Cú ném lao lịch sử
Trong lịch sử tham dự các kỳ SEA Games, điền kinh Việt Nam chưa từng giành HCV môn ném lao. Đây là nội dung đòi hỏi sự tập luyện kiên trì và VĐV phải có một thể trạng, nội lực phi thường. Trước khi SEA Games 31 khởi tranh, rất ít người tin Lò Thị Hoàng sẽ làm nên kỳ tích ở nội dung ném lao nữ, khi các đối thủ của Thái Lan rất mạnh.
Lò Thị Hoàng cũng thừa nhận khó có cửa tranh HCV và cô phải chịu nhiều áp lực. “Điền kinh Việt Nam thắng lớn, giành HCV liên tiếp ở SEA Games 31, cho nên tôi cảm thấy áp lực khủng khiếp khi thi đấu ở ngày cuối cùng. Cả đêm mất ngủ, đến trưa hôm sau cũng không thể chợp mắt. Trước khi bước vào tranh tài, tôi chỉ nghĩ mình cố gắng hết sức, còn kết quả thế nào có lẽ cũng không thể kỳ vọng nhiều”, Lò Thị Hoàng chia sẻ.
Thực tế, nguyên nhân chính khiến VĐV người dân tộc Thái lo lắng là vì chấn thương. Trước SEA Games 31, khuỷu tay, lưng và 2 gối của cô bị đau. Trong thi đấu thể thao, nếu để đối thủ biết mình chấn thương, các VĐV sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Vì thế, bằng mọi cách, Lò Thị Hoàng đã giấu kỹ việc mình gặp nhiều vấn đề về sức khỏe để có thể thi đấu hết sức với tâm lý thoải mái.
“Lúc thi đấu, tôi phải mặc quần dài để che đi 2 gối bị bó. Khi ra sân thi đấu, tôi quên hết những vết đau, mệt mỏi, chỉ tập trung tinh thần cho những cú ném”, Hoàng kể lại.
Sau cú ném đầu tiên, VĐV sinh năm 1997 tin là mình có thể làm tốt nhất khi đã “nóng máy”. Cô lấy đà rất xa, hít một hơi thật sâu rồi bắt đầu những bước chạy với tay cầm lao chắc chắn, hướng góc 45 độ về phía thảm cỏ sân Mỹ Đình.
Một cú ném lao hoàn hảo. Cả sân Mỹ Đình vang lên một tiếng “ồ” và những tràng pháo tay không ngớt. Cú ném của Lò Thị Hoàng đạt thành tích 56,37 m - một thông số mà qua rất nhiều kỳ SEA Games không có VĐV nào làm được. Đó cũng là cú ném tốt nhất của Hoàng sau 6 lượt để đem về tấm HCV lịch sử, đồng thời phá kỷ lục SEA Games tồn tại 15 năm.
Giọt nước mắt nhà vô địch
“Tôi rất bất ngờ với thành tích này vì 2 VĐV Thái Lan rất mạnh. Họ đã giành HCV ở hầu hết các kỳ SEA Games. Thời gian trước SEA Games 31 tôi bị chấn thương, thành tích yếu, lại dịch bệnh nên không được tham dự giải. Và cũng không có giải trong nước nên tôi không kiểm tra được thành tích của mình. May mắn là tôi luôn được thầy cô và gia đình động viên”, Lò Thị Hoàng cho biết.
Sau 2 kỳ tham dự SEA Games, VĐV người Sơn La đều đổi mầu huy chương, để rồi lần đầu bước lên ngôi cao nhất khu vực. Tấm HCV và kỷ lục đã phải đánh đổi quá nhiều và như Hoàng tâm sự, cô chịu rất nhiều áp lực khi bước vào thi đấu.
Vì thế, ngay khi cái tên Lò Thị Hoàng xuất hiện trên bảng vàng, VĐV người dân tộc Thái òa khóc. Trong khoảnh khắc lịch sử và rất xúc động đó, người đầu tiên mà Hoàng nghĩ tới là bố mẹ. Chỉ ít giờ trước khi Lò Thị Hoàng thi đấu, ông nội và bố mẹ mới bắt xe khách từ Sơn La xuống Hà Nội để cổ vũ cho con gái.
