Thơ của những ký ức cất lời

|

Trần Kim Hoa làm thơ dễ đã 30 năm có lẻ. Và đã ra được 3 tập thơ riêng đầy đặn, trong đó tập Bên trời gần đây nhất đã được trao Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt nam (2020). Trong vòng ngần ấy thời gian, với 3 tập thơ, cho thấy tác giả không phải là người ham chạy theo số lượng.

Ai cũng có thì quá khứ. Nhưng không phải ai cũng có ký ức. Với quá khứ, chỉ những gì được lưu giữ, được nhớ, thậm chí tạo thành ám ảnh mới được gọi là ký ức. Theo đó, ký ức ở mỗi người không giống nhau cả về sự có mặt và mức độ chi phối. Nó là một thứ năng lượng luôn can dự, can thiệp vào sự sống hiện tại theo cách bí nhiệm nào đó đến nỗi con người ta không dễ gì lúc nào cũng kiểm soát và lý giải được. Thậm chí có người ít để tâm tới câu chuyện ký ức, ít thao thức về nó, ít thấy ý nghĩa trong đó. Ký ức chỉ là ký ức khi nó tồn tại tự trị. Ký ức sẽ được phát nghĩa lấp lánh khi đặt nó trong mối liên hệ với trạng thái hiện sinh cá thể.

Xét theo nghĩa ấy, nhà thơ Trần Kim Hoa là người của ký ức, sống bằng ký ức, làm chủ một kho ký ức rộng lớn, phong nhiêu. Ký ức chính là nguồn cảm hứng bất tận, tươi mới và mênh mang buồn làm nên thế giới thơ của thi sĩ Trần Kim Hoa: “ký ức thổi trong tôi những ngọn heo may/có ánh mắt thi thoảng trở về nhìn tôi trên giấy trắng (Những giông gió, cuối cùng, cũng yên ả vàng phai...).

Trong thế giới ký ức ấy có những gì? Trần Kim Hoa thường bắt đầu từ hiện tại, biến hiện tại thành nguyên cớ để trở về với lớp lớp các ký ức gần xa.

Một trong những miền ký ức chính là quê hương gắn liền với không gian đường làng, cánh đồng, hoa cỏ, bùn đất, con sông, vầng mây... đi qua bốn mùa xuân hạ thu đông, nơi có mẹ có bà, có những đứa em, bạn bè, có một đời sống tuổi thơ, có những trò chơi và làm lụng. Thì ra, trong quãng tuổi thơ, chị đã từng theo mẹ về sống với bà ngoại ở làng quê Thạch Hà, Hà Tĩnh. Trong trường liên tưởng rộng dài, rất tự nhiên, Trần Kim Hoa hướng về làng quê nhiều nhất. Như một hồi nhớ: “dảnh mạ lội bùn/tháng chạp chân son/đồng chiều lục lạc/vùi trong sương lạnh/khúc đồng dao mắt tròn xoe” (Tháng Chạp kiệm lời). Tuy có nỗi vất vả của người quê trong đó mà sao vẫn thấy thanh sáng, trẻ trung. Còn đây là hình bóng người mẹ quê trong nỗi ngùi ngùi của thi sĩ: “mọi ngả đường đều dẫn đến giêng hai/mẹ chít lại khăn trong bóng đêm lần tìm tờ bạc cũ/mai mốt cháu chắt về/mai mốt con nhà hàng xóm cưới” (Tháng Chạp). Một hình ảnh giản dị, thân thuộc như bao bà mẹ khác trên cõi đời này mà sao xúc động. Thơ Trần Kim Hoa có vô số bài viết về các tháng, các mùa trong năm, đặc biệt những lúc giao mùa. Dường như đó là những khoảnh khắc lòng người dễ bị đánh động nhất. Lúc này bước chân lặng thầm và khắc nghiệt của thời gian được cảm nhận trong chiều sâu của nó. Vẫn trong bài Tháng Chạp, người thơ đã không giấu được vẻ ngậm ngùi về bước đi của thời gian, về những phôi pha của kiếp sống: “bậc thềm đêm gió trỗi/tháng chạp đồng thơm mạ non/tháng chạp vườn sương lá dong xanh thắc thỏm/gừng biết cay con gái biết thì/ta chải tóc nhận ra tháng chạp không còn trẻ/gió tất niên qua ngõ vội vàng”.

Trong mông lung ký ức, người thơ làm sao có thể không nói đến tình yêu? Một cảm nhận chung, những niềm yêu trong thơ Trần Kim Hoa thường hồi nhớ về những vẻ đẹp mơ mộng, dại khờ của thời con gái đã từ rất xa, tưởng như đã bị xóa sạch, nay bỗng nhiên đột hiện với ít nhiều ngậm ngùi, tiếc nuối. Những câu thơ thật tinh tế: “có một dòng sông trong veo/ chảy miệt mài ký ức/ em vớt được tiếng cười của mình/ trao/ anh/ mười/ bảy... // có một khu vườn xanh mướt/ lá ướt long lanh/ em/ in/ dấu chân mình/ lên dấu chân số phận/ hoa chua me lấm nắng dịu dàng” (Nắng đan vào tay em). Có những lúc nhà thơ nói về ký ức tình yêu như một tự thú, rằng tưởng kỷ niệm xưa đã ngủ quên, đã bị tẩy trắng, bỗng: “tình yêu mở mắt/ trời xanh bị xé rách/ đám/ mây như thuỷ tinh vỡ/ trút cơn đau xuống vườn trần//lẽ ra/ giấc ngủ sẽ trăm năm// lẽ ra/ tình yêu mãi chỉ là chú nhóc ba tuổi/ ngái ngủ giữa nôi trời (Thế mà em lại quên). Không một bài thơ nào viết về tình yêu, nữ thi sĩ không để lòng ngược về quá khứ với những nhung nhớ dịu dàng. Ký ức tình yêu đòi lên tiếng đến nỗi người thơ cũng tự thấy bất ngờ.

