Năm 2011, khi quyết định bỏ ra 180 tỷ đồng để Công ty NIVL của Ấn Độ sang nhượng lại “cánh đồng mẫu lớn” trồng mía rộng 1.500 ha, ông Tư Hợp bị cho là “liều lĩnh” vì những chủ đầu tư đi trước thực hiện các dự án trồng bắp, rồi trồng mía trên đất này đều thất bại, năng suất thấp, đất bỏ hoang nhiều. Ông lý giải: “Mình vốn là người yêu nông nghiệp, khi nhìn thấy đất đai bỏ hoang hóa, cỏ dại mọc đầy cả mấy trăm ha thì xót xa quá nên quyết định đầu tư”. Nhận được đất, ông nhanh chóng khai hoang, phục hóa đất. Xác định phải cơ giới hóa đồng bộ khâu sản xuất mới nâng cao được hiệu quả, ông mạnh dạn bỏ ra hàng chục tỷ đồng nhập khẩu máy cày, máy kéo, máy trồng mía tự động, máy bón phân và cả máy thu hoạch… Những chiếc máy trồng mía, thu hoạch mía nhập từ Australia, Mỹ có thể thay thế công làm việc khoảng 500-600 lao động. “Đất không phụ công người”, niên vụ đầu tiên (2012-2013), sản lượng mía thu hoạch đạt 86.000 tấn, năng suất 65 tấn/ha, tăng gấp ba lần năng suất của chủ đầu tư cũ, doanh thu đạt khoảng 80 tỷ đồng. Niên vụ, sản lượng mía tiếp tục tăng lên 90.000 tấn. Tất cả mía cây được bán cho nhà máy đường ở Tây Ninh.
Chưa thỏa mãn với kết quả này, ông Tư Hợp lại nghĩ: “Cơ giới hóa phải thực hiện đồng bộ chứ làm nửa vời thì không ăn thua”. Ông đang chuẩn bị đầu tư thêm cả trăm tỷ đồng để lắp đặt thiết bị tưới nước tự động lấy nước từ sông Vàm Cỏ tưới tiêu vườn mía và mua thiết bị làm đất bằng laser với mục tiêu nâng năng suất lên 100 tấn/ha, nâng chữ đường lên hơn 10 CCS. Trong kế hoạch của ông, để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín còn phải xây dựng một nhà máy chế biến đường hữu cơ để xuất khẩu đi Nhật Bản. Nhờ những kết quả ban đầu của dự án sản xuất mía của Công ty Hưng Thịnh, mà chính quyền địa phương, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cũng như lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn ứng dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất như các nước tiên tiến.
Dẫu biết rằng ông Tư Hợp vốn dĩ là nông dân trí thức, nhưng cách nghĩ, cách làm sáng tạo và hiệu quả của ông so những người đi trước càng khiến nhiều người tin rằng thành bại trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được quyết định bởi nhân tố con người. Vấn đề là làm sao có được nhiều người làm nông nghiệp như ông Tư Hợp trong điều kiện chỉ số phát triển con người ở khu vực nông thôn còn quá thấp, việc triển khai các mô hình NNCNC đạt hiệu quả không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Những băn khoăn này được hóa giải trong định hướng chiến lược của TP Hồ Chí Minh về xây dựng khu NNCNC đầu tiên trong lĩnh vực trồng trọt của thành phố tại huyện Củ Chi, đó là hướng đến nhiệm vụ ươm tạo con người làm NNCNC.
Ông Trần Phước Dũng, nguyên Trưởng ban quản lý Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh từ những ngày đầu, bộc bạch: “Dù có nhiều ý kiến đa chiều về mô hình khu NNCNC nhưng từ lúc xây dựng đề án, TP Hồ Chí Minh xác định cách làm của thành phố phải khác với những địa phương khác, khác với những vùng dùng quỹ đất rộng vài ngàn ha để làm NNCNC. Khu NNCNC thành phố không phải là nơi sản xuất mà phải giữ vai trò nghiên cứu, hỗ trợ, dẫn dắt, đào tạo, hướng dẫn và lan tỏa công nghệ. Để chuyển giao công nghệ ra bên ngoài, phải chú trọng khâu đào tạo ứng dụng. Nếu không làm được điều này thì Khu NNCNC sẽ không có ý nghĩa gì. Mình không thể lấy đất của nông dân để thay nông dân làm NNCNC mà mình phải đào tạo, hướng dẫn nông dân áp dụng hiệu quả những công nghệ tiên tiến trên mảnh đất của mình. Những doanh nghiệp hạt nhân trong khu sẽ góp phần phát triển mô hình sản xuất NNCNC ra bên ngoài thông qua hoạt động đào tạo, trình diễn”.
Nhằm phát triển nguồn lực ứng dụng NNCNC, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp NNCNC thuộc Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều việc, từ đào tạo kiến thức kinh doanh, kỹ năng ứng dụng NNCNC đến vai trò “bà đỡ” hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật, giúp doanh nghiệp tìm đầu ra của sản phẩm trong bước đầu khởi nghiệp. Trung bình mỗi năm, trung tâm này tổ chức khoảng 30-40 khóa đào tạo các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất rau sạch, sản xuất chế phẩm sinh học, sản xuất nấm dược liệu… Điều đặc biệt, có khoảng 50% số nông dân thuần chất tham gia đào tạo bài bản ở trung tâm. Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp NNCNC cho biết: “Các học viên này đến từ những vùng ngoại thành TP Hồ Chí Minh và ở cả miền trung, miền đông, miền Tây Nam Bộ. Sau khi có kiến thức kinh doanh, được chuyển giao công nghệ, họ áp dụng những mô hình nông nghiệp mới trên những cánh đồng trồng lúa, trồng rau truyền thống. Họ là những nhân tố góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị canh tác trên cùng đơn vị diện tích và làm giàu trên quê hương”.
Tổ chức ươm tạo nông dân ứng dụng NNCNC rõ ràng là một hướng đi đúng đắn giúp tạo ra nguồn lực con người thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thành bại ở con người
|