Trong nỗ lực kích cầu “Người Việt đi du lịch Việt” bằng những sản phẩm du lịch mới mẻ, mỗi “địa chỉ đỏ” đều có thể trở thành một hành trình khám phá lịch sử, văn hóa hấp dẫn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc để từ đó vun xới và đắp bồi lòng biết ơn, niềm tự hào cùng tình yêu đất nước. Bởi thế, “tiềm năng của loại hình này là vô tận, là thế mạnh mà chúng ta phải tận dụng khai thác tối đa”, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch (thường trực) Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist (ảnh bên) khẳng định.
Được biết, “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” đến từ cái bắt tay ăn ý giữa Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò với Công ty Lữ hành Hanoi Tourist của ông. Nhiều năm qua, nhà tù này vẫn luôn là điểm đến thu hút sự quan tâm của số đông du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô. Vậy ý tưởng làm mới hành trình khám phá này xuất phát từ đâu, thưa ông?
Đại dịch Covid-19 đẩy du lịch toàn cầu vào cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, ngành du lịch Việt Nam đã may mắn hoạt động trở lại nhưng chỉ gói gọn trong thị trường nội địa. Chiếm tỷ lệ lớn tới 70-80% là lượng khách chọn hình thức nghỉ dưỡng. Thị phần dành cho những loại hình du lịch khác chỉ vỏn vẹn khoảng 20-30%. Những địa phương sẵn có rừng vàng, biển bạc hay núi non hùng vĩ thì đơn giản rồi. Nhưng nếu không được sở hữu những thắng cảnh thiên nhiên vô giá ấy, chúng ta vẫn có thể tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa - lịch sử đặc thù rất giá trị mà tỉnh thành nào cũng sẵn có. Mô hình này đòi hỏi phải đầu tư có chiều sâu và khâu triển khai rất kỳ công, điều mà ít doanh nghiệp dám chọn lựa. Và yêu cầu mới lạ về nội dung, hấp dẫn trong cách chuyển tải là yêu cầu phải đặt lên hàng đầu.
Nhiều năm gắn bó với ngành này, tôi nhận thấy phần lớn các “địa chỉ đỏ” thường chọn cách khai thác ở góc độ di tích nhằm đề cao những giá trị bảo tồn và kiến thức lịch sử - văn hóa ẩn chứa chứ hiếm khi chuyển tải dưới góc độ du lịch. Chính vì vậy, khi góc nhìn của người quản lý di tích và người làm du lịch may mắn gặp nhau, sự ra đời của một sản phẩm chất lượng phục vụ du khách là điều hoàn toàn có cơ sở.
Phản hồi từ những du khách đầu tiên được trải nghiệm “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” là rất tích cực. Tái hiện Hỏa Lò trong không gian tĩnh lặng buổi đêm, với lượng khách hạn chế kèm khuyến cáo không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi... Có vẻ như những người thực hiện đã chọn được hình thức chuyển tải thu hút được sự tò mò của số đông?
Hỏa Lò do người Pháp xây dựng và là công trình có quy mô đồ sộ nhất trong hệ thống nhà tù tại Đông Dương lúc đó. Tọa lạc ngay giữa trung tâm Hà Nội, gói ghém trong mình biết bao sự kiện, bao số phận con người theo suốt chiều dài lịch sử hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ẩn sau những bức tường xám lạnh ngục tù vẫn sáng ngời khí tiết anh hùng cùng khí phách bất khuất, kiên trung của biết bao thế hệ cha anh. Với thời lượng 45 phút, du khách sẽ bước qua cánh cổng - ranh giới giữa sự sống và cái chết để cùng ngược dòng thời gian, sống lại cùng những ký ức đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của những người tù chính trị năm xưa. Nghe thuyết minh qua tai nghe, trải nghiệm không gian giam cầm bức bối tối tăm, những câu chuyện xúc động năm xưa được trợ giúp bởi công nghệ âm thanh - ánh sáng, du khách như được đồng hành cùng những người cộng sản kiên trung giữa lao tù đế quốc. Mạch chuyện được dẫn dắt logic, cách trải nghiệm tạo sự bất ngờ, cảm xúc của du khách sẽ được đẩy dần lên tới cao trào theo suốt hành trình để rồi lắng lại ở những khoảnh khắc tưởng nhớ và tri ân, khi họ cùng thành kính hướng về những chiến sĩ cách mạng đã vượt qua cả đòn thù, máy chém chỉ bằng lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng trọn đời theo đuổi.
