Một phác thảo thơ Ðào Quốc Minh

|

Những năm gần đây, cái tên Đào Quốc Minh trở nên khá quen thuộc trong văn giới và bạn đọc. Anh viết và xuất bản đã có đến năm sáu tập thơ; tập gần đây nhất là “Phục sinh” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024) với dung lượng khá lớn, 180 bài.

Ở một bài thơ nào đó, tự nhiên tôi bắt gặp một câu thơ tưởng như rất tình cờ, nhưng dường như nói được phần nào về thế giới thơ của Đào Quốc Minh: “trong tưởng tượng xưa cũ của tôi”. Vâng, thơ anh toàn là những tưởng tượng về một thế giới xưa cũ, xa xôi, một thời đã qua rất lâu rồi, một thời đang tiêu trầm, phai tàn song vẫn hắt lên những tia hồi quang lặng lẽ, mơ hồ và đôi khi chói rực.

Đó là thế giới của một không gian xa xôi với những cánh rừng mùa thu phương bắc, những cánh đồng hoang vu xa rộng, những chiến địa xa xăm; thế giới của những người nô lệ da đen, của những đàn ngựa chiến hoặc ngựa trời trong tưởng tượng, những người lính già nua, của những người đàn bà tong teo bên song cửa, những ngôi nhà thờ vắng lặng, của những bãi biển trống vắng, những thiếu nữ mơ mộng trong rừng: “em nhảy múa và hát bài đồng dao/về một loài thiên mã/từng bay theo ánh chiều/vàng vọt phương nam” (Bài đồng dao về một loài thiên mã); “một nhà thơ được sinh ra/để hát về ngàn mưa mây cồn núi nhạn” (Áp thấp nhiệt đới)... Đó là những không gian 4 chiều: dài, rộng và cao; cộng với chiều thứ tư - chiều của tâm linh.

Không gian thì thế. Thời gian trong thơ Minh cũng toàn những đại lượng lớn, mấy ngàn năm, một ngàn năm, một trăm năm, nhiều năm, nhiều mùa, nhiều thế kỷ, nhiều đời người... Đào Quốc Minh không quan tâm tới thời gian vật lý, thời gian thực tại. Người thơ chìm đắm vào không gian hồi tưởng, không gian tưởng tượng xa xưa, xa khuất. Anh hướng vào thời gian vĩnh cửu. Những đại lượng thời gian lớn như vậy chất chứa cái thế giới vĩnh hằng, những linh hồn bất tử: “đã mấy ngàn năm/chỉ còn lại cánh cò trắng/và cây đàn góa phụ.../ngủ yên trên đồng hoang vu” (Ngôi sao băng); “chỉ còn một dây đàn/vắt ngang mùa-thu-cũ” (Một dây đàn)... Thơ Minh có vô số những câu thơ nói về thời gian vĩnh cửu với những không gian vĩnh hằng như thế.

Trong cảm thức của thi sĩ, cho dù luôn hướng về thế giới của những chiều kích to lớn và lắm khi rất mơ hồ như vậy, lạ thay luôn hiển hiện những CON MẮT với nhiều trạng thái khác nhau, trong nhiều cảnh huống khác nhau. Đây là đôi mắt trẻ thơ: “thấy những đứa trẻ con/mang đôi mắt màu tro/ngày nào buồn bã” (Soi bóng bên sông); “đôi mắt trong buồn bã/nhìn về mấy bức tường/vàng ửng đang sụp đổ/dưới chân đồi” (Bức tường vàng ửng). Kia là đôi mắt của người con gái áo xanh từ 20 năm trước: “ngước đôi mắt vàng vọt/thẫn thờ nhìn về bầu trời” (Vàng vọt); của cô gái “ngồi trên bậc thềm rêu phong/khép đôi mắt hanh khô/cánh đồng hoa cải” (Mười lăm vầng trăng thu)... Nhà thơ có hẳn một bài thơ cực ngắn theo hình thức vắt dòng mang tên “Đôi mắt”: “nỗi buồn/trong veo.../và chói lọi...”. Có thể nói, trong thơ Đào Quốc Minh đầy rẫy hình ảnh những đôi mắt đủ các trạng thái trong không/ thời gian khác nhau, và về cơ bản đó là đôi mắt tâm linh, mang tính hồi nhớ và tưởng tượng. Như một thương tích nội tâm. Như một ám ảnh.

