Theo dấu phù sa

|

Từ vùng biên giới Vĩnh Xương, Tân Châu, An Giang, chúng tôi theo ranh giới giữa hai huyện Tân Châu (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) để ngược dòng phù sa nơi dòng Mê Kông “nhập cảnh” vào đất Việt. Xe chạy bon bon trên những hương lộ nhỏ giữa những phum sóc bình lặng của hai tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia.

Những con đường, những cánh đồng, những rặng thốt nốt men theo các con rạch, đều gợi lên dáng vẻ của miền Tây mùa gió chướng. Và đặc biệt ấn tượng là những đầm hoa súng đỏ rực mà người dân bên này gọi là hoa sen đỏ. Anh Đoity Chăn, một sĩ quan thuộc lực lượng Hiến binh Hoàng gia Campuchia rất đẹp trai và hiền hậu lái xe suốt hành trình giải thích: “Người dân Campuchia cấy lúa một vụ, nên mùa nước nổi là sen đỏ tha hồ mọc trên những vùng ruộng ngập nước. Họ cũng không có thói dùng bông sen đỏ làm thức ăn như người Việt nên hoa cứ thế mà tự nhiên khoe sắc”.

Dọc đường đi, tôi nhớ tới lời kể đầy cảm xúc của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Huỳnh Trí về những tháng ngày chiến đấu tại Campuchia 43 năm trước. Khi ấy, trong một trận chiến thảm khốc phía Tây dòng Mê Kông thuộc địa phận tỉnh Kompong Speau, ông cùng đồng đội đã cứu sống một phụ nữ có thai trong trận càn của Pôn Pốt và giúp cô sinh nở an toàn, chia quân lương của mình cho hai mẹ con rồi mới tiếp tục hành quân.

25 năm sau, cậu bé may mắn có tên là Kong Sothea ấy đã trưởng thành, quyết chí sang An Giang học đại học và để tìm “Tà Hai” (người có ơn sâu nặng) của gia đình mình là Đại tá Huỳnh Trí. Sau này, khi Đại tá Huỳnh Trí cùng Đội K93, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang ngược dòng Mê Kông trở lại Kompong Speau, ông vô cùng xúc động khi nhiều người dân Campuchia lúc vô tình làm ruộng gặp hài cốt liệt sĩ Việt Nam đã chôn cất chung một chỗ và coi giữ suốt mấy chục năm ròng.

Rất nhanh, xe chúng tôi đã đến thẳng Phnôm Pênh, ở đó có sông Tonle Sap hợp lưu với sông Mê Kông và hình thành Biển Hồ ở phía Tây Bắc. Đang vào cuối mùa khô, nhưng nước Biển Hồ vẫn sóng sánh phù sa. Những ngôi nhà dựng ven hồ thấp thoáng bóng người qua lại. Và san sát mặt nước là hàng ngàn thuyền câu nối nhau, những trảng lưới phơi ánh vàng trên cột thuyền cuối chiều để chuẩn bị cho một đêm đánh bắt mới.

Chúng tôi đến Prếch Toan, một khu làng nổi của người Khmer thuộc tỉnh Battambang. Kâng Kun, một ngư dân có tiếng sát cá ở khu này nói với vẻ tự hào: “Gia đình tôi có ba đời gắn bó với Biển Hồ. Khi mới ba tuổi tôi đã được bố thả xuống nước tập bơi nên không có loài cá nào, không có cách đánh bắt nào ở Biển Hồ xa lạ với tôi. Mỗi khi bắt được cá lớn, tôi thường mang đến khu chợ cá Kampong Chhnang để bán cho được giá. Nhưng bây giờ nhiều bạn nghề của tôi đã lên bờ đi làm thuê vì tôm cá không còn nhiều như trước”.

