Cái nắng xôn xao

|

Những cơn heo may len lén bứt lá vàng trên vòm sấu cổ thụ, rải đầy xuống mảnh sân trước nhà. Bà ngoại tôi bảo: “Trời se se lạnh thế này mà làm bát bánh đúc nóng thì ngon phải biết!”. Chỉ chờ có thế, lũ cháu nhao nhao níu tay bà: “Bà ơi, bà ơi, mai bà nấu bánh đúc, nhá, bà nhá!”. Ba đứa lít nhít, đứa lên bảy, đứa lên sáu, đứa lên ba, con dì con bác, thời gian ấy đều đang ở với ông bà. Bé Ly ba tuổi, con gái của dì ruột tôi, má đỏ bồ quân, mắt đen lay láy, rất xinh, mỗi tội chậm mọc tóc, nên ông tôi hay gọi yêu là con “Trọc”.

Ly khôn lanh, đành hanh, cậy bé tranh bà với tôi suốt. Tôi là Na, sáu tuổi, tóc loe hoe, trán bướng, mắt to, thích quan sát, nhạy cảm, giòn cười tươi khóc. Huy, con trai của bác tôi, bảy tuổi, thấp hơn tôi nửa cái đầu, mắt một mí, má phính, trắng trẻo. Tôi với Huy chả bao giờ xưng anh em, chỉ xưng tên. Huy lầm lì, ít nói. Cứ nói là ngọng dấu ngã thành dấu sắc, hay bị tôi và Ly lêu lêu, không chơi cùng. Những lúc ấy, bà thường bênh Huy, cốc nhẹ vào đầu tôi, đe: “Không được bắt nạt anh, nghe chưa! Ông mà biết, ông cho ăn xe điếu đấy!”.

Xe điếu là cái ống bằng đồng nhẵn bóng trong bộ điếu bát gốm cổ của ông. Mỗi lần ông làm một hơi thuốc lào, nước dưới bát điếu lại reo lên óc ách, nghe ngồ ngộ. Ông giơ cái xe điếu dứ dứ, dọa lũ cháu nghịch ngợm. Chúng tôi sợ, chạy núp sau lưng bà. Ông chỉ dọa thế thôi, chứ chưa đứa nào phải “ăn xe điếu” cả. Nghe lũ cháu líu ríu xin ăn bánh đúc, ông bảo bà: “Bà xay bột, quấy bánh đúc cho chúng nó ăn. Lâu lâu, tôi cũng nhớ mùi bánh đúc của bà rồi!”.

Sớm hôm sau, bà chuẩn bị xách làn mây ra chợ. Nhòm vào trong làn, thấy có cả bơ gạo tám thơm, mắt lũ cháu sáng lên. Sắp được ăn bánh đúc nóng rồi! Bà mang theo gạo, thuê họ xay bột nước, đựng phồng phềnh trong túi vải bố, treo lên chờ cho nước chảy hết, còn lại khối bột ướt. Bà khều mẩu vôi bé bé từ cái bình vôi ăn trầu, hòa tan với nước mưa, chờ vôi lắng xuống, khẽ khàng gạn lấy nước trong, đổ tiếp vào túi bột. Trong lúc chờ nước vôi trong chảy đi hết, bà bắt đầu chuẩn bị các thứ khác cho món bánh đúc nóng.

Một công đôi việc, lại tiết kiệm, bà đã chọn mua miếng xương hom, còn gọi là xương bay của con lợn, phần xương dẹt có nhiều thịt, vị ngọt đậm đà. Bà lọc sạch thịt ra băm nhỏ, ướp tiêu mắm cho vừa để làm nhân bánh; băm luôn cả củ hành tây, dăm bảy cái nấm hương, mộc nhĩ đã ngâm mềm. Phi thơm hành tây trước, xào thịt tơi rồi mới cho nấm hương, mộc nhĩ. Khi nhân bánh chín thì rắc hành tăm thái nhỏ cho thơm, điểm mầu xanh bắt mắt. Phần xương thả vào nồi nước, đun sôi ít phút, mang ra rửa sạch mới ninh tiếp, nhỏ lửa, thêm nhúm muối và mấy củ hành tím đã bóc vỏ, mở hé vung, thỉnh thoảng hớt bọt, sao cho nước xương thật trong.

