Thơ của những xuân thì

|

Nguyễn Hồng là một cái tên dường như đã quen trong đời sống văn học hiện thời. Chị khá chắc tay trong nhiều thể loại: truyện ngắn, tản văn, thơ. Riêng với thơ, chị đã cho in tập “Ví dụ anh” (2016), và đã đăng rải rác khá nhiều bài thơ lẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một dáng vóc thơ dần được định hình...

Về cơ bản, nguồn thi cảm của Nguyễn Hồng được khởi lên từ hai mạch chính: những nỗi niềm yêu thương tổ ấm gia đình và những xôn xaoyêu đương tình tứ. Có một người cha trong lúc còn sống và cả khi đã khuất vẫn không thôi làm trái tim tác giả nhớ thương cắt cứa. Tổ ấm nhỏ với một nửa kia của đờimình cùng những đứa con mang gương mặt hạnh phúc. Nơi đây, chủ thể trữ tình trong những vai khác nhau, khi làm con, lúc làm vợ,làm mẹ cất tiếng với biết bao yêu thương, tình nghĩa.

Ở phía khác, con tim thiếu phụ này cũng nhiều khi trở gió. Một chút lãng đãng. Một chút cầm chừng. Chỉ như trạng thái yêu chứ không phải là một quan hệ yêu trên thực tế. Nên thơ tình của người thơ này như giăng mắc, như gió lạc, mưa chợt, lắm khi tinh nghịch: “Gió đa tình tố cáo em nông nổi”... Rất may, ở trong cõi yêu, người thơnày ít vấp váp, đổ vỡ, điều mà không ai muốn lâm vào. Thơ Nguyễn Hồng cho thấy có một người thơ như thế.

Từ căn nhà mình đi ra với cuộc đời, cả hai, không thể nói phía nào nặng hơn phía nào. Như những dấu chỉ xác nhận thơ Nguyễn Hồng là thơ của một tâm hồn nồng nã tính nữ, một thiên tính nữ như thể được trời trao và một “nhân tính nữ” đã đượctrở thành.

Tất cả những điều vừa nói tới trên kia, người đọc không khó nhận ra trongcáchthức biểu đạt không giấu giếm ở mỗi bài thơ. Với thơ ca, suy cho cùng vẫn những tâm tình muôn thuở ấy thôi nhưng quan trọng là cần phải có nhữngcách biểu đạt riêng khác mang cá tính của người sáng tạo. Đây là chỗ vừa thử thách vừa vẫy gọi tàinăng của người cầm bút. Xét theo nghĩa này, Nguyễn Hồng đã có những cách nói khác lạ làm nên các câu thơ độc đáo.

Tung tăng mây gió tung tăng lá hoa/Tung tăng em tuổi xanh la đà/Thần tình ái trong đêm trở dạ/Va vào em mà anh sinh ra” (Trong đêm mùa thu)

Với câu thơ này cần thần ái tình trong dáng hình một hài đồng, cầm một cánh cung mang mũi tên. Nếu thần ái tình bắn mũi tên vào ai đó thì người ấy sẽ yêu người khác giới ngay khi gặp lần đầu tiên... Khi tri thức văn hóa này rơi vào tay nhà thơ đã sinh ra một câu thơ thật duyên dáng: “Va vào em mà sinh ra anh”. Thì ra tình yêu của em và anh như một định mệnh, chờ sẵn, vô phương kháng cự... Ngay sau khổ thơ này, tác giả thiết lập một tương quan: Khi con người ta đã có được tình yêu thì cũng chính là lúc báo hiệu cho sự khai tử của tinh thần lãng mạn được hiểu như một phẩm chất của tình yêu: “Từ đó gió thôi hát ca/Từ đó mây thôi la đà/Từ đó hình như trăng khóc/ Chú cuội già bỏ mặc gốc đa”.

Những câu thơ kết bài như thế làm cho thi phẩm có sức nặng của sự ngẫm ngợi. Đi theo mạch thơ này, Nguyễn Hồng đã có được những bài thơ chất chứa suy tư, đằm thắm nỗi mình trong mối cảm thông với nỗi người. Ở bài thơ “Ngày đàn bà”, dưới góc nhìn của nhà thơ, hóa ra những người đi mua hoa không chỉ để chọn hoa, mà đằng sau đó chính là để chọn người, chọn một nửa cho cuộc đời mình; thêm nữa, tinh thần “chọn lựa” ấy cũng là một quán xuyến thường trực và chính đáng trong suốt cuộc đời: “Trong mặc định hôm nay ngày đàn bà/ Đàn bà không chọn ngày cho họ”...

