Đi qua thời đồ nhựa

|

Để phân loại từng đoạn văn minh trôi dọc theo lịch sử, đã có thời người ta hay dùng cách đếm dựa vào chất liệu tạo tác ra các công cụ thường dùng trong sinh hoạt. Hoặc đó có thể là thời bình, hoặc đó có thể là thời chiến. Nhưng một khi mũi tên đã làm bằng đồng, chén để uống rượu cũng làm bằng đồng, thì đại loại sẽ xác định đấy là thời kỳ đồ đồng.

“Đồ đá cũ” hay “đồ đá mới” cũng vậy. Có lẽ vì thế, khi một loại chất dẻo đầu tiên dựa trên một polymer tổng hợp được Leo Hendrik Baekeland (người Mỹ gốc Bỉ) phát minh vào năm 1909, thì nhiều học giả hóm hỉnh coi đây là khởi thủy của một thời đại mới, “thời đồ nhựa”. Với những công năng hữu hiệu nhưng rẻ tiền, những sản phẩm nhựa đã nhanh chóng chiếm lĩnh mọi mặt của đời sống. Nó đặc biệt trở thành thời thượng khi sợi ni-lông tổng hợp ra đời vào khoảng thượng bán thế kỷ hai mươi. Và như đương nhiên, để tương thích với thời đại, một thế hệ quen sống với đồ nhựa cũng được khai sinh.

Ở đâu thì không biết, nhưng thời trang “kinh hoàng” nhất hồi bao cấp là quần áo “pha lon”, (chữ nôm na chỉ đồ mặc có pha ni-lông tùy theo những tỷ lệ phần trăm nhất định). Hoặc đấy là một cái sơ-mi trắng muốt, túi áo ngực lộ liễu để một tờ mười đồng rực rỡ đỏ có cài thêm một chiếc bút máy nắp vàng. Nó sành điệu được “bỏ thùng” vào một cái quần loe xám nhạt. Đây là thời trang hạng nhất, không chỉ là ước mơ của đám công tử phố “phủ” tỉnh lẻ , mà ngay cả đám con giai phố cổ Hà Nội cũng cả là nỗi khát khao. Chiều ngả hoàng hôn tim tím, chàng hùng dũng sột soạt bộ đồ “pha lon”, đầy tự tin đi kiếm tìm ái tình. Quanh nhà nàng, những kẻ cầu hôn đến trước mặc bộ đồ vải thô (bây giờ dân chơi thời thượng gọi là hàng cotton), choáng váng nhìn chàng.

Nhân đây cũng xin lan man về những tay chơi ở đất Hà thành, tất nhiên vào lúc hoàng kim của “thời đại đồ nhựa”, họ vẫn còn là những dân chơi trẻ. Hà Nội lừng tiếng là đất văn vật, nơi tụ địa của tài hoa tài tử nên đương nhiên sẽ có lắm tay chơi. Tay chơi thì phong khí khác dân chơi, bởi đa phần bọn họ đều đã là những trung niên tương đối dư dật lịch lãm, thậm chí có những người đã từng ở ngôi vị tôn quý. Những tay chơi lớn thì thường hiếm, nhưng thỉnh thoảng thời nào cũng có. Đơn cử đức ông Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chẳng hạn. Trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại chống quân xâm lược Nguyên-Mông, ông là một danh tướng can trường em ruột vua. Còn trong đời thường, ông khét tiếng là tay chơi cao nhã. Tương truyền, ông là người nghĩ ra nhiều vũ điệu cổ làm nền tảng cho các loại hình diễn xướng của người Việt sau này.

Những tay chơi gốc gác lâu đời ở Hà Nội mà tinh tế sành điệu, mà vừa khá giả vừa tinh tế thì thường hay say mê thích chơi một thứ gì đấy. Và hầu hết đều ghét những thứ đồ cầu kỳ được làm từ nhựa. Phần lớn bọn họ đều đẹp trai, phong độ uể oải kiêu bạc và khẩu ngữ thường kẻ cả trịch thượng. Khi miễn cưỡng phải nhắc đến một tay chơi nào đó mới nổi vừa sưu tầm được đồ lạ, thì bao giờ bọn họ cũng gọi là thằng, kể cả “thằng ấy” đã ngoài bảy mươi. Đại loại bọn họ khá thủy chung, cho dù trong nhà nhan nhản đủ loại đồ chơi thì thường bọn họ chỉ có một vợ, cùng lắm là thêm một người tình. Và không hiểu sao người tình đấy vừa đảm đang buôn bán lại vừa béo.

