Chuyến tàu chở thời gian

|

Tôi căn thời gian để ra Gare du Nord, khoảng mười lăm phút trước giờ tàu chạy từ Paris đến Bruxelles.

Buổi sáng đúng tầm đi làm, các khoang metro chật cứng. Người lèn người như cá mòi đóng hộp. Không khí ngột ngạt, đặc quánh. Metro đường 9 có trục trặc gì đó nên tàu dừng lại các bến lâu hơn bình thường khiến lòng tôi nóng hơn lửa đốt. Tàu hỏa ở châu Âu luôn khởi hành đúng từng giây mà metro lờ dà lờ dờ thế này, rất có thể tôi sẽ nhỡ tàu. Năm xưa ở Paris, trong một bài thơ, tôi viết: “Chậm một phút thôi là lỡ chuyến về/ là có thể lên nhầm một đoàn tàu khác/ là chẳng gặp người mong gặp…”.

Gare Du Nord rất rộng. Những chuyến tàu tỏa đi các thành phố phía Bắc nước Pháp và châu Âu. Ra khỏi metro, tôi chạy cuống cuồng lên sân ga tàu hỏa, nhưng chuyến tàu đi Bruxelles vừa rời ga đúng một phút trước khi tôi kịp tới. Tôi sững lại, bất lực nhìn nó lừ lừ chuyển động, tăng tốc vút xa. Còn hơn nửa tiếng nữa sẽ có chuyến kế tiếp. Sau mấy câu trình bày với trưởng tàu, ngay lập tức tôi được xếp một chỗ ở toa 5. Tôi thấy có ít nhất chục người lên toa 5 theo cách ấy. Hẳn ngành đường sắt Pháp luôn dành một số lượng ghế nhất định cho những hành khách nhỡ nhàng như tôi. Tôi đã nhỡ tàu, đã lên một đoàn tàu khác, nhưng bài thơ cũ của tôi không còn đúng nữa. Tôi tới Bruxelles thăm hai người bạn quý, vợ chồng Claire và André Nayer, những người tôi mong gặp.

Tôi biết André khoảng hơn hai mươi năm trước, tại một câu lạc bộ nhạc jazz giữa lòng Hà Nội. Chúng tôi quen nhau qua Nor Manaf Faridah, nữ thi sĩ người Malaysia, một bạn thơ thân thiết của tôi. Giữa cuộc trò chuyện, André ứng tác ngay một bài thơ ngắn bằng tiếng Pháp, viết trên mẩu khăn giấy rồi đọc cho chúng tôi nghe. Hồi ấy, tôi chưa biết nhiều tiếng Pháp. Chỉ nhận ra một vài từ, nhưng tôi có thể cảm thấy nhịp điệu jazz trong giọng đọc du dương của anh, cách anh xếp đặt ngôn ngữ, lối anh xuống dòng mỗi câu thơ tự nhiên, đầy ngẫu hứng. Tôi nói với André về cảm nhận của mình. Anh rất vui. Anh bảo công việc hiện tại chọn anh, nhưng anh lại “phải lòng” thi ca, mà thi ca thì chẳng để mắt tới anh. Lúc ấy tôi mới biết André Nayer thực ra là một luật sư rất giỏi, một giáo sư luật học của Trường đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles (Vương quốc Bỉ), người hàng năm được mời sang Việt Nam giảng dạy về luật kinh doanh tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 1998. Tôi vô cùng tò mò về bài thơ ngắn anh vừa viết. André đưa tôi mẩu khăn giấy có bài thơ jazz và bảo: “Bạn hãy giữ bài thơ này nhé. Tôi rất mong một ngày bạn có thể đọc và hiểu nó”.