Theo dự kiến, sẽ có ba hành trình được tổ chức mỗi đêm, phục vụ tối đa từ 60 tới 75 khách. Ba đêm cuối tuần dành cho đối tượng khách lẻ, những ngày còn lại sẽ phục vụ khách đoàn. Ở nơi mạch truyện kết thúc, chúng tôi cũng đã khéo léo gợi mở một câu chuyện mới, một góc nhìn mới để chuẩn bị một hành trình trải nghiệm mới nhằm thu hút du khách trở lại. Mỗi di tích dung chứa biết bao biến cố và số phận, đó là nguồn tài nguyên vô tận cho những ai biết khai thác. Tôi nói tour về nguồn có tiềm năng không giới hạn là vì thế.
Tiềm năng không giới hạn, nhưng cách khai thác phổ biến hiện nay đều khá đơn điệu, một màu. Cần làm gì để có thể khai thác tối đa thế mạnh sẵn có này, thưa ông?
Điện Biên Phủ hay sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, địa đạo Củ Chi hay Vịnh Mốc, những cái chết hóa thành bất tử nơi Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô hay Truông Bồn, những nghĩa trang liệt sĩ trùng trùng mộ chí ở Trường Sơn - Đường 9 hay địa đầu Vị Xuyên, những nhà tù “địa ngục trần gian” như Phú Quốc - Côn Đảo hay Sơn La - Kon Tum... tất cả đều đã trở thành những địa danh nổi tiếng gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ hướng tới chân lý mà loài người theo đuổi: Hòa bình - Độc lập - Tự do. Và tất cả đều trở thành những “địa chỉ đỏ” thôi thúc người dân tìm về nguồn cội. Trên dải đất hình chữ S, có thể tìm thấy những điểm đến như thế ở bất cứ đâu, vấn đề là lớp hậu sinh sẽ chọn cách khai thác thế nào cho hiệu quả. Điều quan trọng nhất, theo tôi, là phải liên tục tìm tòi và thay đổi cả nội dung lẫn hình thức thể hiện. Khi du khách luôn được tiếp cận với những sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn, việc họ còn trở lại nhiều lần là điều đương nhiên.
Và nếu đã tâm huyết với loại hình giàu tính nhân văn này thì nên cố gắng làm sớm chừng nào hay chừng đó, khi những nhân chứng sống, dù ngày một thưa vắng, vẫn còn. Trên hành trình trở về quá khứ, khi có bóng dáng cùng hồn cốt của những người trong cuộc trở thành xương sống của sản phẩm du lịch thì sức lan tỏa từ những thông điệp sẽ lớn hơn, sẽ giàu sức thuyết phục hơn.
Thật ra du lịch, dù nỗ lực đến đâu cũng chỉ đóng vai trò bắc nhịp cầu, để bổ sung những kiến thức về lịch sử - văn hóa cho du khách, theo một cách thức trực quan, sinh động và dễ hiểu, dễ cảm. Việc cung cấp những nền tảng cần thiết vẫn là trách nhiệm của ngành giáo dục. Khi lớp hậu sinh có được những hiểu biết nhất định về những trang vàng của dân tộc mình, họ sẽ có động lực để tìm hiểu, để tích lũy và làm giàu vốn tri thức, thông qua những trải nghiệm thu được sau mỗi hành trình khám phá. Sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và giáo dục để tạo nên mô hình du lịch học đường cũng là một hướng đi rất khả thi, tôi nghĩ vậy.
Xin cảm ơn ông và chúc “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” thành công. Cùng chờ đợi những sản phẩm về nguồn hấp dẫn của du lịch Việt trong tương lai!