Làm giàu rừng cho muôn đời sau

|

Trồng cây, gây rừng, phục hồi, tái tạo, nâng cao chất lượng và giá trị của rừng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được nâng lên ở tầm cao mới. Giáo sư Phạm Văn Điển (ảnh bên), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã có cuộc trao đổi cùng Nhân Dân hằng tháng chung quanh chủ đề này.

Thưa GS, hơn 60 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào Tết trồng cây. Trong bối cảnh hiện nay, Tết trồng cây cũng như hoạt động trồng cây nói chung vẫn giữ nguyên tính thời sự và ngày càng có ý nghĩa mang tính chiến lược. Xin GS cho biết rõ hơn về hoạt động này?

Tết trồng cây do Bác Hồ kêu gọi ngày 28-11-1959. Đây là sáng kiến độc đáo và tầm nhìn vượt thời đại của Bác Hồ. Mối quan hệ mật thiết giữa rừng cây, con người và đất nước mãi mãi đi vào lòng người như một nhu cầu và khát vọng về cuộc sống thịnh vượng, giao hòa cùng thiên nhiên tươi đẹp.

Tết trồng cây đầu tiên đã được thực hiện vào ngày 11-1-1960 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Hai từ trồng cây và Tết trồng cây được Bác Hồ nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần trong các bài báo, bài phát biểu kể từ khi khởi phát phong trào đến khi Người đi xa. Điều đó thể hiện sự quan tâm, nung nấu và quyết liệt của Người, gieo mầm cho ý tưởng ngày nay vì một Việt Nam xanh. Tầm cao tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ công việc cụ thể trồng cây hay Tết trồng cây đã tỏa sáng thành tư tưởng lớn cho phát triển ngành lâm nghiệp Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng, thì rừng rất quý.

Theo lời dạy của Người, trồng cây đã trở thành hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học sâu rộng ở nước ta. Tỷ lệ che phủ của rừng Việt Nam đã được nâng lên từ mức đáy 27,2% năm 1993 lên 42% vào năm 2020 (bình quân của thế giới là 31%). Chuỗi lâm sản Việt Nam đã đi ra toàn cầu với giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 13,23 tỷ USD (năm 2001 là khoảng 200 triệu USD), trong khi 10,3 triệu ha rừng tự nhiên được bảo tồn, nguồn cung chủ yếu từ rừng trồng là rừng sản xuất (ba triệu ha, đáp ứng 76,4% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu). Thành quả ngày nay có nền tảng đậm nét của Tết trồng cây. Lời dạy của Bác Hồ (1959): "... Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục..." thật là sâu sắc.

Năm 2021 đánh dấu là năm đầu tiên của kế hoạch năm năm (2021-2025) triển khai nhiệm vụ. Thưa GS, trồng cây, gây rừng, bảo vệ và phát triển rừng hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức gì trong bối cảnh đô thị hóa cũng như các hoạt động tăng trưởng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ?

