Con gái trong nhà, đứa cả đứa út, từ tinh mơ mẹ khua dậy, quấn khăn độn áo vào cho thật ấm rồi đứa ôm, đứa bưng, đứa vác giúp mẹ hàng họ ra chợ. Mẹ gánh gồng phía trước, bầy con rồng rắn theo sau, sương còn giăng mờ ảo khắp nơi. Ra khỏi ngõ, đi vài bước là gặp ngay cô bác, mợ dì hàng xóm cũng quẩy hàng lên chợ, ngõ quê tinh sương rộn rã lời chào hỏi dạ thưa.
Sướng nhất là ra đến chợ, chọn được chỗ ngồi, giúp mẹ bày hàng, đấy là chuối xanh, cau non, trầu bó từng xấp chục lá một buộc cọng rơm vàng, dây hoa bảy mầu để trang trí phòng khách ban thờ, chổi rơm, gạo nếp, bỏng ngô, rau bí, rau thơm, gà trống mào đỏ chót, chân buộc dây chuối cột vào quang gánh… Xong việc, mẹ bảo con gái cả nom hàng, còn mẹ dẫn hai đứa em đi mua cho mấy hào bánh rán, mẹ cũng ăn vội một cái, uống vội ngụm chè xanh đương ấm ủ trong túi áo bông rồi bắt đầu tong tả quay lại hàng, đon đả mời chào. Nhớ mãi câu chào của các bà, các chị ngày ấy chợ quê: “Các bác mua thứ gì cho em ạ”. Hay “Mời bác mở hàng cho em may mắn”… Nghe thích lắm, vừa lịch sự, tế nhị vừa thân mật, ấm áp. Người lạ, người quen mua hay không cũng thấy mát ruột bởi câu mời.
Thú nhất là tranh thủ lúc mẹ bán hàng, các con dắt nhau đi xem chợ Tết. Ôi chao là đẹp, là hấp dẫn! Hàng đồ ăn trăm thứ quà bánh chè, cháo, kẹo mứt. Gói mứt hộp giấy xanh đỏ, vẽ rồng, vẽ hoa bắt mắt lắm, những hột mứt tròn như trứng chim, bọc hạt lạc rim đường, vỏ ngoài là bột gạo trắng tinh, cắn nghe sựt một cái, bột gạo tan ngọt lịm, lạc giòn bùi bùi. Mê ly luôn! Hàng câu đối, hoa Tết, chậu cảnh trưng xuân lúc nào cũng tấp nập người đến kẻ ra, ông đồ làng khăn đóng áo dài mầu đen ngồi xếp bằng trên manh chiếu hoa. Mài mực viết câu đối xuân cho bà con. Dưới nắng sớm khuôn mặt ông nhìn nghiêng đẹp phúc hậu. Lũ trẻ con xúm xít quanh ông chỉ trỏ, nghiêng ngó thích thú, khâm phục, các bà, các chị nâng niu đôi câu đối chưa ráo mực tàu đen nhánh ông đồ vừa trịnh trọng trao. Nhẹ nhàng đặt vào thúng, cúi đầu trả tiền, chào ông rồi mới đi.
Thích nhất đi chợ Tết được ngắm hàng quần áo. Hồi ấy quần áo không nhiều kiểu dáng, mẫu mã, sắc mầu như bây giờ, song một cái áo len cổ lọ hay một chiếc áo hoa đỏ hoa tím, một chiếc quần phăng nâu thôi cũng là ước ao. Mấy đứa nhỏ mẹ thường ưu tiên mua trước, chị lớn hơn dẫu thích lắm nhưng cũng không dám đòi hỏi vì tiền của mẹ nào dư dả. Cách một đôi Tết mới lại có một chiếc áo mới hay quần, mũ, dép, thế đã thấy hạnh phúc lắm rồi! Còn mẹ, chẳng Tết nào thấy mẹ sắm cho mình cái gì mới. Lúc nào cũng chiếc áo vải thô nâu hoặc đen, chiếc quần lụa, đôi dép nhựa hàn đi, hàn lại nhiều mối. Bao năm rồi cũng vẫn chiếc áo bông của cậu em bộ đội nghỉ phép mang về cho, mẹ mặc chỉ thấy toàn áo là áo vì dáng mẹ gầy gò và nhỏ quá. Hơn thì cũng chỉ là cái áo len mầu bã trầu sờn xù hết cổ và hai ống tay. Giờ thì năm nào bà cũng có dăm bộ con cái mua cho, nhưng chẳng chịu mặc, toàn cất để dành. Nhắc mãi, nói mãi mới đem ra mặc, qua Tết lại treo vào tủ. Bệnh của người một thời đói khổ.
Mỗi năm như thế, vào đêm giao thừa, khi mọi người đã lên giường cả, riêng mẹ lụi cụi vặn nhỏ hết đèn, lặng lẽ dọn dẹp gọn gàng mọi thứ, đốt thêm nén nhang, đứng nghiêm cẩn trước trang thờ một lúc rồi ra sân ngó mông lung.
Con gái biết mẹ ước gì, cầu gì và thương mẹ vô cùng…