Chuyện về một cán bộ thời dựng Đảng

|

NDO - Ô Chợ Dừa - một chấm nhỏ trên bản đồ của kinh thành Thăng Long xưa nay đã trở thành nút giao thông trọng điểm nối các tuyến đường huyết mạch của thành phố. Không mấy ai biết, trên ngã tư được mở rộng thênh thang, đã từng có ngôi nhà số 8 Ô Chợ Dừa gắn với tên tuổi một trong những đảng viên xuất sắc đã sống và hoạt động trong những tháng năm dựng Đảng, đồng chí Mai Lập Đôn (1898-1946).

Trong chiều đông mưa lạnh buốt cuối năm ở con ngõ nhỏ gần hồ Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, bà Mai Ngọc Kim và ông Mai Hùng, những người con của đồng chí Mai Lập Đôn (ảnh nhỏ), giờ đã ở tuổi bát tuần, giở lại những trang giấy đã ố vàng và kỷ vật của gia đình cho tôi xem. Bà Kim bồi hồi nhớ lại: “Cha tôi học chữ Nho từ ông nội tôi - ông Mai Lập Giáo, từ quê Thạch Giản (Thanh Hóa) ra phố Mã Vĩ lập nghiệp. Ông Nguyễn Công Thu, người từ lớp huấn luyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu về Hà Nội, giác ngộ cách mạng từ năm 1926. Ông bàn với mẹ tôi rời quê ở Thanh Liệt (Thanh Trì) ra Hà Nội thuê nhà số 8 Ô Chợ Dừa để thuận lợi cho hoạt động. Sau ngày hòa bình, tôi có trở lại chốn cũ, vẫn thấy ngôi nhà ở đó”. Bà ngậm ngùi tìm cả tấm ảnh có số tù ở Côn Đảo 3.852 của người cha thân yêu và bằng Tổ quốc ghi công; và ký ức mà bà đã ghi sâu trong tâm khảm chợt bừng lên: Bà ngoại tôi mất sớm; nên việc bán hàng diêm, thuốc, nước trước cửa nhà, cha tôi giao cho em gái, bà Mai Ngọc Thuyết. Từ khi cô đi hoạt động cách mạng, lấy tên là Mai Thị Vũ Trang thì mẹ tôi tiếp tục bày bán hàng nước để che mắt địch. Các ông đến hội họp, đóng vai khách hàng đến uống nước, hút thuốc…, mẹ tôi quan sát chung quanh, thấy “an toàn” mới cho các ông vào nhà. Cũng có hôm mẹ tôi bày cỗ đánh tổ tôm để các ông hội họp. Lúc này, gia tộc họ Mai chúng tôi có ba người tham gia cách mạng: cha tôi, cô Mai Thị Vũ Trang và chị Nguyễn Thị Nhâm, con của bác gái tôi, bà Mai Thị Sính.

Từ số nhà 8 Ô Chợ Dừa, đồng chí Mai Lập Đôn đến các hộp thư bí mật ở hiệu cắt tóc Bối Thịnh số 5 Ô Chợ Dừa, Ga Hà Nội, khách sạn Nam Lai ở 95 Hàng Lọng (nay là đường Giải Phóng)… để chuyển tài liệu và liên lạc với các đồng chí cán bộ đang hoạt động ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Tham quan di tích nhà số 5D Hàm Long.

Là một trong 11 đồng chí tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (VNCMTN) cuối năm 1926, sau đó là Ủy viên Kỳ bộ VNCMTN (1927), đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Thanh niên ở các tỉnh Bắc Kỳ và phong trào vô sản hóa, đi thực tế ở các nhà máy, xí nghiệp để giác ngộ công nhân. Tháng 4-1929, Tỉnh bộ VNCMTN của Hà Nội tổ chức Đại hội dưới hình thức một đám cưới. Khoảng 20 người đến dự đám cưới đã bàn những vấn đề hệ trọng đối với cách mạng Hà Nội: đưa hội viên đi vô sản hóa ở các tỉnh, thành phố. Đại hội bầu Ban chấp hành mới của Tỉnh bộ VNCMTN Hà Nội, trong đó đồng chí Mai Lập Đôn là ủy viên.

Mùa thu năm 1929, đồng chí Khuất Duy Tiến và anh em đồng chí Mai Lập Đôn, Mai Thị Vũ Trang đi vô sản hóa ở Nhà máy dệt Nam Định. Đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1929), đồng chí bị địch bắt khi đang đi rải truyền đơn. Ngày 9-8-1930, hội đồng đề hình của thực dân đã kết án Mai Lập Đôn khổ sai chung thân, đày đi Côn Đảo. Kỷ vật của đồng chí để lại cho vợ là chiếc khăn tay đã được thêu trong tù với câu thơ đằm thắm tình nghĩa vợ chồng: “Từ đây góc bể chân trời/ Biết bao giờ lại nối lời nước non”.

Năm 1936, đồng chí Mai Lập Đôn và một số tù chính trị từ Côn Đảo về Hà Nội, nhưng vẫn bị Pháp quản thúc. Để tránh mắt cú vọ của mật thám Pháp, đồng chí thuê tạm căn nhà ở Thái Hà ấp. Mặc cho căn bệnh ho lao hành hạ, đồng chí vẫn liên lạc với nhóm hoạt động báo chí công khai - các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến… và bí mật hoạt động cho Đảng. Nhưng di chứng của những trận đòn thù ở Côn Đảo ngày càng làm cho sức khỏe đồng chí bị suy kiệt nhanh. Ngày 9-2-1946, đồng chí Mai Lập Đôn qua đời ở tuổi 49. Nhớ người đồng chí đã từng kề vai sát cánh với mình, sau ngày Hà Nội được giải phóng (1954), Tổng Bí thư Trường Chinh đến thăm gia đình đồng chí Mai Lập Đôn và thắp nén hương thơm tưởng nhớ. Ngày 7-12-1989, sau 43 năm nằm ở quê vợ Thanh Liệt, lễ chuyển hài cốt đồng chí đến Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch được T.Ư Đảng và Thành ủy Hà Nội tổ chức trang trọng. Ngày 7-3-2008, đồng chí được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Tên tuổi đồng chí Mai Lập Đôn và ngôi nhà số 8 Ô Chợ Dừa đã được ghi vào lịch sử Đảng trong những năm tháng đất nước đang chuyển mình theo xu thế mới của thời đại để tìm con đường cứu nước đúng đắn nhất. Thiết nghĩ, kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, thành phố Hà Nội nên gắn biển di tích cách mạng ghi dấu ngôi nhà số 8 Ô Chợ Dừa, nơi đồng chí Mai Lập Đôn ở và cũng là cơ sở cách mạng của Đảng ta.