Nhà vô địch chạy từ khán đài A sang khán đài B rồi quay lại khán đài C với đôi mắt đỏ hoe tìm mẹ. Thậm chí Hoàng còn “trèo” lên khán đài trước sự ngỡ ngàng của báo chí và người hâm mộ. Và rồi với sự trợ giúp của HLV trưởng, cuối cùng Hoàng cũng tìm được bố mẹ mình ở một góc khán đài. Cả gia đình ôm lấy nhau khóc.
Sáu ngày trên sân vận động Mỹ Đình, người hâm mộ được chứng kiến biết bao giọt nước mắt hạnh phúc và cả thất bại, nhưng những hình ảnh của Lò Thị Hoàng và bố mẹ thật sự chạm tới trái tim của bất cứ ai chứng kiến.
“Tôi muốn tặng huy chương này cho mẹ. Những lúc mệt mỏi hay áp lực, tôi chỉ biết gọi về cho mẹ. Mẹ bảo tôi phải luôn cố gắng. Vì tôi là người dân tộc Thái, hiếm người được đi học và tham dự SEA Games. Tôi rất vui vì bố mẹ có thể xuống xem tôi thi đấu, bởi hành trình xuống đây không dễ dàng gì”, Hoàng nghẹn ngào nói.
Mong bà con mình thoát nghèo
Xa nhà và tập luyện gian khổ suốt nhiều năm, Lò Thị Hoàng và nhiều VĐV Việt Nam phải đánh đổi lớn mới có được thành tích như ở SEA Games 31. Đến ngày đoàn Thể thao Việt Nam làm lễ tổng kết và được nhận nhiều Huân chương Lao động, bằng khen từ Chính phủ, cô gái người Sơn La vẫn không khỏi nghẹn ngào khi chia sẻ về nghiệp thi đấu của mình.
“Những lúc vết thương trở đau, không thể nào ra sân tập luyện được, tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ. Tuy nhiên, bố mẹ, thầy cô cho tôi lời động viên, cùng tôi vượt qua những lúc đó, để có thành công như hôm nay”, Hoàng xúc động nói.
Nhà vô địch SEA Games cho biết thêm, em gái là động lực lớn để cô nỗ lực phấn đấu. Em gái Hoàng cũng từng là VĐV, nhưng đã phải từ bỏ sự nghiệp vì chấn thương. Trong suốt một thời gian dài, Lò Thị Hoàng phải tự đấu tranh với bản thân mình. Có lúc, cô tính đến chuyện giải nghệ tìm một công việc khác để kiếm sống, nhưng rồi vẫn quyết định theo đuổi tới cùng. Hoàng muốn làm được “điều gì đó” để dành tặng cho gia đình, cho em gái.
Đó cũng là lý do Lò Thị Hoàng dù lập gia đình từ năm ngoái, nhưng vẫn gác lại kế hoạch làm mẹ, để quyết chinh phục tấm HCV SEA Games. Quyết tâm của cô, luôn được chồng và gia đình ủng hộ. “Người Thái chúng tôi khắt khe về chuyện lấy chồng, sinh con. Nhưng chồng tôi lúc nào cũng ủng hộ tôi đi tiếp con đường thể thao. Bố mẹ chồng cũng hiểu tôi, coi tôi như con gái nên được tạo mọi điều kiện”, nhà vô địch SEA Games chia sẻ.
Lò Thị Hoàng rất tự hào với những gì mình làm được khi theo đuổi nghiệp VĐV: “Là con gái dân tộc ở vùng sâu vùng xa, ở chỗ tôi rất khó khăn, lúc này vẫn còn đường đất, nhưng theo thể thao, tôi đã được học cấp 3, đại học. Ở xã tôi, rất ít người được đi học. Tôi đã tự thay đổi bản thân nhờ theo thể thao, có bằng đại học ngành huấn luyện Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh”.
Nhà vô địch SEA Games tin rằng từ thành công của mình, sẽ là tấm gương cho các bạn trẻ người dân tộc phấn đấu, chọn cho mình một hướng đi, trong đó có con đường thể thao chuyên nghiệp, để thoát cảnh nghèo, thoát cảnh thất học.
Tấm HCV SEA Games đánh dấu 10 năm sự nghiệp
“Tháng 7 này là đúng tròn 10 năm tôi theo nghiệp thể thao, đã có nhiều vất vả nhưng tôi đã vượt qua. Trước mắt tôi tiếp tục tập luyện để thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc 2022 vào cuối năm, sau đó chuẩn bị cho SEA Games 2023 tại Campuchia rồi mới tính tiếp tới chuyện tương lai”, Lò Thị Hoàng chia sẻ.