Từ những mùa hoa

|

Mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang dạo gần đây rộ lên thu hút nhiều đoàn khách du lịch dưới xuôi lên ngắm. Người dân cũng dần quen với việc hễ có người lên hỏi đường là biết trả lời ngay chỗ nào có cây tam giác mạch.

Mùa mạch muộn

Tháng cuối năm, chúng tôi đến Hà Giang theo lời mời của hai cô giáo người Tuyên Quang đang dạy tại Trường tiểu học Lũng Hồ, Yên Minh. Cô giáo Hà Thị Liễu và Nguyễn Thị Yến cùng về dạy tại đây đã được ba năm. Cuối tuần nghỉ dạy, hai cô tranh thủ xuống chợ Quản Bạ sắm đồ. Ðường đi của các cô qua con đường có tên Ðường Thượng, nối từ tỉnh lộ 4C đoạn qua huyện Quản Bạ vắt ngang sang tận Yên Minh, mới làm xong năm 2010. Ðường mới nên đi lại đỡ vất vả hơn nhiều. Ven đường còn lẻ tẻ mấy thửa tam giác mạch trái vụ đang trổ hoa, thửa thì mới trổ hoa trắng tinh khôi, thửa đã vào cuối vụ cánh hoa mỏng mảnh trên thân cỏ đã rung rinh ngả mầu đỏ. Thông thường tam giác mạch nở rộ nhất vào giữa đến cuối tháng 11, khi ấy nườm nượp đoàn xe dưới xuôi chạy lên Hà Giang chỉ mong chụp được bức ảnh giữa ruộng hoa trắng trắng hồng hồng, cây hoa lạ vốn không có ở đồng bằng. Chúng tôi khen đường đi của các cô đẹp quá, nhưng cô Liễu, cô Yến không lấy làm đặc biệt, các cô cũng không biết tam giác mạch cũng được coi là một loại hoa. Với hai cô, hạt mạch đơn giản là loại hạt của bà con người Mông hay trồng, xay ra như bột mì để làm bánh, có khách quý lắm mới đem ra mời, chứ các cô giáo có xin ăn thử cũng chưa chắc đã được. Có một điều các cô biết, là người Mông trồng tam giác mạch là theo tập quán lâu đời không bỏ. Chứ cây mạch năng suất thấp, chưa kể hao hụt trong lúc thu hoạch nên từng ấy công lao động bỏ ra, người dân trồng mạch thu lại không được là bao.

Những năm trở lại đây, Hà Giang xây dựng vùng trọng điểm du lịch cao nguyên đá tại bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Ðồng Văn, Mèo Vạc. Mỗi huyện với đặc thù riêng sẽ xây dựng khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái… Cảnh sắc cao nguyên đá cũng cần được bảo tồn, trong đó tam giác mạch có thể được coi là một trong những cây lương thực đặc thù của Hà Giang, cần bảo vệ và phát triển. Nhiều huyện của Hà Giang đã khuyến khích bà con trồng cây tam giác mạch thâm canh tăng vụ, vừa có việc làm trong mùa đông nông nhàn, vừa tăng thu nhập, lấy nguyên liệu để nấu rượu. Huyện Ðồng Văn từ năm nay bắt đầu kêu gọi bà con trồng tam giác mạch đúng mùa, trồng ven quốc lộ, tỉnh lộ để thu hút khách tham quan du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị canh tác. Ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho rằng, muốn khách du lịch đến với Hà Giang thì cần nhiều cảnh quan đẹp thu hút như những ruộng tam giác mạch mấy năm gần đây. Hoa tam giác mạch trước đây là thứ cây bà con quăng hạt ra vùng đất trống, nay cần kêu gọi bà con trồng đúng vụ.

Tuy nhiên nếu tỉnh chỉ dừng ở mức kêu gọi, khuyến khích chứ không có hỗ trợ cho bà con là chưa đủ. Cô giáo Yến chia sẻ, như vậy khó thuyết phục bà con lắm. Cô bảo: “Người Kinh nói người Mông không hiểu hết đâu, khi nào họ thấy có người làm họ mới làm theo, nên muốn họ làm theo thì Nhà nước phải hỗ trợ, làm trước người dân làm theo. Nên chăng trong phần thu từ du lịch của tỉnh trích ra hỗ trợ vốn cho bà con, khi ấy họ mới tính làm việc lớn”. Làm việc lớn ở đây, tức là trồng mạch đại trà và tham gia đóng góp, bảo tồn làm du lịch.