Sinh thời, nhà giáo, nhà văn Châu Diên là người mà tôi yêu quý và kính trọng. Những năm ấy, ông đã ngoài bảy mươi, nhưng vẫn rất trẻ trung, hay diện quần trắng, áo sơ-mi hoa hoặc ca-rô màu sắc sặc sỡ. Ông hào sảng, hóm hỉnh, “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”, đôi khi cũng hơi quá lên một chút, và chẳng bao giờ thèm khiêm tốn giả vờ. Ông thuộc thế hệ những trí thức của một thời Hà Nội lịch lãm hào hoa, ngoại ngữ làu làu. Ông cũng là người đầu tiên khuyến khích tôi học tiếng Pháp. Nhưng ngày ấy tôi rất lười, chỉ học cầm chừng, vì so với tiếng Anh đã trở thành quen thuộc với tôi thì tiếng Pháp là một mớ bòng bong, càng gỡ càng rối. Khi trò chuyện, ông hay xưng “moi – toi”, chêm cả những cụm từ tiếng Pháp, buộc tôi phải tự đoán. Còn tôi gọi ông là “papa”, xưng con. Một lần tới thăm ông, tôi kể cho ông nghe về André, đưa ông xem mẩu giấy viết bài thơ jazz mà tôi rất thích dù chẳng hiểu hết. Ông cười ha hả, hỏi: “Nó tán toa phỏng?”. Tôi rối rít xua tay: “Không, không, papa! Một bạn thơ con mới quen thôi, papa đọc mà xem”. Ông vừa đọc, vừa dịch vo bài thơ jazz cho tôi nghe, rồi gật gù nhận xét: “Bài thơ lạ lắm, đúng là không tán gì. Nghe nhịp điệu xôn xao như jazz vậy. Mà jazz thì biến ảo khôn lường, đang thế này, ngoắt sang thế khác. Đang không tán, thành tán. Ha ha! Tiếng Pháp của tay này thật đặc biệt. Nó chơi chữ oách đấy!”. Bản tiếng Việt bài thơ jazz của André Nayer do nhà văn Châu Diên chuyển ngữ thật sáng và hay. Bài thơ nghe như một bản nhạc jazz với những giai điệu của trắng và đen, ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, thân gần và xa cách, như những tiếng vọng từ tâm hồn nhà thơ. Nó mở ra cánh cửa đầu tiên đưa tôi vào thế giới lạ lùng của André. Thật tiếc là giờ đây, khi nhắc đến bài thơ độc đáo này, tôi không thể tìm lại cả nguyên bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt của nó. Nhưng chính nó đã kết nối chúng tôi. Chúng tôi trở thành những bạn thơ thân thiết một cách tự nhiên. Suốt nhiều năm, chúng tôi trao đổi với nhau những suy nghĩ, ý tưởng và những bài thơ, như chia sẻ những món ăn tinh thần. Một thời gian sau, tôi nhờ papa Châu Diên dịch thêm một số bài thơ khác nữa của André, gửi in trên tạp chí Văn học Nước ngoài do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản. Và rồi, khi André sang giảng dạy ở Hà Nội năm ấy, tôi đã giới thiệu nhà thơ với dịch giả của anh. Có cảm giác như họ quen biết lâu lắm rồi. Hai người trò chuyện tâm đầu ý hợp, cũng trở thành bạn bè từ đó. Mỗi khi André sang Hà Nội dạy học, ba chúng tôi lại có những cuộc hội ngộ thật vui, chỉ nói về thơ ca, nghệ thuật. Sau này, André nhiều lần đưa cả Claire, vợ anh đi cùng. Claire là một phụ nữ xinh đẹp và ấm áp. Tôi sẽ dành riêng một bài viết về chị.