Để nồi xương ninh đấy, bà bóc hành khô, thái lát, phi với mỡ vàng óng lên, để nguội sẽ giòn tan. Bột ráo lần nữa cũng là lúc nước dùng đã ngọt. Một phần nước dùng, bà nêm mắm, dấm, đường, ớt, tiêu, pha chua chua ngọt ngọt ngậy ngậy, để trước khi ăn sẽ đun nóng lại, chan lên bánh đúc. Bà trút bột vào cái nồi gang nhỡ, hòa thêm vài thìa bột đao, mà bây giờ người ta hay gọi theo tiếng miền nam là bột năng. Bột năng có tác dụng tạo độ sánh, dẻo cho bánh đúc. Ngoài hàng, họ thường cho hàn the để bánh đúc chắc, “giòn” hơn, nhưng bà tôi chẳng cần đến nó mà món bánh đúc của bà vẫn đạt đến độ quánh chuẩn mực. Đợi nước dùng nguột bớt, bà múc từng muôi hòa vào bột rồi bắc nồi lên bếp, dùng đũa cả quấy đều. Ban đầu, quấy bột có vẻ nhẹ nhàng, nhưng khi bột bắt đầu sánh thì công việc trở nên vất vả. Chiếc nồi gang đặt trên bếp dầu, một tay bà giữ tai nồi lót cái khăn mặt cũ, tay kia khuấy liên tục. Những vòng khuấy cứ nặng dần, nặng dần, bởi bột đang đặc lại, ngả mầu trong trong. Ấy là lúc bà cho thêm một thìa mỡ vào khiến mặt bột bóng mịn.

Tôi được bà phân công nhặt rau mùi. Tôi cắp rổ rau con con xuống bếp, ngồi cạnh bà, tay nhặt rau, mắt nghếch lên quan sát bà quấy bánh. Vẻ mặt bà chăm chú lắm, như thể giây phút ấy chẳng có gì quan trọng hơn nồi bánh đúc này, vì chỉ cần nhãng đi là bánh có thể vón cục hoặc bén nồi. Phải quấy sao cho khi nhấc đũa lên, bột quánh quện thành mảng mềm bóng mướt, chầm chậm chảy xuống nồi. Trời lành lạnh mà mồ hôi lấm tấm trên gương mặt bà ửng hồng. Giọt giọt mồ hôi men theo sợi tóc mai, lăn nhẹ qua má bà tôi, lóng la lóng lánh như những hạt pha lê. Lưng áo cánh bằng vải phin nõn trắng của bà ướt đẫm. Tôi nghĩ, bà tôi thật xinh đẹp. Năm ấy bà đã gần sáu mươi tuổi mà mắt nâu mi rợp, môi thắm quết trầu, dáng người nhỏ nhắn, tóc mềm dài ngang lưng thường được vấn lại gọn gàng. Bà ngoảnh sang tôi, ánh nhìn dịu dàng. Thấy tôi ngồi thần ra, bà bật cười, nói: “Ơ hay, cái con bé này! Có mấy nhánh mùi nhặt mãi chả xong. Nhanh lên con, rồi dọn mâm cho bà, bánh sắp chín rồi”. Tôi thẽ thọt: “Bà ơi, trời lạnh mà bà nóng hở bà? Quấy bánh đúc mỏi tay không hở bà?”. Bà bảo: “Không, mỏi gì đâu, vui ý chứ!” - “Vui nhỉ, bà nhỉ!”. Tôi hùa theo. Bà cười: “Ừ, lát mấy ông cháu có bánh ngon nóng sốt ăn, là bà vui!”. Tôi hớn hở ôm lấy lưng bà, hít hít mùi mồ hôi quen thuộc. Bà khẽ đẩy tôi ra: “Thôi thôi, chị xê ra, bà đang chua lòm đây này”. Tôi nhặt nốt mấy cọng mùi, tay tôi thơm thơm, lòng tôi khấp khởi.

Ngoài sân, bóng nắng đã nghiêng. Huy mê mải chơi bi một mình. Những viên bi đất sơn xanh đỏ lăn dọc lăn ngang, va nhau lách cách. Huy búng viên bi ve trong veo như mắt mèo vào đám bi đất, khiến chúng bắn tung tóe ra tứ phía. Bé Ly tha thẩn chơi với con mèo Lê La dưới gốc sấu, vớ được viên bi ve, bèn nhặt lấy, giữ khư khư. Huy quý viên bi ve lắm, nên lao đến định giằng lại, Ly khóc toáng lên không chịu trả. Bà đang tất bật trong bếp, nghe tiếng khóc, ngó ra: “Lại trêu em đấy! Nhường em đi con, bà cho viên bi ve khác”.

