“Thì thùng”... đua ngựa đầu xuân

|

“Thì Thùng” thoạt nghe cứ ngỡ thanh âm tiếng trống hội, nhưng đó lại là tên một địa danh, nơi hằng năm diễn ra hội thi độc đáo có một không hai ở các tỉnh miền trung - Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng, được tổ chức vào ngày mồng 9 Tết tại xã An Xuân, huyện Tuy An (Phú Yên) thu hút hàng vạn người xem…

Chẳng rõ hội đua ngựa ở đây có tự khi nào, người già trong làng Thành Xuân thì bảo trước thời Pháp thuộc đã thấy có. Rồi chiến tranh, bom đạn nên nhiều năm bị gián đoạn. Sau năm 1975 thống nhất đất nước, người dân trong xã tự phát khôi phục lại và cũng chỉ trong phạm vi đua tranh giữa các thôn trong xã vào dịp Tết Nguyên đán (ngày thi không cố định thường là diễn ra từ mồng 4 đến mồng 9 Tết). Ðến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng chính thức được ghi danh vào các lễ hội truyền thống của huyện, tỉnh và ngày thi cũng chính thức được ấn định vào ngày mồng 9, tháng giêng hằng năm.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Võ Ngọc, một kỵ sĩ đã từng nhiều lần đoạt giải quán quân Hội đua ngựa Gò Thì Thùng ở thôn Thành Xuân, say sưa: Ngựa gắn bó với người dân nơi đây như con voi với đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ngựa ở vùng cao An Xuân giữ vị trí quan trọng trong sản xuất và đời sống sinh hoạt. Ngựa là thành viên thân thương trong mỗi gia đình. Hiện nay cả xã có khoảng 25 con. Ðể phát triển đàn ngựa, xã được trên cấp cho hai con ngựa đực giống (ba năm tuổi). Ông Ngọc nhận nuôi một con, còn con kia giao cho ông trưởng thôn Võ Chín… Ông Ngọc bảo, tuy không phải chuyên nghiệp nhưng hằng năm, từ đầu tháng chạp, việc chuẩn bị cho đua ngựa đã được tiến hành. Và cũng khá là dày công huấn luyện cho ngựa, từ ngựa tham gia diễu hành đến ngựa đua. Ông Ngọc tham gia đua ngựa từ năm 1982 và ngay lần đầu tiên ấy, ông đã “ẵm” giải nhất. Nay khi đã vào tuổi 60, ông bảo, giờ không tham gia đua nữa mà truyền dạy lại kinh nghiệm cho các nài trẻ, nhất là về các kỹ thuật “bo cua”, ra roi, gò chân, thúc chân…

Lạ là Hội đua ngựa Gò Thì Thùng chỉ có ngựa cái tham gia. Hỏi ra thì thể lệ không cấm ngựa đực, trước đó có ngựa đực dự thi nhưng không hiểu sao, chúng chỉ “thích” chạy sau ngựa cái và quyết nhường cho “phái yếu”. Nên về sau, các nài dự thi chẳng dại cho ngựa đực tham chiến. Không chuyên nghiệp nên hội đua ngựa này luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ thú vị. Có “chị” ngựa cái chỉ chạy một vòng rồi thôi; có “chị” hung hăng hất tung kỵ sĩ xuống đất; lại có “chị” đang chạy bỗng rẽ ngoặt vào bên lề phía nơi những chàng ngựa đang… ung dung gặm cỏ… Nhưng không sao, nhiều pha tranh tài đẹp mắt diễn ra trong tiếng reo hò cổ vũ nhất loạt của hàng nghìn người xem…

Ðây chính là hội thi của những chàng “kỵ sĩ chân đất” chính hiệu. Bởi họ sinh ra và lớn lên bên ngựa, gắn bó với chúng từ tuổi ấu thơ… Và chính sự dân dã, nguyên sơ, vừa có những pha hài hước, vừa đầy chất kịch tính đã khiến Hội đua ngựa Gò Thì Thùng mang đầy đủ nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo của người dân nơi đây sau một năm lao động vất vả.

Theo ông Lê Cao Bằng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin UBND huyện Tuy An, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng ngày càng thu hút người dân. Trước ngày hội đua, người dân nhiều nơi trong huyện, tỉnh đã đổ về An Xuân. Trước đó một ngày, tại trường đua diễn ra các trò chơi dân gian và thi đấu bóng chuyền bóng đá; tối thi văn nghệ. Huyện đang có kế hoạch mở rộng quy mô đua, ngoài năm xã của huyện, sẽ mời thêm một số địa phương các tỉnh trong khu vực có truyền thống nuôi ngựa.