Hành trình ra mắt thế hệ mới

|

Với thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam, thành công tại SEA Games 32 vừa qua như một lời khẳng định của thế hệ mới. Và cũng là bước đệm giúp TDDC tự tin hơn để bước vào những guồng quay quan trọng trong năm, đó là tạo dấu ấn tại ASIAD 19 sắp tới và nỗ lực giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

Trước khi bước vào SEA Games 32, cơn bão chấn thương và 4 HCV giành được tại kỳ Đại hội 31 đã tạo áp lực rất lớn cho tuyển TDDC. Song, trên đất Campuchia, thầy trò HLV Trương Minh Sang đã thể hiện tinh thần vượt khó đầy quả cảm khi thành công bảo vệ ngôi vương với 4 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Chưa hết, sự xuất sắc của các VĐV trẻ như Nguyễn Văn Khánh Phong, Văn Vĩ Lương, Trịnh Hải Khang, Đặng Ngọc Xuân Thiện... cùng việc bảo vệ thành công tấm HCV đồng đội toàn năng nam đã cho thấy tín hiệu vui trên hành trình ra mắt thế hệ mới.

Sau SEA Games 32, TDDC Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng với tấm HCB nội dung vòng treo nam của Nguyễn Văn Khánh Phong ở Giải vô địch châu Á tại Singapore vào tháng 6 vừa qua. VĐV sinh năm 2002 này đã vượt qua những đối thủ mạnh, trong đó có nhà vô địch thế giới Carlos Yulo của Philippines. Trước đó ở SEA Games 32, Khánh Phong cũng đánh bại Yulo để giành HCV ở cùng nội dung.

Với thành tích này, Khánh Phong cùng Văn Vĩ Lương (xếp hạng 14 tại nội dung toàn năng cá nhân nam) sẽ giành quyền tham dự Giải TDDC vô địch thế giới, diễn ra vào tháng 8 tới tại Bỉ. Và đây cũng là giải được tính thành tích để tranh suất chính thức của Olympic 2024. Theo cập nhật của Liên đoàn Thể dục Thế giới (FIG), TDDC Việt Nam có thêm 2 suất tham dự thuộc về Trịnh Hải Khang (nhảy chống đơn môn nam) và nữ tuyển thủ Trần Đoàn Quỳnh Nam (đơn môn thể dục tự do). Trước đó, ở ba kỳ Olympic liên tiếp 2012-2016-2020, TDDC Việt Nam đều có VĐV vượt qua vòng loại và có mặt tại sân chơi này.

Đây chính là cơ hội lớn để các VĐV tích điểm cho tấm vé đến Paris 2024. Nhưng, khác với những năm trước, quy định về chuẩn tham dự Olympic năm nay đã có sự thay đổi ngày càng cao và rất gắt gao. Cụ thể, VĐV giành vé tham dự Olympic bắt buộc phải giành được thành tích tại ít nhất 3 trong 4 giải Cup Thế giới diễn ra trong quãng thời gian chuẩn bị Olympic được FIG tính, thường là từ 12-18 tháng. Đặc biệt, các VĐV sẽ phải thi đấu vòng loại rồi đến vòng chung kết, chứ không được đăng ký thi đấu trực tiếp tại giải thế giới như trước đây.

“Nếu như ở nhiều môn, ASIAD được xác định là một trong các giải vòng loại Olympic thì môn TDDC lại bỏ qua các giải này. Việc phấn đấu giành vé tham dự Olympic 2024 sẽ được trao cơ hội cho tuyến VĐV trẻ tài năng ở thời điểm hiện tại”, HLV Trương Minh Sang chia sẻ.

Như vậy, quy định mới này buộc TDDC Việt Nam phải có sự tính toán trong việc cử VĐV tham dự các giải đấu, vừa đấu vòng loại thế giới, vừa dự ASIAD, bởi hai giải này diễn ra khá gần nhau. Bên cạnh đó, mục tiêu phấn đấu giành huy chương ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới cũng không kém phần quan trọng. Dù đạt thành tích khá tốt tại SEA Games 32 cũng như các giải đấu quốc tế, nhưng với đấu trường ASIAD, tính chất cạnh tranh chuyên môn hoàn toàn khác và việc giành huy chương là vô cùng khó khăn. Các VĐV Việt Nam sẽ phải tranh tài với các VĐV đẳng cấp hàng đầu thế giới, có trình độ Olympic.

“Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines vẫn đang là đội mạnh nhất. Ở khu vực châu lục, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Kazakhstan đều là những ứng viên cho các ngôi vô địch trong thi đấu TDDC ở ASIAD 19. Khó khăn chồng chất nhưng tất cả đều phải bảo đảm tốt nhất tâm lý trước khi thi đấu nên Ban huấn luyện sẽ lựa chọn con người phù hợp nhất chuẩn bị cho kế hoạch ASIAD 19”, Phụ trách Bộ môn Thể dục, Cục TDTT Bùi Trung Thiện cho biết.

Nhiều năm qua, những tên tuổi “vàng” của TDDC Việt Nam như Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Đỗ Ngân Thương, Hoàng Cường, Đặng Nam, Đinh Phương Thành, Phan Thị Hà Thanh, Lê Thanh Tùng... đã trải qua những năm tháng khổ luyện theo nghiệp, lần lượt ghi danh trên bảng vàng thành tích quốc tế. Giờ đây, TDDC đã cho thấy sự kế thừa, kết hợp khá hiệu quả từ công tác đào tạo VĐV trẻ kế cận đầy tài năng với nhóm VĐV đỉnh cao đầy kinh nghiệm. “Tre già, măng mọc” đó là quy luật tất yếu. Những tuyển thủ kỳ cựu không chỉ là đầu tàu dẫn dắt, mà còn là động lực tinh thần cho các VĐV trẻ noi theo, thắp lên kỳ vọng tiếp tục nối bước đàn anh mang vinh quang về cho TDDC nước nhà.