Cả nhà quây quần quanh chiếc mâm đồng. Nồi bánh đúc được ủ nóng trong cái rổ to lót đầy bao tải và khăn mặt cũ. Bà múc bánh đúc còn nghi ngút khói vào những cái bát chiết yêu, rải nhân, rắc rau mùi, một chút hành phi, rồi chan nước dùng chua ngọt vừa đun nóng lại, cho lũ cháu ăn trước. Ông còn nhắm rượu với vài hạt lạc rang húng lìu, mà bà thường rang sẵn một lọ phần ông. Lũ cháu cũng thỉnh thoảng được bà nhúp cho vài hạt ăn nhí nhách. Nhưng nay có bánh đúc nên chẳng đứa nào xin lạc nữa. Bà vừa ăn vừa xúc cho bé Ly. Bát bánh đúc của bà, và sau là bát của ông sẽ thả thêm tỏi ớt băm nhỏ, chứ trẻ con thì chưa ăn được cay. Bánh đúc nóng thế mà Ly ta ăn thun thút, cái miệng chúm chím thổi phù phù. Tôi và Huy thì khỏi phải nói, mỗi đứa bê một bát, chén tì tì. Bà tôi sung sướng nhìn đàn cháu rào rào như tằm ăn rỗi. Ông phải nhắc: “Bà cũng ăn đi chứ, nguội hết rồi!”. Bà nói: “Tôi nhẩn nha, đợi ông. Nguội tí vẫn ngon”. Bà là thế, suốt đời nhường nhịn, hy sinh, nhưng lại luôn tìm ra lý do để hạnh phúc, dẫu cuộc sống có ngược xuôi, vất vả đến thế nào.

Bây giờ, tôi nấu bánh đúc nhàn hơn vì bỏ qua công đoạn xay bột nước và ngâm nước vôi trong. Bột gạo và bột năng bán sẵn ở siêu thị, tôi mua về hòa theo tỷ lệ một phần bột năng hai phần bột gạo tẻ, khuấy tan vào nước lạnh, để lắng cho bột nghỉ vài giờ, gạn hết nước đi rồi quấy với nước dùng ninh từ xương hom như bà tôi làm ngày xưa. Mọi công đoạn khác vẫn y như thế, tôi chỉ thay mỡ lợn bằng mỡ gà cho vào nồi lúc bột vừa sánh, và phi hành khô với mỡ gà, tạo mùi thơm hấp dẫn hơn. Đi đông về tây, nếm thử không ít món mới lạ, mầy mò, tìm hiểu, nấu nướng cũng nhiều, nhưng những món quen thuộc xưa bà tôi hay nấu vẫn luôn cuốn hút tôi. Mỗi lần nấu lại những món ăn ấy, chế biến, bày biện, tôi muốn làm chúng sáng bừng lên. Bừng lên như nắng. Nắng nhớ bà.

Tôi có bài thơ viết tặng bà tôi, “Cái nắng ở nhà bà ngoại”, khi bà đã đi xa rất lâu. Tôi gọi mình là “Cái nắng từ vòm sấu trước sân rơi xuống lòng bà/ nóng ấm/ Bà làm bạn làm bà làm mẹ cái nắng/ Cái nắng xinh xinh bà cất vào túi áo cánh/ rồi cẩn thận cài miệng túi bằng chiếc kim băng bé xíu/ sợ cái nắng ngã/ sợ cái nắng đau/ Cái nắng bé bỏng mơ mộng trời cao/ biết đâu có ngày bão mưa/ biết đâu có ngày giông gió/ Có ngày chiếc kim băng tuột rơi/ Áo cánh mong manh sương khói/ Bà ngoại bay về trời…”. Bà tôi bay đi cùng những vầng mây xa nhất. Cái nắng xưa rơi ra khỏi lòng bà, gặp biết mấy bão giông. Nhưng trong căn bếp nhỏ của tôi, nắng vẫn rạng rỡ, xôn xao mỗi ngày.