Làm âm nhạc chân chính là con đường của mình
Bắt đầu từ concert “Evolution” năm 2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với các tác phẩm nổi tiếng của Beethoven, Tchaikovsky, Scriabine, Ravel, Liszt, khán giả yêu cổ điển đã nhận ra sự chuyển biến trong thế giới âm nhạc của anh. Những bản nhạc của Quang chọn tinh tế hơn và đi vào chiều sâu hơn, vì sao có sự chuyển biến đó?
Những năm đầu tuổi 20 là quãng thời gian tôi có nhiều phá cách và tương đối độc lập. Tôi làm việc một mình, không có một người thầy sát sao nên cứ làm những gì mình cho là hay nhất, đôi khi ngẫu hứng và mất kiểm soát. Lúc học xong với NSND Đặng Thái Sơn, tôi đi tìm giọng nói riêng của mình và may mắn là gần đây tôi có làm việc thêm với hai bà giáo sư. Một bà lắng nghe tôi hằng tuần, còn một bà sẽ nghe tháng một lần. Từ tháng 10 năm ngoái, nhiều người nhận ra sự thay đổi và hài hòa trong phong cách của tôi. Bà giáo người Anh, gốc Anh nên gu thẩm mỹ khá classic, có thể nói, đó là làn gió mới cho tôi. Tôi rất biết ơn bà giáo đó, nhờ bà tôi củng cố thêm niềm tin rằng, làm âm nhạc chân chính mới là con đường của mình. Trước đó tôi cũng có ấp ủ nhiều dự định, làm các dự án, dạy nhiều hơn. Nhưng bà bảo với khả năng của tôi, tôi phải đi đến tận cùng con đường này, vẫn phấn đấu biểu diễn và đi thi. Lúc đó tôi đã 28 tuổi, tốt nghiệp cao học, theo học NSND Đặng Thái Sơn và đã có trò giành giải thưởng hẳn hoi mà vẫn cắp sách đi học.
Nghĩa là con đường học của anh vẫn chưa dừng lại và Quang đang trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới?
Tháng 1 năm 2019, bà giáo giúp tôi có học bổng toàn phần tham gia festival âm nhạc ở Australia, được một giáo sư hàng đầu của Mỹ sang dạy. Cũng ở đó, tôi có duyên gặp một bà giáo theo trường phái Mỹ. Hiện tại, bà đang nghe tôi tháng một lần. Tôi nhận ra cái gì phù hợp với mình, cái gì không, cái gì cần cải thiện và cho đi, không nên giữ nữa. Điểm đặc biệt nhất hiện nay là sự thay đổi trong danh mục các tác phẩm biểu diễn của tôi thiên về chiều sâu, sự tinh túy, tinh xảo. Ngày xưa tôi chơi nhiều những tác phẩm hay nhưng thiên về phần trưng trổ, gây hiệu ứng cho khán giả. Tuổi trẻ mà. Còn bây giờ thì khác, tôi chú trọng chiều sâu hơn. Và đúng, với nghề này, việc học là cả đời chứ không phải chỉ trong một thời gian ngắn.
Có vẻ như Lưu Hồng Quang luôn không hài lòng với bản thân dù anh đã có danh tiếng và đạt được nhiều thành công?
Lúc trẻ tôi hơi tự do, muốn làm gì thì làm. Tôi theo đuổi con đường học hành khá dài. Bây giờ tôi học còn hăng hái hơn ngày xưa. Cả ngày tôi dạy học, thu xếp tập xong phần mình phải trả bài cho các bà giáo. 11h đêm tôi vẫn ngồi vỡ bài trên cái đàn điện bé tí học sinh tặng, bởi khu tôi sống không được chơi đàn buổi tối. Nhờ sự hướng dẫn của hai bà giáo, tôi phá vỡ rào cản chỉ tung ra những gì mình tốt nhất. Tôi tin chỉ vài năm nữa, tôi sẽ phát triển lên một bước mới. Tuy vậy, tôi không bao giờ cho phép mình nghĩ cái đầu đã chạm trần là cao lắm hết cỡ rồi, phải tin là mình còn có thể tốt hơn nữa. Nghệ sĩ luôn tự hoàn thiện mình và tự phê bình mình rất quan trọng.
Nhưng khi đã ở đỉnh cao của danh tiếng, không phải ai cũng giữ được sự tỉnh táo để luôn phê bình chính mình?
Ai cũng yêu bản thân, muốn được công nhận là thành công. Với tôi, thành công nhất là đánh đàn, dạy đàn hay làm bất cứ điều gì liên quan đến âm nhạc, tôi cũng không thỏa hiệp với những sản phẩm kém chất lượng. Âm nhạc là nghề mưu sinh và âm nhạc là niềm vui sống của mình, hai quan điểm đó sẽ dẫn đến hai thái độ ứng xử hoàn toàn khác nhau.
Với anh thì sao?
Với tôi âm nhạc là lẽ sống. Tôi không thỏa hiệp với những gì không đúng, dù con đường có chông gai thì vẫn cố gắng vượt qua. Thành công nào cũng có giá của nó. Mình cứ tập trung vào cái lõi âm nhạc thì mọi thứ sẽ đến. Việc đầu tư, nghiêm khắc với bản thân không bao giờ là thừa.
Giấc mơ lớn của Quang
Đọc cuốn Hồi ký của Lang Lang - một trong những nghệ sĩ piano nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, tôi thấy đằng sau vinh quang là sự khổ luyện, nước mắt và những áp lực của danh tiếng. Anh có thấy bóng dáng mình trong đó?
