Sát cánh cùng ngư dân bám biển 

|

NDO - Trưa qua, 15-4, trong cái nắng chói chang của biển khơi trùng trùng sóng vỗ, xanh trời, xanh biển, chúng tôi theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ðoàn công tác Trung ương ra thăm huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ở cảng cá xã An Hải, thuyền cá của bà con đậu san sát, thuyền nào cũng cắm cờ Tổ quốc bay phần phật. Bà con ngư dân trong ngày hội chính vụ cá Nam càng thêm vui khi được Chủ tịch nước ra thăm, động viên. Với bản chất mộc mạc, ăn đầu sóng, nói ngọn gió, các ông Nguyễn Quốc Chinh, đại diện nghiệp  đoàn  nghề cá,  Lê  Khuân, ngư dân xã An Hải đã mở đầu cuộc đối thoại, theo gợi ý của Chủ tịch. Và sau đó là các ông Bùi Văn Phải, Nguyễn Thanh Lâm, Lê Văn Cương, đều là ngư dân của hai xã An Hải và An Vĩnh.

Các ý kiến phát biểu đều khẳng định các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con ngư dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức của thiên tai địch họa, tiếp tục duy trì nghề khai thác đánh bắt hải sản. Nhưng hệ thống cơ chế chính sách đó còn nhiều bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung để những người bám biển yên tâm mưu sinh và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi chăm chú lắng nghe ông Nguyễn Quốc Chinh, nói lên niềm tự hào kế tục truyền thống các đội hùng binh của Lý Sơn năm xưa, tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống từ nhiều đời nay tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp tàu của nước khác rượt đuổi, tịch thu tài sản. Có ngư dân trắng tay, nợ nần chồng chất sau mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ không có cá hoặc gặp rủi ro. Từ khi thành lập được nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân của xã không còn cảnh đơn lẻ làm ăn giữa trùng khơi mà đã cùng giúp nhau yên tâm bám biển, phòng tránh được nhiều bất trắc, kinh tế gia đình phát triển khá.

Sau hai năm hoạt động, nghiệp đoàn nghề cá đã cứu hộ, cứu nạn và trục vớt thành công 10 tàu gặp rủi ro trên biển. Các ý kiến phát biểu của ngư dân đều tha thiết đề nghị Nhà nước đưa lực lượng cứu hộ, cứu nạn và các cơ quan chức năng khác giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác nguồn lợi hải sản; có chính sách hỗ trợ bà con ngư dân khi bị nước khác bắt giữ trái phép. Cần có cơ chế chính sách mạnh mẽ, hấp dẫn hơn nữa, tạo điều kiện cho ngư dân mua sắm thiết bị liên lạc, phương tiện đánh bắt có công suất lớn để tiếp tục vươn khơi vì lợi ích của chính mình và cũng là bảo vệ ngư trường của đông đảo ngư dân nước ta. Nhà nước cần can thiệp mạnh tay đối với tình trạng tư thương ép giá, ép cấp các sản phẩm mà ngư dân phải vất vả vượt lên sóng to, gió cả làm ra...

Tôi chợt nhớ, cũng buổi chiều đầu tiên bắt đầu chuyến công tác dự Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng và khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, từ sân bay Ðà Nẵng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thẳng cảng Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành để gặp gỡ bà con ngư dân các xã Tam Quang, Tam Giang, Tam Hải, Tam Hòa, Tam Tiến. Không nghe lãnh đạo tỉnh, huyện báo cáo tình hình trước, người dân phát biểu ý kiến bổ sung, minh họa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ động đề nghị các ông Huỳnh Minh Cảnh, Phong Vĩnh Tiến, Lê Văn Trình, đại diện cho ngư dân ở các xã cùng "đối thoại bàn tròn" để hiểu hơn tình hình sản xuất, kinh doanh của bà con, các chính sách hỗ trợ khuyến ngư vào cuộc sống như thế nào; những gì còn yếu kém, bất cập cần được tháo gỡ trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành, nhất là cấp hoạch định chính sách. Tại cuộc gặp này, chúng tôi thấy bà con ngư dân tập trung đề xuất, kiến nghị với Ðảng, Nhà nước những vấn đề hết sức cụ thể như hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và thuyền viên hàng năm, tăng mức hỗ trợ nhiên liệu mỗi chuyến đi biển; hỗ trợ chuyển nghề; sắp xếp, tổ chức lại nghề cá ven bờ và trên sông; xây dựng chợ đầu mối thủy sản nhằm hạn chế tình trạng ép cấp, ép giá của đầu nậu...