Trần Kim Hoa ít nói về thế sự. Không phải chị không quan tâm. Nhưng sức hút mạnh mẽ nhất của thơ chị là quay ngược về ký ức, nương tựa vào ký ức, ký ức sống cùng thực tại. Đây chính là chỗ làm nên nét đặc sắc nhất của thơ Trần Kim Hoa. Ký ức chính là mỹ học của nữ thi sĩ này.

Ngay cả một số bài thơ về phố, cụ thể hơn là Hà Nội nơi chị sống và viết, ký ức cũng tràn vào cùng hiện tại, làm nên một bức tranh êm đềm, mơ mộng, có chiều sâu hồn phố cổ rất đặc trưng mà lại không xa cách với không gian phố xá bây giờ: “âm âm tường rêu/ tiếng rao khuya/ mềm đêm ngói mỏng/ mắt đen tóc tết ơi/ phố dài ngô nếp nướng// ngoại ô xích lại gần/ phố già nua vọng tiếng cười son trẻ/ mẹ ngồi đan áo/ tờ thư năm cũ úa vàng...” (Phố). Trần Kim Hoa viết ít về phố, nhưng rất lạ, những bài như Phố, hay Hà Nội tôi mơ, Gió mùa Đông Bắc, Vẫn sớm mai này... lại là những bài thơ đặc sắc của chị. Sống cùng và sống kỹ với nơi chốn mình đang sống cũng là một phẩm chất tâm hồn của nữ thi sĩ.

Càng rực rỡ trong ký ức, càng thấm nỗi phôi pha trong hiện tại. Thơ Trần Kim Hoa là thế. Không thích ồn ào, không nói những điều to tát, bao giờ cũng như thể tự ngẫm, tự nhủ, một mình, nhiều lúc tủi thân, chẳng phải vì nỗi đau nào cụ thể, mà là bởi ngấm nỗi tàn phai và hữu hạn của kiếp người. Càng về sau, thơ chị càng đằm thắm cảm quan phôi pha như thế.

Câu thơ lục bát của nhà thơ chẳng phải là một tự họa của nữ thi sĩ đó sao:

một tôi ngọn nến hao gầymột trang sách mỏng chất đầy chiêm bao...

(Một tôi)

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Trần Kim Hoa

Phố

chầm chậm xích lô hoa
và em bước xuống từ bức tranh huệ trắng
áo dài thêu bông cỏ may
gót lụa thấp thoáng chiều dĩ vãng
nhẹ nhõm cây tì bà

mảnh mai con đò chở gió
lá trúc rơi trên thềm thơ
mùa thu nói gì hư ảo
rèm buông thủy mặc mơ màng

áo nâu dầu mưa dãi nắng
ngày cuối chợ, bữa mom sông
Trấn Vũ chuông ngân
Thọ Xương sương thức

âm âm tường rêu
tiếng rao khuya mềm đêm ngói mỏng
mắt đen tóc tết ơi
phố dài ngô nếp nướng

ngoại ô xích lại gần
phố già nua vọng tiếng cười son trẻ
mẹ ngồi đan áo
tờ thư năm cũ úa vàng...

Minh họa | NGUYỄN MINH

Những giông gió, cuối cùng, cũng yên ả vàng phai...

lấp lóa tuổi thơ tôi những bến bờ mùa hạ
người đi người ở bên lở bên bồi
những mái chèo khỏa buồn vui theo sóng
những lưới những thuyền giăng mắc đời sông...

tôi nhớ dưới mưa thu rêu len lén bậc thềm
câu hát thênh thang leo võng ngủ
dây trầu quấn thân cau
rơm vàng phơi ngõ nhỏ
trời buông mấy vạt mây xanh...

nhớ tháng chạp niêu cơm nhẹ tênh
giọt gianh che rách ngày mưa gió
nhớ khăn ấm lần đầu tiên đến lớp
những chiếc lá dùng dằng thương nhớ mùa đông

ký ức thổi trong tôi những ngọn heo may
có ánh mắt thi thoảng trở về nhìn tôi trên giấy trắng
duy nhất một mùa xuân im lặng
tiếng mưa chiều héo hắt giêng hai

nơi tóc mẹ búi tròn nghiêng bên bếp lửa
cha trầm ngâm nghe bão rít quanh nhà
nơi cánh cửa khép vào mãi mãi
những giông gió, cuối cùng, cũng yên ả vàng phai...