Mấy năm trước, André nói với tôi rằng anh muốn in một tập thơ. Tôi góp ý, đó nên là tập thơ song ngữ Pháp - Anh, bởi tiếng Anh sẽ khiến thơ anh được biết đến nhiều hơn, trong một thế giới rộng lớn hơn. André hoàn toàn đồng ý với tôi. Anh bắt đầu tập trung hoàn thiện bản thảo dù công việc giảng dạy ở Bỉ và cả ở Việt Nam vô cùng bận rộn. Tôi kết nối André Nayer với Tiến sĩ Harry Aveling, giáo sư ngôn ngữ học người Úc, một dịch giả rất nổi tiếng qua nhiều tác phẩm dịch văn chương từ tiếng Pháp, tiếng Hindi, tiếng Indonesia và tiếng Malay sang tiếng Anh. Suốt cả năm 2021, André Nayer và Harry Aveling làm việc với nhau qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử, thảo luận về bài thơ và bản dịch, khiến cho bản dịch tiếng Anh gần với nguyên bản tiếng Pháp nhất có thể. Thế rồi cuối cùng, Những dấu vết, tập thơ song ngữ Pháp - Anh của André Nayer cũng ra đời. Thơ André Nayer qua bản tiếng Anh mà Harry Aveling dịch thực sự lôi cuốn tôi. Với tôi, và có thể với bất cứ ai, đọc thơ André Nayer là hành trình dấn bước vào một thế giới thật lạ lùng. Không dễ để ngay lập tức hiểu những gì anh muốn chia sẻ. Tôi có thể tìm thấy ở đó nhiều tầng trầm tích cuộc đời anh, những trải nghiệm, thậm chí cả những bí mật được anh phong kín trong muôn vàn hình ảnh, chi tiết mà qua đó anh muốn biểu đạt mình với bạn đọc một cách đầy triết lý. Những dấu vết dẫn dắt tôi tới những tầng trời cao hơn, những tầng đất sâu hơn trong thế giới của André. Như anh đã viết: “Impalpables/ le ciel/ la terre/ et aussi l’ensemble,/ entre” - “Intangible/ heaven/ and earth/ everything between/ comes together” - “Vi diệu/ tầng trời/ và đất/ mọi lưng chừng ở giữa/ đến với nhau”. Tôi đã đến với thơ André theo cách ấy. Thật tiếc, papa Châu Diên không thể chứng kiến Những dấu vết ra đời. Ông rời cõi trước đó ba năm, ở tuổi tám mươi bảy. André dành những trang cuối tập thơ cho bốn bản dịch tiếng Việt của Châu Diên, như lời tri ân lặng lẽ. Tôi thật lòng tin, rằng ở đâu đó trên cao xanh kia, ông láu lỉnh nháy mắt với André, với chúng tôi, rồi cười sảng khoái, như thể ông muốn nói: “Xin chúc mừng!”.

Tôi áp mặt vào cửa kính toa tàu, ngắm nhìn những làng mạc, những cánh đồng, những khu vườn đầu đông còn vương sắc Thu dịu dàng. Chợt nhớ bài thơ Cảm đông của André mà papa Châu Diên đã dịch: “Ngày trải ánh dài lên/ đủ sắc mầu cuộc đời/ Tầu chuyển nhanh/ trời lam bình minh dụt dè/ Linh dương cất vó/ mắt nhìn xanh mênh mông/ ẩm ướt/ Trời đất đông đặc lại/ trong điệp khúc tinh tế/ Dương liễu giăng thành/ đường bệ/ Cánh đồng hở ra những luống sương giá/ và trong yên lặng tràn đầy/ đàn chim non ngực chất chứa/ những ca khúc ngây ngất/ Đêm trôi ánh bạc về/ miền nước vũng chốn chân trời/ bỏ rơi ánh sáng, mặt nạ đêm cùng bao lý lẽ đêm/ Thế rồi sương mờ xuất hiện/ những bóng ma giác quan/ những nhịp đập nghẹn/ của những bông tuyết đang hình thành/ Nếu lòng em mơ tuyết/ thì hãy đến/ nhìn nến thắp đáy ao sâu/ nhìn thời gian/ trôi/ phù du/ đang ngưng đọng…”.

Tàu vào ga Bruxelles Midi. Giữa dòng người trôi vội vã, André đứng đó từ bao giờ, chờ tôi, với chiếc ô màu đỏ như một chiếc lá phong lớn trên tay. Có cảm giác thời gian ngưng lại trong nụ cười anh rạng rỡ, ấm cả trời Bruxelles mưa lạnh…