Theo thời gian, từ tập thơ đầu tiên cho đến những thi phẩm sau này, thơ Nguyễn Hồng đã bớt dần những trẻ trung tình tứ, cộng dần thêm vào những suy tư. Bỏ lại các câu thơ thiếu nữ để nhường chỗ cho những câu thơ thiếu phụ.

Trong sáng tạo thơ, có một ngón nghề mà những người thạo nghề rất quan tâm: phép lạ hóa. Lạ hóa trong ngôn từ, trong phát hiện và thiết lập tứ, trong hình ảnh, cấu trúc... Lạ hóa, tự nó chống lại những mô phỏng, lặp lại, quen tay, dấp dính người khác. Lạ hóa nếu thành công, thơ sẽ để lại dấu ấn trong ký ức bạn đọc, không bị lẫn.

Ở thơ Nguyễn Hồng, dễ bắt gặp không ít những nỗ lực tìm tòi như thế. Bài thơ “Ví dụ anh” cho thấy một biểu đạt khá mới, trẻ, hiện đại. Em đang trong cơn mưa chiều, hình dung có một phiên bản nháp, và em muốn điền các ví dụ tưởng tượng về anh vào đó... Chẳng qua là một nỗi nhớ, một khao khát, một ước gần. Thế nhưng nỗi nhớ được biểu đạt: “Ví dụ có anh rất thật/Và đêm ngực ấm môi mềm/Và em bồng bềnh cỏ ướt/Trăng nghiêng rớt phía êm đềm” thì là một trạng thái cảm xúc mang hình hài cụ thể, xuân thì, gợi cảm. Cách biểu đạt như vậy đã tạo nên một khác biệt, gây nhớ cho người đọc. Một bài thơ nên có một số khác biệt theo tinh thần nghệ thuật như thế. Nó từ chối những hơi hướng lặp lại, hoặc giông giống đâu đó đã từng. Lạ hóa để được là chính mình.

Con đường thơ của Nguyễn Hồng đang rộng dài phía trước. Những xuất hiện đầu tiên với số lượng không nhiều như thế được cho là có kỷ luật, không dễ dãi chạy theo số lượng. Sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng đi theo quy luật “quý hồ tinh”, lấy chất lượng làm đầu.

Lại nữa, người thơ này đang sở hữu một hồn thơ rất trẻ, hiểu theo nghĩa luôn bén nhạy với ngoại giới và nội giới, nhiều rung động, lắm xôn xao; nhờ đó nguồn thi cảm luôn được vun bồi, hàm chứa nhiều năng lượng. Đó là gì nếu không phải là thơ của những xuân thì!...

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Hồng

VÍ DỤ ANH

Chiều nhấn nhá vào em một phiên bản nháp buồn tênh
Một ngày mưa ướt phố
Một ngày em rối nhớ
Nguệch ngoạc mơ hồ những ví dụ về anh.

Ví dụ có anh rất thật
Và đêm ngực ấm môi mềm
Và em bồng bềnh cỏ ướt
Trắng nghiêng rớt phía êm đềm.

Ví dụ là ví dụ thôi
Không anh mắt phố vô hồn
Hiên đời co ro trú tạm
Tí tách là tí tách em.

Tí tách là tí tách ơi
Chiều buồn
Mưa nháp
Vậy thôi.

Minh họa | NGUYỄN MINH

TRONG ĐÊM MÙA THU

Em góp chuyện ngàn năm để kể cho anh
Ngoài kia là mây trắng
Xanh mơ màng những vệt vô ưu
Anh chưa sinh trong cõi tình nồng.

Em là gió giữa bao la cánh đồng.
Là hương ổi hương cau ủ nhựa
Quả thị thơm trong đêm mùa thu
Dịu dàng trưa đợi tiếng chim gù.

Tung tăng mây gió tung tăng lá hoa
Tung tăng em tuổi xanh la đà
Thần tình ái trong đêm trở dạ
Va vào em mà anh sinh ra.

Từ đó gió thôi hát ca
Từ đó mây thôi la đà
Từ đó hình như trăng khóc
Chú cuội già bỏ mặc gốc đa.