Tôi học được sự khổ luyện của Lang Lang, thành công nào cũng có giá của nó. Nhưng tôi sẽ không đi con đường mà Lang Lang đi. Tôi đã đi qua tuổi trẻ được mọi người tung hô là thần đồng rồi. Danh tiếng, tiền bạc cũng đã có. Tôi cũng đã chứng kiến vô vàn những vì sao đi lên và đi xuống. Điều còn lại cuối cùng là mình có đi con đường âm nhạc đúng đắn, chân chính hay không? Mình có yêu âm nhạc vô điều kiện hay không? Nếu có bất kể chuyện gì xảy ra, thành công hay thất bại thì mình có muốn làm âm nhạc nữa không? Phải bình tĩnh trả lời tất cả những câu hỏi đó xong thì hẵng theo nghề. Vì nghề này có quá nhiều cám dỗ. Nhưng một khi đã xác định được rồi thì cứ thế mà đi, đừng do dự, đắn đo nữa.
Quang đang mơ đến một giải Chopin - giải thưởng danh giá nhất dành cho nghệ sĩ piano? Điều gì truyền cho anh cảm hứng về giấc mơ lớn đó?
Có lẽ tôi phải chịu ơn hai bà giáo, họ cho tôi niềm tin rằng khả năng của mình còn phát triển hơn nữa, phải đi tiếp. Các vị phụ huynh hay hỏi làm thế nào để con họ đạt được những thành công như tôi. Tôi chỉ lấy phép so sánh, một người ném viên đá chỉ xác định khoảng cách 10 m, ném rất dễ, cảm xúc không vui cũng chẳng buồn. Còn một anh khác muốn ném 1.000 m, có bao nhiêu sức mạnh anh ta vận dụng hết, có thể không được 1.000 m đâu nhưng sẽ bỏ xa 10 m. Có ai không muốn thành người biểu diễn giỏi, làm việc với các dàn nhạc danh tiếng, phòng hòa nhạc lẫy lừng. Những hình ảnh đó sẽ là động lực cho mình khổ luyện. Chả ai đánh thuế giấc mơ, tại sao không mơ những gì đẹp nhất. Nói chuyện với rất nhiều sinh viên Việt Nam, tôi thấy các em gặp phải vấn đề không dám mơ cao hơn. Nên đặt ra mục tiêu, vì tuổi trẻ trôi qua nhanh lắm. Không có gì sai trái nếu đặt ra mục tiêu cao mà thất bại.
Mỗi năm, anh đều dành thời gian về Việt Nam biểu diễn, dạy học trò dù anh định cư ở Australia. Việt Nam có ý nghĩa thế nào đối với con đường phát triển sự nghiệp của anh?
Tôi lớn lên ở Hà Nội. Những ngày về đây, tôi thích lang thang trên phố cổ, ngắm nhìn kỷ niệm. Giờ Hà Nội phát triển và ồn ào hơn nhiều. Bối cảnh xã hội như vậy chỉ hợp với những người kinh doanh chứ đánh đàn cũng khó. Một số người họ quen với việc đó rồi còn tôi cần không gian lắng nghe, tĩnh lặng. Nhưng tôi vẫn về mà, quê hương mình ở đây, bố mẹ ở đây, nhiều khán giả ở đây. Có thể tách cơ thể ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim.
Năm 2020 là một năm đặc biệt, kỷ niệm 250 năm sinh của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven. Anh có những dự định gì?
Sẽ là một năm bận rộn. Ngày 5-1, tôi sẽ về Việt Nam và lần đầu tiên song tấu cùng em trai Lưu Đức Anh bản Giao hưởng số 9 - một trong những bản nhạc vĩ đại nhất của Beethoven. Sau đó tôi có một tour diễn cùng dàn nhạc Pháp và nhạc trưởng Francois Ragot tại nhiều địa điểm vào tháng 11 năm sau. Trong tour diễn này tôi sẽ chơi tác phẩm Concerto Emperor “Hoàng đế” của Beethoven. Đây là một vinh dự vô cùng lớn với tôi, được làm việc với hai tác phẩm vĩ đại của Beethoven và đóng góp tiếng đàn của mình cho công chúng Việt Nam và châu Âu.
Cảm ơn về cuộc trò chuyện của anh, chúc anh một năm mới bình an!
Lưu Hồng Quang sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha là PGS, TS, NSƯT Lưu Quang Minh - một trong những nhà giáo uy tín về lĩnh vực biểu diễn và giảng dạy đàn Accordion và nhạc Jazz của Việt Nam. Lưu Hồng Quang là học trò của NSND Thu Hà. Năm 2007, anh nhận học bổng toàn phần của Nhạc viện quốc tế Australia. Từ năm 2008, Lưu Hồng Quang đã gặt hái được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi piano quốc tế: Giải đặc biệt Piano Chopin Quốc tế châu Á năm 2006, Giải nhất Lev Vlassenko toàn châu Úc năm 2011, giải nhì Euregio Piano Award tại Đức năm 2015... Năm 2015 -2016 anh theo học bậc cao học biểu diễn piano với NSND Đặng Thái Sơn tại Nhạc viện Montreal, Canada. Hiện nay Lưu Hồng Quang đang giảng dạy tại Học viện âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật Australia. Anh từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba năm 2011 và được vinh danh là một trong mười gương mặt điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017.