Hình như có một nhất quán ở đây. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh đôi mắt lại xuất hiện dày đặc như vậy. Một khi đã mang ý hướng chiếm lĩnh không gian lớn thì tất nhiên phải quan sát nó, bao chiếm nó từ mọi hướng nhìn, từ xa nhìn lại, từ trên cao nhìn xuống, từ phía dưới nhìn lên, từ phía sau phía trước, từ nhìn thẳng nhìn chéo nhìn nghiêng.... Cũng vậy, muốn chiếm lĩnh thời gian vĩnh cửu, muốn dọi cái nhìn vào quá khứ xa xăm, thì chỉ có con mắt tâm linh mới giúp thực hiện được. Đào Quốc Minh đã thiết lập một thế giới nghệ thuật thuộc thì quá khứ, với không/thời gian của cái vĩnh hằng/vĩnh cửu, ở đó hiện lên hình ảnh đôi mắt - cái nhìn xuyên thấu, nghiêng về tâm linh. Đến cả đồ vật, những thứ tưởng như vô tri, ấy thế mà trong thi cảm của nhà thơ vẫn có đôi mắt ẩn chìm trú ngụ: “chiếc lọ hoa gốm/vẫn lặng lẽ trên bàn/nhiều năm qua/chỉ còn lại/con mắt gốm/im lìm/và một cánh hoa/khô lạnh” (Chiếc lọ gốm).

Anh có những câu thơ khiến người đọc không khỏi thảng thốt: “giật mình/một tiếng/hú vang//đã bao nhiêu kiếp/người hoang.../giữa người...” (Người hoang). Trong một thế giới trống vắng, miên viễn như thế, chỉ khi các con mắt biết tìm nhau, đồng cảm và thấu hiểu thì thế giới này mới đủ ấm, đủ yêu thương.

Thơ Đào Quốc Minh giữ một khoảng cách đối với các vấn đề thế sự hoặc thời gian thực tại. Hay nói đúng hơn, đây đó những tiếng vọng của chiến tranh, cái chết, sinh thái cũng có mặt trong thơ anh như những liên tưởng, gợi nhắc. Thơ anh chủ yếu hướng về những “tưởng tượng xưa cũ”, trong đó ánh lên những điêu tàn và những vàng son, những cái chết và sự sống, những khổ đau và hạnh phúc... Triệu hồi quá vãng và mở về phía trước. Đó là một kiểu thơ để gợi và dẫn người đọc đi về những chân trời xa khuất của xưa/nay.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu chùm thơ tiêu biểu của nhà thơ Đào Quốc Minh

Sông Hương

em sinh ra từ xứ Bắc trong ký ức…
về dòng sông chỉ còn lại một người đàn bà
ngồi đếm từng hạt phúc bồn tử
màu đỏ tươi trong tiếng phong cầm
mùa thu vẫn gìn giữ nỗi buồn
trong chiếc rương đầy lá thông vàng cũ kỹ
câu chuyện không lời về cái bóng
bên ngọn bấc đèn dầu và hạt nước mắt không ngủ
đã ngàn năm nối tiếp những đời người
đã nhấn chìm - con đò - cũ - cô đơn
ngoài kia một buổi mai - như hạt sương thấm
vào tờ lịch ố vàng tháng chín
em lặng lẽ - trên triền đồi trắng lạnh
bỗng nghe đâu đây…
trên bến cũ - Hương Giang
khoan nhặt điệu Nam Bình.

Minh họa: NGUYỄN MINH

Đồi hoa quế trắng

nàng mệt mỏi
ngồi trên đỉnh đồi
để mặc hơi ẩm
nhè nhẹ phả vào thân thể
buồn thảm trong vắt
xõa mái tóc đầy hoa quế trắng...
tận không trung vi vút
những tiếng én thiên di gọi bạn đời
nàng mở đôi mắt
u trầm hun hút gió
trân trân nhìn
về phía chân mây...

Chiếc lọ gốm

chiếc lọ hoa gốm
anh dành tặng, riêng em
chiếc lọ hoa gốm
vẫn lặng lẽ trên bàn
nhiều năm qua
chỉ còn lại
con mắt gốm
im lìm
và một cánh hoa
khô lạnh.