Khó khăn nhiều, thách thức cũng rất lớn, có thể khái quát thành bốn nhóm chính. Một là, nguồn lực cho phát triển rừng còn hạn chế. Đất lâm nghiệp cần có rừng che phủ thường phân bố ở nơi khó khăn, hiểm trở, bất lợi và ở nơi lực lượng dân cư có nhiều hạn chế, chất lượng nhân lực thấp hơn ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất khác. Hiện có hơn 25 triệu người có sinh kế liên quan đến rừng, trong đó có 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng ba triệu người nghèo, vốn sinh kế ít ỏi. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, chi phí vận chuyển cao cho nên nhiều khi, giá thành lâm sản cao hơn giá bán. Ngân sách đầu tư của Nhà nước cho bảo vệ và phát triển rừng còn eo hẹp, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu. Xã hội hóa lâm nghiệp cũng chưa phát triển mạnh. Doanh nghiệp đầu tư vào phát triển rừng và liên kết sản xuất với chủ rừng còn ít... Hai là, mô hình tăng trưởng và cơ cấu ngành chưa thật hợp lý. Giá trị gia tăng của chuỗi giá trị lâm sản chưa cao. Nguyên liệu đầu vào tiêu hao cho chế biến, xuất khẩu còn nhiều. Việc tích hợp và cộng hưởng giá trị trên một đơn vị diện tích rừng còn thấp. Cơ cấu loài cây, giống cây, sản phẩm, thể loại doanh nghiệp; cơ cấu thị trường, vốn đầu tư, lao động, v.v. chưa được tính toán kỹ. Ba là, tác động của các yếu tố bên ngoài đến bảo vệ và phát triển rừng chưa tích cực hoặc gây ra thách thức. Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết dị thường, cực đoan là một thách thức. Suy thoái đất cũng có nguy cơ. Theo mức độ, diện tích đất lâm nghiệp đã bị suy thoái, có dấu hiệu suy thoái và có nguy cơ suy thoái ước tính trên bốn triệu ha, chiếm hơn 40% diện tích đất có vấn đề ở Việt Nam. Nhiều nơi có nguy cơ xói mòn và giảm độ phì đất (Tây Bắc), khô hạn, sụt lún, sạt lở (Trung Bộ), nhiễm phèn, mặn, khô hạn, nứt nẻ (đồng bằng sông Cửu Long). Sức ép của phát triển kinh tế - xã hội hoặc của di dân làm rừng bị co hẹp về diện tích hoặc bị mất rừng theo kiểu mới, tức là mất trữ lượng, suy giảm chất lượng và đa dạng sinh học, cũng lớn. Bốn là, chưa có sự thống nhất cao về quy hoạch phát triển cây xanh, đất xanh, rừng cây giữa các ngành, như lâm nghiệp, thủy điện, du lịch, giao thông, xây dựng, quy hoạch dân cư. Quy hoạch thiếu sự ổn định và thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cũng như các mục đích phát triển của các ngành kinh tế khác của địa phương.

Theo Chiến lược đã đề ra, ngành lâm nghiệp định hướng duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42% và tập trung vào nâng cao chất lượng rừng. Ngành đã đưa ra những giải pháp nào, xét trên phương diện cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực cũng như những bước đi cụ thể nào để đạt được mục tiêu đề ra?

Giải pháp xuyên suốt, ngày càng đổi mới của ngành lâm nghiệp đã được nung nấu từ lâu là nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ hệ sinh thái rừng cũng như của các chuỗi giá trị lâm sản, lấy thị trường làm lực hút, lấy xã hội hóa, hội nhập hóa và khoa học công nghệ làm lực đẩy và lấy lợi ích, tương tác thân thiện giữa con người với rừng cây làm nền tảng phát triển lâu bền.

"Rừng nào, giải pháp ấy". Ngành đã căn cứ vào mục đích sử dụng và tình trạng của rừng để quản lý và sử dụng rừng hợp lý. Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004), Luật Lâm nghiệp (2017) cùng các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã đề cập cụ thể tiêu chí xác định rừng, phân chia rừng. Trên cơ sở định hướng mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể, sẽ xác lập các giải pháp bảo vệ, phát triển, quản lý rừng bền vững trên cơ sở phát huy các chức năng có lợi và các giá trị cốt lõi của từng loại rừng, từng khu rừng.

Giải pháp chủ đạo đối với rừng tự nhiên (10,3 triệu ha) là phát triển lâm nghiệp môi trường và lâm nghiệp bảo tồn có khai thác. Từ nay đến 2030, tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên (không khai thác lâm sản gỗ), đẩy mạnh chi trả, trao đổi, mua bán các giá trị dịch vụ môi trường rừng; xây dựng rừng cung cấp lâm sản ngoài gỗ, rừng cung cấp dược liệu; tích hợp và cộng hưởng giá trị nhiều mặt của rừng, bảo đảm vừa bảo vệ rừng, tăng trữ lượng cac-bon rừng gắn với nâng cao chức năng bảo vệ, phòng hộ và cải thiện sinh kế từ rừng. Đến năm 2025, 100% diện tích rừng tự nhiên được đo đếm, xác định bằng các tiêu chí quản lý rừng bền vững. Bên cạnh đó, đối với rừng trồng, cần bảo đảm tính bền vững và phát huy tốt các chức năng có lợi của nó. Trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ duy trì tính đa dạng sinh học và duy trì kết cấu gần với tự nhiên. Trồng rừng sản xuất đáp ứng tốt các mục tiêu kinh doanh, trong đó, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh việc đưa giống tốt vào sản xuất, thâm canh, cấp chứng chỉ rừng khoảng một triệu ha; phát triển rừng trồng gỗ lớn đạt tối thiểu 0,6 triệu ha vào năm 2025; huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp và trong nhân dân, áp dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ.

