Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km và vùng biển rộng hơn một triệu km2, cùng với hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của đất nước. Biển và vùng biển nước ta có tiềm năng rất lớn trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Thực tế những năm qua, bên cạnh những lợi ích kinh tế thu được về giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ, khai thác thủy hải sản, dầu khí... chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường. Biển đang bị ô nhiễm và suy thoái, đó là một thực tế. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, có nguyên nhân về công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống ô nhiễm môi trường biển chưa được quan tâm đúng mức, công tác quản lý chưa chặt chẽ.
Ðiều đáng nói là hệ thống pháp luật và quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường tuy đã có nhiều tiến bộ, song đến nay chúng ta vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào chứa đựng các quy định về bảo vệ môi trường biển. Chưa có một hệ thống các tiêu chuẩn về môi trường biển làm cơ sở để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về môi trường trên biển. Trong khi kinh phí đầu tư để mua sắm các trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng để kiểm tra, kiểm soát và tham gia công tác bảo vệ môi trường biển, nhất là trong công tác khắc phục sự cố tràn dầu, là rất lớn nhưng chưa đáp ứng đủ.
Mặt khác, trong công tác giám sát thi hành pháp luật trên biển, khi kiểm tra, kiểm soát đối với các đối tượng vi phạm thuộc các lĩnh vực hàng hải, nghề cá, vận chuyển hàng hóa..., thì bằng chứng, dấu hiệu vi phạm thường dễ xác định qua các giấy tờ, bằng lái, giấy phép kinh doanh và hàng hóa vận chuyển hiện có trên tàu. Nhưng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường biển như xả các chất thải dầu cặn, nước thải la canh có dẫn dầu; đổ rác và các chất thải độc hại khác, thì rất khó phát hiện và khó có được bằng chứng xác thực. Bởi vì đối tượng vi phạm thường lợi dụng đêm tối, khi không có tàu thuyền qua lại hoặc đang hành trình ngoài biển xa. Vì vậy việc phát hiện các hành vi vi phạm, thu thập các chứng cứ để chứng minh làm cơ sở pháp lý buộc đối tượng phải thừa nhận, là rất khó. Chính từ những lý do đó mà công tác bảo vệ môi trường biển thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển đặt ra cấp thiết, từ tình hình biên chế tổ chức, trang bị phương tiện và những đặc điểm có liên quan, chi phối hoạt động bảo vệ môi trường, thời gian qua, Cục Cảnh sát biển tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm: Bồi dưỡng, tập huấn về các văn bản pháp luật của Việt Nam và các Ðiều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong Cục. Nghiên cứu, soạn thảo các văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển. Tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật; đề xuất về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, trang bị cho ngành môi trường cảnh sát biển; lập kế hoạch, đề xuất mua sắm một số trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát. Phối hợp Cục Ðăng kiểm, Trường đại học Hàng hải thống kê các trang bị, phương tiện, số đầu tàu chở dầu hoạt động trên các tuyến, khu vực biển; đóng góp ý kiến về tổ chức lực lượng nòng cốt ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu. Tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn, xử lý các phương tiện gây ô nhiễm môi trường biển và các hành vi vi phạm trong nuôi trồng, khai thác thủy sản.
Ðến nay, đơn vị đã đầu tư mua sắm hai máy phân tích hàm lượng dầu HORBA OCMA-310, hai máy phân tích chất lượng nước và ba máy lấy mẫu dầu, nước. Soạn thảo hơn 40 trang tài liệu chuyên ngành về bảo vệ môi trường; huấn luyện cho gần 200 lượt người về Luật Bảo vệ môi trường, Công ước phòng, chống ô nhiễm biển từ tàu (Công ước MARPOL 73/78); tuyên truyền giáo dục cho hơn 300 lượt người dân làm ăn trên biển về bảo vệ môi trường biển; lắp đặt hàng trăm mét đường ống dẫn nước, trồng và chăm sóc hàng trăm cây bóng mát, cây ăn quả; xử lý hơn hai tấn rác thải. Các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và thực hiện các hoạt động gìn giữ môi trường. Các tàu đều chấp hành nghiêm nội quy, quy định về bảo vệ môi trường không để rò rỉ, xả chất thải dầu mỡ ra khu vực cảng, biển. Rác thải, chất thải đều được thu gom đưa lên bờ xử lý đúng nơi quy định.
Thời gian hoạt động tuy chưa nhiều, trong điều kiện còn khó khăn và bất cập của một đơn vị mới thành lập, nhưng những năm qua, Cục Cảnh sát biển đã nỗ lực, cố gắng, tích cực, chủ động khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển. Quán triệt nghiêm túc và triệt để chấp hành, triển khai kịp thời các chỉ thị, hướng dẫn, các quy định của cấp trên về công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng, đưa công tác này từng bước đi vào nền nếp, đạt hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng nêu cao ý thức trách nhiệm, kết hợp tốt nhiệm vụ tuần tra quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự, thực thi pháp luật trên biển với nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
TRƯƠNG VÂN TIỀN