Từ thủ đô nước bạn, chúng tôi tiếp tục di chuyển về phía Bắc, đến tỉnh lỵ Stung Treng. Như ước định, chúng tôi gặp đội K53, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum cùng 7 cán bộ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Rattanakiri, Campuchia đang chạy đua với mùa mưa đang đến. Những cán bộ ấy đã sát cánh cùng các quân nhân Việt Nam tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua. “Gần 1/4 thế kỷ vui buồn cùng đội, các đồng chí cán bộ của tỉnh Rattanakiri đã đồng cam cộng khổ nhiều tới mức chúng tôi vô cùng khâm phục và xúc động.

Những lần luồn rừng cả tuần giữa cái nắng chang chang, những lần ngược dòng Mê Kông cả chục cây số, những điểm khai quật ròng rã nhiều năm trời mà không nản chí, những khoảnh khắc vỡ òa khi tìm thấy di vật đầu tiên, mảnh xương đầu tiên...” - Thượng tá Lê Công Khoa đội trưởng Đội K53 chia sẻ.

Đồn Biên phòng Sêrêpôk giúp cán bộ, chiến sĩ đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Mea Ruch, Ty công an tỉnh Mondul Kiri, Campuchia vượt cơn lũ dữ đến nơi an toàn.

Chia tay Đội K53, chúng tôi đến Thác Khôn nằm ở Đông Bắc Campuchia, tiếp giáp với biên giới Lào thuộc địa phận của tỉnh Champasak. Đây là nơi dòng Mê Kông gom nước để trở thành một trong những dòng thác nổi tiếng trên thế giới với gần 4.000 hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Được biết, dòng thác cùng những ghềnh đá hiểm trở này đã làm tan vỡ ý đồ của thực dân Pháp dùng sông Mê Kông để thâu tóm Đông Dương.

Từ đường bộ, chúng tôi chuyển qua đường thủy, bằng cách theo đội thuyền đánh cá của một ngôi làng ngoại vi Viên Chăn. Trên địa phận Lào, Thái Lan, Campuchia cũng như Việt Nam, hầu hết người dân sống bên dòng sông đều là dân nghèo làm nghề nông nghiệp, đánh bắt cá... Gia đình nữ cảnh sát Chăn Thi May của Ty an ninh tỉnh Attapeu cũng vậy.

Chúng tôi có dịp quen nhau trong giao lưu hữu nghị biên giới nên nữ đồng chí ấy đã rất nhiệt tình kết nối để tôi có thể khớp lịch di chuyển với anh họ của cô-chủ thuyền cá Vông Sa Ly khi họ quay trở về làng sau hành trình đánh cá xuôi Mê Kông. Vào mùa khô, những tay lưới này sẽ dong thuyền xuống Savannakhet, Khăm Muộn, Champasak... còn mùa lũ thì ngược lên bắc Lào để săn các loài quý...

Anh Vông Sa Ly cho biết, dòng Mê Kông uốn lụa làm đường phân ranh đất nước Lào với nước bạn Thái Lan nên ngư dân hai nước cùng khai thác cá trên sông, rất ít khi xảy ra tranh chấp. Họ cùng thống nhất với nhau sẽ không đánh bắt kiểu tận diệt để bảo tồn nguồn lợi thủy sản chung. Thuyền ra đến giữa sông, chúng tôi gặp một thuyền câu Thái Lan từ một chi lưu chạy rì rì đè sóng nhập về dòng chính. Hai chiếc thuyền chào nhau bằng một hồi còi rồi cùng song song chạy cho đến khi qua gầm cầu hữu nghị Lào-Thái Lan II, đến ngã ba sông, nơi có hữu ngạn Mê Na Mun thì chiếc thuyền của ngư dân Thái Lan mới bẻ lái chuyển hướng về phía tây.