Phát biểu ý kiến với bà con ngư dân ở cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) cũng như ở huyện Lý Sơn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ sự vui mừng và ghi nhận những cố gắng vượt bậc của bà con ngư dân, cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong việc duy trì và phát triển nghề cá, nhất là nghề đánh bắt xa bờ. Ðất nước còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức thì ngành hải sản càng chịu nhiều áp lực hơn các ngành khác. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta càng phải kiên quyết, kiên trì chăm lo phát triển nghề cá. Ðoàn kết là bài học làm nên thành công trong tất cả các lĩnh vực thì bài học đó lại đặc biệt cần thiết đối với bà con ngư dân. Chủ tịch nước thiết tha mong muốn bà con ngư dân đoàn kết hơn nữa trong việc huy động các nguồn lực mua bán, tăng cường thêm các phương tiện đánh bắt, thiết bị liên lạc, đoàn kết để giúp nhau vượt qua mọi hoạn nạn, rủi ro, bất trắc. Chăm lo thực hành tiết kiệm để từng người, từng nhà, mưu nghiệp lớn cho nghề cá.  Chủ tịch nước cũng ân cần căn dặn bà con: Giữa trùng khơi mênh mang, bà con ngư dân cần tôn trọng chủ quyền biển đảo của nước khác, đồng thời khi thấy công dân nước khác xâm phạm chủ quyền biển đảo, xâm phạm ngư trường của nước mình cần phải thông báo kịp thời và chính xác cho các cơ quan chức năng để ngăn chặn.

Ðến thăm và nói chuyện với Cảnh sát biển khu vực II, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành tích nổi bật của cán bộ, chiến sĩ trong đấu tranh chống buôn lậu trên biển. Ðây chính là hành động trực tiếp bảo vệ sản xuất trong nước, trong đó có quyền lợi chính đáng của bà con ngư dân. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên biển như Hải quân, Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển cần tham gia bảo đảm cho được mọi hoạt động bình thường của ngư dân nước ta theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.

Trước khi kết thúc chuyến công tác tại hai tỉnh miền trung, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ðoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn. Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy sản lượng đánh bắt cá của các địa phương, đơn vị đều tăng là do phương tiện đánh bắt có công suất lớn đã tăng lên rất nhiều. Ðiều đó cho thấy Chiến lược về biển đến năm 2020, đặc biệt là hệ thống các cơ chế chính sách khuyến ngư đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngày một cao hơn. 

Tuy vậy, tăng cường phương tiện đánh bắt xa bờ vẫn là vấn đề cấp thiết đòi hỏi các cấp, các ngành vào cuộc một cách đồng bộ. Giữa nhu cầu của ngư dân và sự đáp ứng của các cấp, các ngành còn khoảng cách rất lớn về tổ chức đánh bắt hải sản, cung ứng vật tư nguyên liệu, nhiên liệu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Vì vậy, các bộ, ngành cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với nghề cá sao cho thật phù hợp với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Ðặc biệt quan tâm chính sách hỗ trợ đối với ngư dân đánh bắt xa bờ khi gặp rủi ro, bất trắc. Ðồng thời nghiên cứu cách thức tổ chức hậu cần nghề cá, trước hết là ở các ngư trường trọng điểm, bảo đảm hài hòa lợi ích của người trực tiếp làm nghề cá và người làm hậu cần nghề cá.