Những thứ họ chơi đều “quái chiêu”. Nó có thể rất đắt tiền như tranh, như đồ gốm cổ vật. Lại có thể rất bình dị như cái kính cái bút, như con tem quyển sách. Những thứ tạm gọi là tầm tầm ấy đương nhiên phải có vài nét độc đáo. Hoặc nó đã từng là đồ tùy thân của ai đó nổi tiếng, hoặc nó hằn đậm dấu ấn của một thời đáng nhớ. Ví như họa sĩ nhà văn Đỗ Phấn chẳng hạn, ông chuyên sưu tầm những đồng hồ và kính đã được dùng hồi bao cấp, cái khoảng thời gian ăm ắp nhiều kỷ niệm về một thời hoa niên. Vào giai đoạn tần tảo và kham khổ đó, những thứ này luôn có giá trị chót vót trên thị trường. Bởi chỉ mươi cái đồng hồ Nhật hay Liên Xô mà hôm nay chẳng ai thèm đeo vì nó xấu, thì ở lúc đấy có thể xấp xỉ đổi ngang một căn hộ nhỏ khu tập thể Kim Liên hay Trung Tự. Vậy tại sao những chiếc đồng hồ lòe loẹt mầu xanh đỏ được “đì zai” cục mịch này vẫn quyến rũ được những tay chơi “thời đại nhựa” không hẳn ưa hoài niệm. Câu trả lời thật đơn giản, nó chứa chan những vết xước xót xa của một thời mơ hồ hạnh phúc nửa vui nửa buồn. Có lẽ vào một buổi chiều cuối đông mưa phùn hiu hắt, ở một góc phố nào đó, cô bé người yêu của mối tình đầu đã nói lời chia tay rồi bỏ đi lấy chồng. Đó là một gã “nhà quê” thủy thủ tàu viễn dương đi xe máy Dream Thái, đeo đồng hồ KD Nhật xịn, và mắt sùm sụp cặp kính “cơn” (American) gọng nâu nhựa, hãnh diện trong một bộ đồ “pha lon”. Một kiểu thời trang mà hôm nay chỉ còn thấy ở những đàn ông vất vả lương thiện hành nghề xe ôm.

Hoài niệm “nhựa” bây giờ còn rất dễ thấy ở những cụ ngót nghét gần tám mươi. Đặc biệt là những cụ đã có thời gian dài đi làm cán bộ công nhân viên chức nhà nước. Quanh giường nằm của các cụ là mênh mông những chai nhựa, túi ni-lông, dép nhựa, đặc biệt là những đôi guốc nhựa đã đứt quai. Bởi ở những ngày xa xưa bần bạch, đó là những thứ lóng lánh một mầu xa xỉ. Đám con cháu trẻ ngày nay lúc dọn giường tủ cho ông bà, nhiều đứa phát điên vì mấy cái lẩm cẩm đấy. Chúng thẳng tay vứt ra sọt rác. Và suốt cả đêm, các cụ trằn trọc dấm dứt tủi thân khóc vì tiếc. Nồng độ xót xa có khi còn hơn một cô người mẫu bị mất cái túi xách hàng hiệu mà mình đã quen dùng.

Đương nhiên ở hôm nay, đồ gia dụng nhựa đã và đang lộ ra vô số khuyết điểm. Không những ở các nước văn minh mà ngay ở các nước chậm phát triển, mọi loại rác thải từ nhựa được nghiêm túc bị coi là thảm họa. Theo các số liệu thống kê xã hội học, thì chưa có một sản phẩm thường dùng nhân tạo nào lại hủy hoại môi trường dữ dội như nó. Không phải ngẫu nhiên mà slogan “nói không với túi ni-lông” ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng có điều cần phải công bằng, thói quen sử dụng thái quá đồ nhựa chính là lỗi ở chúng ta. Đã có một thời, chúng ta chỉ thấy những tiện lợi ấu trĩ ở nó. Hầu như phần lớn đều quên cách sống thong thả với những tạo vật bình dị được Mẹ thiên nhiên ban tặng. Không phải ngẫu nhiên mà giò lụa bánh cốm giờ đây nhan nhản đều bọc trong giấy bóng nhựa cán vô cảm. “Nhanh nhiều tốt rẻ” được quá nhiều người nhầm tưởng là tiêu chí của văn minh. Cứ nhìn vẻ mặt hớn hở của các cô, các chị nội trợ hôm nay thì biết. Khi rời khỏi nhà thì lười biếng chỉ cầm theo cái ví “xịn”, lúc bước ra từ siêu thị thì trên tay lằng nhằng trĩu nặng những túi ni-lông đầy ắp thực phẩm. Có lẽ còn lâu chúng ta mới đi qua thời đồ nhựa.

Chợt nhiên rưng rưng nhớ về dáng mẹ tần tảo ở một thời vất vả chưa xa. Ngày nào đi chợ mẹ cũng xách làn.