Đến đồng hướng dương sớm

Mảnh ruộng tam giác mạch làm tôi nghĩ đến Khao Chin Lae, một vùng núi nằm ở thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Lopburi, phía đông bắc Thủ đô Bangkok, Thái-lan. Với khách du lịch, nơi đây nổi tiếng với những cánh đồng hoa hướng dương lớn nhất, rực rỡ nhất của đất Thái. Tìm đến Khao Chin Lae xem hoa chợt thấy rằng, khi mọi người đồng lòng làm một việc, ngay cả việc trồng cây sao cho đúng vụ cũng đem lại giá trị thặng dư đến bất ngờ.

Người nông dân Khao Chin Lae làm du lịch thu về lợi nhuận không kém bán hạt hướng dương. Kinh tế địa phương phát triển nhờ trồng hoa hướng dương lấy hạt ép dầu và hạt hướng dương rang hương liệu đóng gói để làm đồ ăn vặt. Người dân nơi đây tự hào sản xuất loại dầu và hạt hướng dương thượng hạng. Họ cũng nhận ra rằng, hướng dương không chỉ cho lợi nhuận từ dầu và hạt giống của nó, mà còn mang lại thu nhập lớn từ khách du lịch. Vì vậy, mỗi ruộng hướng dương được “quy hoạch” đâu ra đấy, khách đến chụp ảnh đông như đến chơi công viên. Có cả bãi để xe rộng rãi đủ chứa cả xe du lịch loại lớn. Khách được đi tham quan miễn phí, với điều kiện không ngắt hoa hay tuốt hạt. Lối vào chính còn có cả dãy quầy hàng bán đồ lưu niệm, hạt hướng dương đóng gói và đồ uống. Từng vườn hoa đều được đưa lên bản đồ du lịch của tỉnh Lopburi, chỉ cần tìm đến bất kỳ quầy thông tin du lịch đều có thể hỏi được đường đi tới cánh đồng hoa đang rộ nhất. Thậm chí các khách sạn, nhà khách trong vùng cũng tự chuẩn bị bản copy bản đồ chỉ đường tới đồng hoa.

Vào khoảng giữa tháng 12 tới tháng 1, những cánh đồng hướng dương Khao Chin Lae vào độ rộ nhất. Người chủ cánh đồng hoa ở Khao Chin Lae nói rằng, nếu đến sớm hơn mùa đó thì khách chỉ thấy một vài cánh đồng nở sớm, chứ chưa được chiêm ngưỡng toàn bộ thung lũng hoa. Bởi từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch, các chủ vườn đều đợi nhau thành một đợt. Vườn nào nở sớm thì vừa thiệt thòi vì chưa đến mùa du lịch, hạt thu hoạch được lại phải đem về bảo quản đợi thương lái đến thu gom. Thế nên, không ai dại gì mà trồng lẻ tẻ từng ruộng riêng, mà nhất loạt tất cả chủ vườn nhỏ ở Khao Chin Lae đều đồng lòng từ bao năm nay không ai phá quy tắc bất thành văn ấy, có thế mới hình thành khu du lịch hoa hướng dương Khao Chin Lae như bây giờ.

Một cánh đồng không làm nên Khao Chin Lae, mà là cả vùng cùng nhau trồng hướng dương, cả vùng cùng căn sao cho hoa rộ lên cùng một thời điểm đã làm nên ruộng hướng dương lớn nhất Thái-lan. Hy vọng tam giác mạch Hà Giang rồi một ngày cũng làm nên câu chuyện như vậy. Một ruộng hoa chưa đủ để làm nên điều gì, nhưng cả vùng hoa tam giác mạch sẽ tô điểm cho cao nguyên đá thành điểm đến mơ ước của khách lữ hành trong và ngoài nước.

Cánh đồng hoa hướng dương ở Khao Chin Lae.