Lời yêu gió thoảng

|

Ai thích đọc Chekhov hẳn đều nhớ truyện ngắn Một chuyện đùa nho nhỏ , qua bản dịch của dịch giả Phan Hồng Giang.

Mùa đông nước Nga lạnh giá, chàng trai rủ cô gái chơi xe trượt tuyết, cùng trượt xuống chân đồi. Nàng sợ độ cao, nhưng vẫn liều theo chàng. Lúc xe lao xuống đoạn dốc nhất, gió thổi mạnh nhất, khiến nàng hoảng hốt nhất, chàng bỗng ngẫu hứng thì thầm: “Nadia, anh yêu em!”. Lời tỏ tình cợt đùa, giấu vào gió làm nàng hoang mang, ngây ngất. Chàng hay gió nói? Chỉ vì băn khoăn, muốn nghe đi nghe lại lời yêu mà nàng vượt qua nỗi sợ, đề nghị cùng chàng trượt thêm vài lần. Lúc xe thả dốc, lần nào chàng cũng nương theo gió, nói: “Nadia, anh yêu em!”. Chàng không cắt nghĩa nổi vì sao lại đùa như vậy. Khi nàng thử trượt một mình, chàng để ý, rõ ràng nàng bâng khuâng buồn khi không nghe thấy lời yêu ấy nữa. Rồi tuyết tan, trò đùa của chàng chấm dứt. Họ xa nhau mỗi người mỗi ngả. Nàng lấy chồng, sinh con. Lời yêu trên đồi tuyết mãi là một bí mật. Nàng không bao giờ biết đó chỉ là chuyện bông lơn. Cái kết hẫng hụt, nhoi nhói lòng con bé mười bốn tuổi là tôi khi đọc nó lần đầu. Và nó còn vương vấn tôi đến tận sau này.

Hầu như ai cũng được nghe hoặc được nói “Anh yêu em/ Em yêu anh” trong đời. Lời yêu chân thành sâu đậm, lời yêu nông cạn đầu môi hay lời yêu giả dối vuột trôi..., tất thảy đều “định dạng” đắm say. Nếu còn trẻ, đôi khi cả người nói lẫn người nghe khó mà phân biệt được đâu là lời yêu, đâu là gió thoảng. Nhu cầu nói và nghe lời yêu tự nhiên như thở, là quyền lợi tinh thần của mỗi con người, nên dẫu thế nào, loài người vẫn nói, vẫn chờ nghe ba từ đơn giản mà rắc rối ấy. Văn hóa yêu của phương tây hoàn toàn khác phương đông. Người phương tây cởi mở, khi yêu, họ nói lời yêu mỗi ngày; họ bộc lộ tình yêu bằng những nụ hôn, những vòng ôm siết mọi nơi mọi lúc. Người phương đông kín đáo, chỉ nói yêu khi cần phải nói, ý tại ngôn ngoại, tế nhị, riêng tư.

Tôi có cô bạn kém gần chục tuổi, chị em hay chia sẻ tâm tình. Cô là người sâu sắc, nhạy cảm, tinh tế, trân trọng những giá trị gia đình. Duyên nợ oái oăm, cô lại gắn bó với một người đàn ông khá lâu mà không đám cưới, không có con chung. Họ vốn quen biết từ xưa. Sau đổ vỡ của mỗi người, hoàn cảnh xô đẩy họ đến với nhau, dù tính cách và lối sống của họ có nhiều khác biệt, thậm chí trái ngược. Mối quan hệ ấy đi qua không ít thăng trầm, tam tứ phen tưởng chia, mà không hiểu sao vẫn khó lìa. Cũng lạ, suốt bao năm chưa bao giờ anh kia nói lời yêu cô. Thời gian đầu, lúc họ nồng nàn nhất, cô hỏi: “Anh có yêu em không?”. Anh trả lời: “Em tự biết rồi, anh đâu cần phải nói!”. Cô bảo: “Nhưng em muốn nghe anh nói”. Anh tỏ vẻ kiên định: “Xưa nay, anh chẳng nói mấy lời sáo rỗng ấy với ai cả”. Cô thủng thẳng phản biện: “Chỉ sáo rỗng khi không yêu vẫn nói. Cũng có người tránh không nói vì không đủ yêu”. Anh chống chế: “Anh không thích múa mép khua môi, thế thôi!”. Có gì đó trong cô tắt lặng. Vốn tự trọng, cô không đề cập đến “lời yêu” thêm một lần nào nữa. Thời gian ấy, họ cần có nhau và cô cố gắng thay đổi để khớp với anh. Cố mãi, đến một ngày cô mỏi, cô chán cả chính mình. Cô tìm tôi, buồn bã thổ lộ: “Chị ơi, anh ấy luôn xác định rõ điều mình muốn và tìm cách đạt được, không vung phí bất cứ cái gì, tiết kiệm cả lời âu yếm, dè sẻn những cử chỉ ân cần. Chúng em không có gì chung, ngoài việc trở thành thói quen của nhau quá lâu”.