Một Nghị định tương đối toàn diện, đầy đủ về cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đang được xây dựng nhằm đạt được mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% kết hợp với nâng cao chất lượng rừng - mà bản chất là nâng cao sinh khối, giá trị và các chức năng có lợi của rừng, hứa hẹn sẽ góp phần không nhỏ trong nỗ lực nâng cao chất lượng rừng.

Được biết, tháng 10-2020, lần đầu tiên Việt Nam ký Thỏa thuận ERPA với Ngân hàng Thế giới trị giá hơn 50 triệu USD. GS có thể nói rõ hơn về sự kiện này?

Lượng phát thải ròng từ rừng ở vùng Bắc Trung Bộ ước đạt 26 triệu tấn trong giai đoạn 2018 - 2024, trước mắt Ngân hàng Thế giới mua 10,3 triệu tấn với đơn giá 5USD/tấn CO2e. Theo ERPA, sau khi kết thúc thỏa thuận, có tới 95% lượng mua bán (tương đương khoảng 9,8 triệu tấn CO2e) sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để sử dụng cho mục đích đóng góp do quốc gia tự quyết định (Việt Nam cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 9 - 27% vào năm 2030, tức là giảm 83,5 - 250,5 triệu tấn CO2e so với kịch bản phát thải thông thường là 927,9 triệu tấn CO2e). Điều này có nghĩa là, về cơ bản, "hàng hóa bán đi nhưng không mất". Ngoài ra, nếu khi đo đếm ở thời điểm 2020 hoặc 2022, khi đã có đủ hàng để bán (10,3 triệu tấn CO2e), ERPA có thể được kết thúc sớm, không phải đợi đến năm 2024. Thực tế cho thấy rằng, giai đoạn 2014 - 2018 ở vùng Bắc Trung Bộ, lượng tín chỉ cac-bon đã đạt xấp xỉ 10 triệu tấn/năm, mở ra cơ hội rút ngắn thời gian thực hiện ERPA.

Thực hiện ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung mới, tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng và người dân nông thôn. ERPA là một nền tảng quan trọng, tiên phong cho việc hình thành thị trường tín chỉ các-bon rừng trong nước và quốc tế có quy mô ngày càng mở rộng.

Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030 do Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được xây dựng trên cơ sở thành quả đạt được của Đề án 120 về bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020 trước đó. Xin GS cho biết những điểm mới, những thay đổi, điều chỉnh trong Đề án mới để phù hợp thực tiễn đời sống?

Đề án 120 thực hiện trong giai đoạn năm năm trong khi Đề án mới kéo dài 10 năm. Thời gian thực hiện dài hơn cho nên quy mô diện tích, phương thức phát triển rừng lớn hơn, đa dạng hơn. Đề án 120 tổ chức trồng rừng ven biển trên cả ba loại rừng (phòng hộ, đặc dụng và sản xuất). Đề án mới chú trọng trồng rừng phòng hộ, đặc dụng nhằm tạo hành lang xanh bảo vệ bờ biển, phát huy chức năng phòng hộ. Về giải pháp, đề án mới chú ý đến việc tích hợp và cộng hưởng giá trị trên đơn vị diện tích rừng, giảm thiểu xung đột trong quản lý, bảo vệ rừng, qua đó được kỳ vọng đạt hiệu quả như mong muốn.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH NHI (thực hiện)