Một thoáng Việt ở Sydney

|

Sydney (Australia) là thành phố du lịch và là nơi có nhiều bà con người Việt sinh sống.

Hóa ra cái quán cà-phê Lindt bé nhỏ giờ nổi tiếng một cách miễn cưỡng ấy, nằm ở phố Martin Place, là phố mà tôi đã hàng chục lần đi dạo ở khu Trung tâm Thương mại Sydney. Gần đấy có tháp Sydney Tower, được mệnh danh là “skywalk” nghĩa là đường lên trời, một trong những biểu tượng của thành phố. Cũng lại còn gần con phố thương mại lớn nhất George. Cách không xa là cầu cảng và Nhà hát con sò “Opera house”.

Cái thành phố ở nam bán cầu này có thời tiết khá lạ so những nơi tôi từng ghé chân qua: đón Giáng sinh và Tết Tây ở Sydney bao giờ cũng là cái nóng của mùa hè. Thành phố này chẳng bao giờ biết đến tuyết rơi. Có lẽ cái ấm áp của thành phố biển có sức cuốn hút bà con người Việt mình đến tụ cư. Lại còn có đặc điểm nữa là người xứ mình đi đâu cũng thích quây quần với nhau, tiện giúp nhau và còn để phát huy sở trường… nói tiếng Việt nữa! Tôi đã từng gặp nhiều người Việt lớn tuổi, xa nước đã vài chục năm mà cũng hầu như không nói được một câu tiếng Anh nào, vì có bao giờ nói đâu, vì mọi sinh hoạt, giao tiếp đều bằng tiếng mẹ đẻ giữa một cộng đồng từ chợ búa, làm ăn, buôn bán, tâm tình to nhỏ đều khép kín giữa người Việt với nhau mà thôi.

Thành phố Sydney gần đây hấp dẫn các quốc gia trong vùng châu Á-Thái Bình Dương còn bởi nền giáo dục tiên tiến nữa. Có mặt các trường học hàng đầu của Australia như Đại học Sydney, New South Wales, Kỹ thuật Sydney. Giáo dục cũng là một ngành kinh tế quan trọng của Sydney bên cạnh du lịch. Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây đã thu hút nhiều lưu học sinh Việt Nam sang học tập. Nơi đây cũng là nơi mà lưu học sinh dễ kiếm việc làm thêm hơn các nước khác. Chính phủ Australia cho phép vừa học vừa đi làm, mỗi giờ làm thêm tính ra cũng được khoảng 300-400 nghìn đồng tiền Việt. Điều đó cũng khác với lưu học sinh ở Mỹ, khó kiếm việc làm thêm và thu nhập cũng ít hơn.

Người Việt sống ở Sydney nhiều nhất Australia. Tôi đã đến cả ba nơi người Việt định cư ở vùng ven thành phố Sydney. Đó là Cabramatta, Bankstown và Marrickville. Trong đó, Cabramatta là nơi có đông người Việt nhất Australia. Vốn là một khu vực nửa tỉnh, nửa quê hẻo lánh, từ khi người Việt sang, nơi này trở nên sầm uất với nhiều cửa hàng, chợ búa hệt như một khu phố của các đô thị trong nước.

Qua câu chuyện với các gia đình người Việt Nam ở Sydney, tôi mới thấy được dẫu đi xa đất nước, nhưng họ vẫn hướng về quê hương. Không chỉ là chuyện dạy tiếng Việt cho thế hệ sinh ra trên đất Australia, mà còn là chuyện giữ được một số phong tục quê nhà, nhất là nhà nào cũng có nén hương và mâm cỗ cúng gia tiên vào dịp giao thừa Tết Nguyên đán. Có lẽ, hành trang của người Việt mang sang Australia còn đọng lại chính là tiếng Việt và phong tục thờ cúng.

Và còn nữa chứ? Đấy là chí tiến thủ, nghị lực vươn lên. Có một thế hệ lúc đầu đến Sydney bằng hai bàn tay trắng, phải đi làm ngày hai hoặc ba job (công việc), hay nhặt lon bia để bán làm nguyên liệu tái chế. Thế mà nuôi được con cái trưởng thành. Rồi thế hệ thứ hai, những giáo sư, bác sĩ, luật sư thành đạt trên đất Australia. Lớp người này cũng không quên được nước Việt, tiếng Việt và cái tục lệ cúng giao thừa ngày Tết.

Ấn tượng nhất với tôi là cái cổng chào dựng trong khu phố Cabramatta có hàng chữ Việt ở ngay vị trí cao nhất, bên cạnh những chữ nước khác. Đó là “Uống nước nhớ nguồn” và ở mặt kia cổng chào là chữ “Lá lành đùm lá rách”. Quanh khu cổng chào còn có các khối tượng gợi nhớ cảnh sắc quê nhà: tượng trâu và nghé, tượng lợn sề và năm con lợn con đang vây quanh. Đi nhiều nơi có bà con người Việt sinh sống ngoài nước, tôi thấy ở nơi đây là có được cái cổng chào và quần thể tượng đậm sắc thái cội nguồn đến thế!