Thật ra trong chuyện này, tôi chẳng khôn ngoan hơn. Là người ngoài cuộc, nên tôi tỉnh táo. Tôi tỉ tê: “Thói quen nào cũng có thể bỏ. Em phải học cách yêu bản thân, khi ấy ai nói yêu em hay không, không quan trọng nữa. Biết giữ và biết buông khi cần, gửi tình cảm đúng người, đúng chỗ mới là quan trọng”. Bẵng một thời gian, gặp lại, tôi thấy cô tươi tắn, trẻ hẳn ra. Tôi tra: “Lại yêu, đúng không?”. Cô tủm tỉm: “Em nghe theo chị đấy!”. “Thế anh kia đâu?” - Tôi tò mò hỏi. Cô chỉ cười rạng rỡ. Vóc dáng cô ung dung, uyển chuyển, tấm lưng thon vươn thẳng, bờ vai mảnh dẻ, cần cổ cao kiêu hãnh, gương mặt bừng sáng vẻ đầy “chứng ngộ” của người đã thấu nhiều lẽ ở đời. Nhìn cô, tôi bỗng nghi hoặc chính mình.

Ngày ấy tôi còn trẻ lắm, có thể vượt mọi đại dương, mọi tầng mây theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để gần anh, để nói yêu anh và nghe anh nói yêu tôi. Thời gian bên nhau của chúng tôi được tính ở giữa những chặng bay đến với nhau. Nỗi nhớ, nỗi mong ngày gặp mặt dằng dặc dăng qua bầu trời, qua mây gió, bão bùng, mưa nắng... Dạo anh làm việc suốt mấy tháng trên một hòn đảo miền nhiệt đới xinh đẹp, tôi xin nghỉ phép, tới thăm anh. Chúng tôi ở ngôi nhà nhỏ có hàng hiên nhìn ra bãi biển vắng, cách thành phố khoảng hơn mười cây số. Sóng lao xao, ì ầm suốt đêm ngày. Gió cuống quýt luồn qua những rặng dừa, vi vút trên những ngọn phi lao.

Anh thường dậy rất sớm, ra bãi biển tập yoga, thiền, rồi vào pha cà phê, chuẩn bị bữa sáng. Xong xuôi, anh ngồi đọc sách ngoài hiên, chờ tôi. Anh làm gì cũng khẽ khàng cho tôi ngủ. Nhưng tôi đã thức, nằm cuộn tròn như con mèo lười, lơ mơ nhìn qua khung cửa mở rộng, ngắm vầng mặt trời ửng lên từ lòng biển thẳm, ngắm dáng anh ngồi yên lặng hướng về phía bình minh, như tạc bằng ánh sáng. Tôi thì thầm: “Em yêu anh!”. Anh có nghe thấy không, mà quay đầu lại, gương mặt rạng ngời? Rồi anh bật dậy, bước vào, giọng vang vang rộn rã: “Chào buổi sáng, thiếu nữ ngủ ngày ơi!”. Anh tới bên tôi, cúi hôn lên trán tôi, dịu dàng: “Anh yêu em! Bữa sáng sẵn sàng rồi, mình ăn ngoài hiên nhé?”. Chốc lát, đã lách cách trong bếp và cà phê thơm nức. Tôi phụ giúp anh, mang đồ ăn ra chiếc bàn gỗ mộc trước hiên nhà. Mùi biển, mùi cà phê quánh quện, mê hoặc.