Ngược dòng về Viêng Chăn, thuyền gặp nhiều phụ lưu đổ nước về từ phía đông Trường Sơn. Qua miêu tả của Vông Sa Ly, tôi giật mình nhận ra mình đã đến nhiều dòng sông Việt góp nước cho Mê Kông cuộn chảy như Thượng Sê San, Thượng Sêrêpôk của Tây Nguyên, Sê Asap, Sê Păng Hiêng của Hướng Hóa, Quảng Trị chảy vào Sê Kông và sông Nậm Rốm bắt nguồn từ vùng núi cao Mường Phăng đổ vào sông Nậm Ư của Lào. Chăn Thạch Sang, chàng trai khỏe mạnh đảm nhận nhiệm vụ lái thuyền khoe sau chuyến này, họ sẽ phải tìm dòng cá mới vì những năm gần đây, cá trên thượng du bị ngăn lại tại các hồ thủy điện nên không còn là mấy.

Ngang qua địa phận tỉnh Sê Kông thì thuyền cập bến, chúng tôi lên bờ để bắt xe đi tiếp sang Salavan. Ngay phía bến sông, nơi có hàng trăm chiếc thuyền nhỏ đang đậu, những người đàn ông da đen sạm, tóc hung vàng vì nắng đang tất bật sắp xếp ngư lưới cụ, chuẩn bị cho lần đánh cá mới. Từ Sê Kông về Salavan mất gần nửa ngày đường, nhưng may mắn là chúng tôi tìm được người mình cần là ông Hồ Khắc Lợi, dân tộc Pa Cô, nguyên Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Salavan. Ông nhẩn nha kể, mình sinh năm 1942 tại vùng biên Hướng Hóa và tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ với bí danh Sô-vê La-va.

Năm 1979, cũng như 10 tỉnh biên giới Việt Lào khác, vùng biên giới Quảng Trị được phân giới cắm mốc lại, dẫn đến việc có nhiều vùng đất của bạn quy thuộc về ta và ngược lại. Khi quê hương Tù Muồi của ông quy thuộc về đất Lào và đổi tên thành cụm bản Ba, ông Hồ Khắc Lợi đang đảm nhận vai trò Bí thư Đảng ủy xã nên đã xin ở lại quê hương và được Đảng bộ huyện Sa Muội hướng dẫn, làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, trở thành đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1980. Vốn giỏi nghiệp vụ và công tác dân vận, lại thông thạo ba thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Pa Cô-Vân Kiều) nên ông Lợi đặc biệt phát huy tốt vai trò xây dựng cơ sở chính trị và phát triển kinh tế cho một vùng biên giới mới giải phóng còn nhiều hoang vu, khắc nghiệt và dần trở thành một cán bộ nòng cốt của tỉnh.

Điểm đến cuối cùng của tôi là cố đô Luang Prabang với Hoàng cung của các triều đại vua Lào trong quá khứ. Leo 329 bậc đá lên ngọn núi đơn độc Pu Si, toàn cảnh cố đô yên bình và tịnh lệ hiện ra trong tầm mắt. Và “con sông cuộn sóng”-ý nghĩa tên gọi Lan Thương Giang của người Trung Quốc giờ đây là một dòng nước lênh loang hắt nắng sáng lên như một mảnh lụa vàng khổng lồ. Cô hướng dẫn viên người Lào hiền hòa bảo ở Thái Lan và Lào, các con sông đều được dịch là “Mẹ của nước”, biểu thị bằng tiền tố “Mae”, có nghĩa là “mẹ”, còn “Nam” là “nước”. Qua lời kể của cô, chúng tôi biết thêm ở đây có rất nhiều người Việt sinh sống hòa thuận cùng người Lào, còn có một ngôi Trường tiểu học Hùng Vương của học sinh người Việt....

Từ trên cao, nhìn Mê Kông tỏa đi bốn phía, một kinh mạch lớn của trái đất với những giá trị kiến tạo không thể thay thế cho những quốc gia mà dòng nước kỳ diệu ấy đã đi qua. Là nguồn sống của hơn 65 triệu dân, “dòng sông Phật giáo” dưới tầm mắt tôi còn mang lại một điều tuyệt diệu là kết nối 6 dân tộc, 6 quốc gia mà con sóng kia, dòng nước kia đã triệu năm bồi đắp.