những nguồn vốn mới, để triển khai giai đoạn II xây dựng Cảng Tiên Sa và để chuẩn bị những bước đi cụ thể cho Cụm cảng Liên Chiểu. Cảng cá Thọ Quang nên chuyển sang làm dịch vụ tổng hợp. Cần xây thêm một đê biển chắn sóng ở vùng Cảng Tiên Sa. Hiệu quả của cầu cảng - đê chắn sóng dài 450 m đã làm cho việc bốc xếp hàng tiến hành trong điều kiện sóng gió cấp 7 là một thành công. Vấn đề là, khi vốn đầu tư ít, cần chọn đúng địa chỉ, lựa chọn bước đi để đầu tư phát huy hiệu quả ngay. Khi giải quyết được những vấn đề cấp bách thì Cảng Đà Nẵng mới có thể khai thác tốt các tiềm năng.

Cần hợp tác hiệu quả hơn

Cảng Đà Nẵng đang đồng thời phải giải quyết cả năm việc lớn: Hoàn thiện thật nhanh cơ sở hạ tầng; đầu tư chiều sâu, phát triển các trang thiết bị hiện đại; ứng dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000 vào các hoạt động dịch vụ ở cảng; đào tạo và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; tổ chức lại bộ máy sản xuất, điều hành. Nhưng khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể còn yếu về cách thức tổ chức, để biến những ý tưởng tốt đẹp thành thực tế. Từ năm 1993, Cảng Đà Nẵng đã có mối quan hệ hợp tác với Cảng Kawasaki (Nhật Bản), giữa năm 2006 đã đặt quan hệ bước đầu với Cảng Ốc-len (Hoa Kỳ), nhưng xem ra khả năng tranh thủ sự giúp đỡ từ phía đối tác còn hạn chế.  Mỗi năm chỉ cử được vài người sang học hỏi kinh nghiệm ngắn hạn, thì biết bao giờ có đủ số cán bộ quản lý cảng hiện đại, ngang tầm quốc tế?

Khả năng liên kết, hợp tác từ trong nước, với các tập đoàn kinh tế mạnh, để cùng phát triển và khai thác Cảng Đà Nẵng cũng không phải không có cơ hội. Cảng Đà Nẵng nên chủ động bắt tay ngay với các đối tác tiềm năng là các tập đoàn kinh tế lớn. Khi có phương án khả thi, đôi bên cùng hưởng lợi.

Trong hợp tác quốc tế, Cảng Đà Nẵng không nên chỉ bó gọn trong một số cảng lớn nhất định, mà cần đa dạng hóa các mối quan hệ với các đối tác khác. Chiến lược liên kết, phát triển kinh tế khu vực miền trung và liên kết quốc tế trong khu vực đã rõ, đã đến lúc Cảng Đà Nẵng và các cảng lớn liền kề cần ngồi với nhau, đặt lên bàn các vấn đề vướng mắc để phân định lại chức năng, chia sẻ thị phần nội địa hợp lý, cụ thể hơn.

Mọi liên kết, hợp tác đều phải thiết thực, cụ thể, theo nguyên tắc, cùng có lợi mới mong đạt hiệu quả cao. Cần khai thác hệ thống cảng biển trong khu vực theo hướng chuyên biệt hóa từng cụm cảng, từng cảng biển, chấm dứt những cạnh tranh thiếu lành mạnh, đang tự làm yếu lẫn nhau giữa các cảng, trong đó có Cảng Đà Nẵng.

Những năm qua Cảng Đà Nẵng đã có những cố gắng, nỗ lực đáng ghi nhận. Song, cần nhìn thẳng vào sự thật, nêu rõ những vướng mắc, với mong muốn Cảng Đà Nẵng ngày càng phát triển nhanh, vững mạnh.