Cuốn Những truyện ngắn hay nhất của Anton Chekhov bản tiếng Anh anh đang đọc dở vẫn để trên bàn, đánh dấu trang bằng mảnh vỏ sò. Sách dày, bìa kiểu kinh điển, in chân dung nhà văn với gương mặt cương nghị, cặp kính tròn đặc trưng. Anh và tôi đều mê Chekhov, thỉnh thoảng vẫn đọc đi đọc lại những truyện ngắn của ông. Gió biển lồng lộng thốc vào, lật tung những trang sách, tôi giữ lại, gặp đúng trang Một chuyện đùa nho nhỏ. Mắt tôi dừng ở đoạn: “Và tôi, chờ khi có làn gió đến, thì thào nói: - Nadia, anh yêu em! Trời, điều gì đã xảy ra với nàng lúc ấy! Nadia khẽ kêu lên và khuôn mặt nàng bỗng chan hòa một nụ cười rạng rỡ. Nadia đưa hai tay lên đón lấy gió, trông nàng lúc ấy thật là mừng rỡ, đẹp xinh và hạnh phúc.” - Bất giác, lồng ngực tôi nhoi nhói.

Sau bữa sáng, anh sửa soạn đi làm trong thành phố. Lúc tạm biệt nhau, anh nói, như bao lần: “Anh yêu em!”. Tôi không đáp “Em cũng yêu anh”, mà ắng một lúc, rồi hỏi: “Là anh, hay gió?”. Anh ngoái nhìn tôi, mắt sâu đăm đắm, mỉm cười: “Anh đây!”. Rồi anh rảo bước; tóc loang loáng nắng; màu áo anh như một mảnh trời buông trên cát trắng, hút theo gió khuất dần sau rặng cây xanh thẫm.

Trên đồi Montmartre ở Paris có Bức tường Tình yêu (Le mur de je t’aime) rộng bốn mươi mét vuông được ghép từ sáu trăm mười hai viên gạch sứ màu xanh, khắc lên đó ba trăm mười một dòng chữ viết tay màu trắng, bằng hai trăm năm mươi ngôn ngữ trên thế giới. Những dòng chữ chỉ gồm ba từ phổ biến nhất mà loài người vẫn nói với nhau: “Anh yêu em/Em yêu anh”, do hai nghệ sĩ Frédéric Baron và Claire Kito sáng tạo năm 2000. Họ đã thu thập những mẫu chữ viết tay của rất nhiều người thuộc các quốc gia, từ những ngôn ngữ phổ biến nhất đến những ngôn ngữ hiếm gặp nhất.

Bức tường vốn là biểu tượng của sự ngăn cách, nhưng trên đồi Montmartre, nó tôn vinh một trong những cảm xúc đẹp đẽ nhất gắn kết con người: Tình yêu. Có lần, tôi đưa bạn thân tới thăm Bức tường Tình yêu, nhân chuyến đầu tiên bạn tới Paris. Chúng tôi lặng ngắm những dòng chữ tưởng vô tri mà như ẩn chứa bao số phận, những mối tình trọn vẹn hay tan vỡ, hạnh phúc hay đau khổ. Tôi dễ dàng thấy ngay “I love you”, rồi “Je t’aime” bên những ngôn ngữ lạ. Dòng chữ tiếng Việt thân thuộc: “Em yêu anh” ở khoảng giữa bức tường, còn “Anh yêu em” ở phía trên. Tôi hỏi bạn: “Chàng vẫn nói yêu đấy chứ?”. Bạn trả lời nhẹ tênh: “Xưa nói suốt, giờ thì không. Tầm này sống vì tình nghĩa. Lời yêu gió thoảng ấy mà!”.

Ôi, lời yêu gió thoảng! Đã bao lâu rồi, tôi không nghe ai nói lời yêu bằng tiếng mẹ đẻ? Đã bao lâu rồi tôi không nói ba từ giản đơn đó bằng tiếng Việt yêu dấu của tôi? Mắt tôi chợt nhòa hơi sương ẩm một chiều cuối xuân. Những dòng yêu trên bức tường xanh lặng lẽ trào dâng như sóng tràn biển cả. Những câu thơ vụt hiện, như sóng dội về tôi: “Những dòng yêu im lìm/ gió ào ào dốc vắng/ ràn rạt lá ngân rung/ ai vừa cất tiếng/ hoang mang rêu/ bức tường câm nín”.